Ngành tiêu dùng "gia cố" tiềm năng

Giảm thuế VAT lại “kích” tiêu dùng

Quốc hội vừa chính thức thông qua quyết định giảm 2% thuế suất thuế giá trị gia tăng (VAT) lần thứ 4 đối với một số nhóm hàng hoá, dịch vụ trong 6 tháng cuối năm nay. Trước đó, nước ta đã có 3 lần giảm thuế VAT và chính sách này được đánh giá cao, mang nhiều lợi ích cho người dân và doanh nghiệp.

Với doanh nghiệp, khi thuế VAT giảm từ 10% xuống 8%, chi phí thuế mà doanh nghiệp phải trả khi mua nguyên vật liệu, hàng hóa và dịch vụ cũng giảm theo. Do đó, các doanh nghiệp có thể giảm giá bán sản phẩm hoặc giữ giá ổn định trong khi tăng biên lợi nhuận, đồng thời doanh nghiệp cạnh tranh tốt hơn trên thị trường, thu hút nhiều khách hàng hơn và tăng doanh thu.

Với người tiêu dùng, khi thuế VAT giảm, giá cả hàng hóa và dịch vụ sẽ giảm theo, làm tăng sức mua của người tiêu dùng, giúp họ tiết kiệm được một phần chi phí sinh hoạt. Dù số tiền giảm thuế của người dân trong các sản phẩm đơn lẻ không quá lớn, nhưng trong cả bức tranh chi tiêu thì người dân cũng tiết kiệm được số tiền đáng kể, đặc biệt đối với các hộ có thu nhập thấp hay với những sản phẩm có giá trị cao như đồ điện tử.

Theo tính toán của Tổng cục thuế, việc giảm thuế giá trị gia tăng 2% trong 5 tháng đầu năm 2024 đã hỗ trợ cho doanh nghiệp và người dân khoảng trên 19.000 tỷ đồng. Với việc tiếp tục thực hiện chính sách giảm thuế 2% trong 6 tháng cuối năm, dự kiến doanh nghiệp và người dân sẽ giảm thêm được khoảng 24.000 tỷ đồng. Nhưng từ phía Nhà nước, việc giảm thuế đồng nghĩa giảm thu ngân sách.

Tuy nhiên, mục tiêu quan trọng của Chính phủ giai đoạn này là kích cầu tiêu dùng nội địa để giữ đà tăng trưởng, thúc đẩy phát triển kinh tế. Từ việc thiếu hụt nguồn thu này, ngân sách nhà nước vẫn có thể được bù đắp bằng sự tăng trưởng kinh tế và thu ngân sách từ các nguồn khác như thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân do tăng trưởng việc làm và thu nhập.

Với động lực tăng thêm từ giảm thuế VAT, ngành tiêu dùng sẽ sáng cửa hơn trong nửa cuối 2024.

Bà Bùi Nguyễn Cẩm Giang, Trưởng phòng Phân tích, Ngành hàng Tiêu dùng và Bán lẻ, Công ty Chứng khoán HSC kỳ vọng, tiêu dùng sẽ phục hồi mạnh hơn từ nửa cuối năm 2024.

Mặc dù kim ngạch xuất khẩu và chỉ số việc làm đã phục hồi trong những tháng đầu năm, nhưng mức tăng cao nhất thuộc về nhóm công nghệ với 9,3%, trong khi nhóm này chiếm chưa tới 6% lực lượng lao động. Còn các ngành sử dụng nhiều lao động như dệt may, da giày chiếm tới 21% lực lượng lao động thì kim ngạch xuất khẩu và số lượng việc làm chưa tăng lại đáng kể.

“Kim ngạch xuất khẩu cũng như số lượng việc làm các ngành thâm dụng nhiều lao động như dệt may, da giày sẽ có cơ hội tăng mạnh hơn trong nửa cuối năm nay do kỳ vọng vào các thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam như Mỹ sẽ nhập hàng nhiều hơn. Khi đó, thu nhập của người lao động sẽ được cải thiện, thúc đẩy mức tiêu dùng chung trong nửa cuối 2024 và năm 2025”, bà Giang cho biết.

Ngoài ra, một yếu tố quan trọng sẽ thúc đẩy ngành tiêu dùng những tháng cuối năm là lượng khách quốc tế đến Việt Nam tiếp tục tăng trưởng. Đến cuối tháng 6, khách quốc tế đạt 8,8 triệu lượt, tăng 58,4% so với cùng kỳ năm trước và tăng 4,1% so với cùng kỳ năm 2019.

Doanh nghiệp bán lẻ sáng cửa

Năm 2023, ngành hàng ICT - CE đã giảm mạnh với tác động chủ yếu từ sự thắt chặt chi tiêu của người tiêu dùng. Vì vậy, khi nền kinh tế ổn định trở lại, thu nhập người tiêu dùng cải thiện, thị trường ICT - CE sẽ phục hồi và bước vào chu kỳ tiêu dùng mới. Thông thường, giai đoạn nửa cuối năm cũng là thời điểm các thương hiệu lớn ra mắt sản phẩm mới, ví dụ như năm nay Apple trình làng Macbook M4, Iphone 16 Series,.. hay Samsung ra mắt Z Fold 6.

Trong nửa đầu năm nay, Công ty Chứng khoán MBS đánh giá các doanh nghiệp ICT – CE tiếp tục tăng trưởng chậm. Trong nửa cuối năm 2024, tiêu thụ các sản phẩm ICT - CE sẽ tốt hơn đáng kể so với cùng kỳ với động lực đến từ AI và các sản phẩm mới hiệu năng xử lý vượt trội. Chu kỳ thay thế điện thoại di động rơi vào 2,5 – 3 năm, trong khi laptop là 4 – 6 năm. Với con số kỷ lục từ cuối năm 2021, doanh thu mảng ICT – CE được kỳ vọng sẽ bắt đầu cải thiện từ nửa cuối năm 2024, phục hồi rõ rệt hơn trong năm 2025 khi nhu cầu tiêu dùng.

Các nhà bán lẻ ICT - CE là CTCP Thế giới Di động (mã MWG) sở hữu chuỗi cửa hàng bán lẻ Thế giới Di động, Điện Máy Xanh và CTCP Bán lẻ Kỹ thuật số (mã FRT) sẽ đẩy mạnh việc khắc phục hậu quả từ cuộc chiến về giá năm ngoái, đồng thời đưa ra chiến lược kinh doanh hiệu quả hơn trong nửa cuối năm.

Trong khi hai doanh nghiệp trong nhóm phân phối là CTCP Thế giới số - Digiworld (mã DGW) và Tổng CTCP Dịch vụ Tổng hợp Dầu khí – Petrosetco (mã PET) sẽ chớp thời cơ đẩy mạnh hoạt động phân phối, gia tăng các lợi ích từ nhà cung cấp nhờ sự phục hồi này.

Mảng FMCG luôn là nhu cầu thiết yếu của người tiêu dùng dù trong bất kỳ thời điểm nào. Kể cả trong giai đoạn khó khăn, chi tiêu cho ngành hàng tiêu dùng nhanh chỉ có thể giảm đi mà không thể cắt bỏ.

Theo số liệu nghiên cứu của Nielsen, doanh số ngành FMCG đã tăng 2,8% trong tháng 4-5/2024, so với mức giảm 2,9% trong quý I/2024 và giảm 4,1% trong quý 4/2023. Ngành FMCG được cho là đã qua giai đoạn khó khăn nhất, cùng với quyết định nâng lương cơ bản từ 01/07, mảng FMCG sẽ có thêm động lực tăng trưởng trong nửa cuối 2024.

MWG có lợi thế nhờ chuỗi siêu thị Bách Hoá Xanh. Ngay trong quý II, MWG kỳ vọng kỳ vọng kết quả kinh doanh có thể cải thiện tích cực hơn khi doanh thu bình quân của các cửa hàng Bách Hoá Xanh có xu hướng tiếp tục tăng. Tính đến cuối tháng 5/2024, chuỗi Bách Hoá Xanh có 1.698 cửa hàng đang hoạt động, doanh thu tháng bình quân cán mốc 2 tỷ đồng/cửa hàng trong tháng 5, động lực từ sản phẩm tươi sống và sản phẩm tiêu dùng nhanh FMCG.

Trong khi đó, CTCP Tập đoàn Masan (mã MSN) cũng định hướng chiến lược mới trong lĩnh vực tiêu dùng. Masan Consumer sẽ xây dựng mô hình FMCG mới và tập trung vào nhóm sản phẩm “out-of-home”. Ngoài ra, WinCommerce đang hướng tới mở mới 400 - 1.000 cửa hàng.

Ở mảng bán lẻ dược phẩm, MBS tin rằng ngành này vẫn còn tiềm năng tăng trưởng tốt trong trung – dài hạn khi đánh giá thị trường vẫn còn phân mảnh. Tỷ lệ của chuỗi nhà thuốc hiện đại trên tổng số nhà thuốc hiện nay vẫn dưới 10% (tổng nhà thuốc hiện đại khoảng trên 60.000, bao gồm nhà thuốc tư nhân và chuỗi nhà thuốc bán lẻ hiện đại).

Trong quý I/2024, với sự mở rộng cửa hàng mạnh mẽ của chuỗi nhà thuốc hiện đại và ít bị ảnh hưởng bởi nền kinh tế nói chung, ngành bán lẻ dược phẩm có được tốc độ tăng trưởng tốt, đạt xấp xỉ 13%. Trong đó, Long Châu (thuộc FRT) – chuỗi nhà thuốc lớn nhất hiện nay đã đạt 1.587 nhà thuốc, tăng 50% so với cùng kỳ và đạt lợi nhuận khoảng 120 tỷ đồng, trong khi đó An Khang (thuộc MWG) chưa ghi nhận lợi nhuận.

Theo đánh giá của MBS, Long Châu vẫn sẽ là động lực tăng trưởng chính cho FRT giai đoạn tới với kỳ vọng Long Châu có thể mở mới thêm 400 nhà thuốc, nâng tổng số lên 1.897 năm nay với doanh thu trung bình/cửa hàng đạt 1,2 tỷ đồng/tháng.

Xem thêm tại tinnhanhchungkhoan.vn