VN-Index giằng co quanh biên độ hẹp

Thị trường chứng khoán hôm nay vẫn tiếp tục xu hướng giằng co trong biên độ hẹp của những phiên cuối tuần trước. Chỉ số VN-Index tăng nhẹ đầu phiên sáng, nhưng sau đó giằng co giảm về sắc đỏ và đóng cửa tăng không đáng kể. Chỉ số VN-Index đóng cửa có thể gọi là đi ngang so với phiên kế trước.

Đóng cửa phiên giao dịch hôm nay, chỉ số VN-Index tăng nhẹ +0,52 điểm, đóng cửa tại 1.283,56 điểm. Độ rộng của thị trường khá cân bằng, song có nhỉnh nhẹ sang bên mua. Thống kê trên HOSE, thị trường hôm nay có 243 mã tăng, 48 mã tham chiếu, trong khi có 214 mã giảm. Về nhóm ngành, độ rộng của thị trường nghiêng về phía tích cực với 13/18 ngành tăng điểm, trong đó ngành dầu khí dẫn đầu đà tăng, ngoài ra ngành hóa chất, bán lẻ… cũng có phiên giao dịch tích cực.

Chứng khoán hôm nay (8/7): Thiếu nhóm dẫn dắt, VN-Index gần như đi ngang
Diễn biến chỉ số VN-Index phiên 8/7/2024.
Các cổ phiếu lớn đã hỗ trợ cho VN-Index phiên này có: GVR (+1,44), PLX (+0,85), MWG (+0,52), DCM (+0,36), FPT (+0,33)... Chiều ngược lại, nhóm cổ phiếu lớn đã gây áp lực cho thị trường gồm: VCB (-1,10), VIC (-0,93), SAB (-0,49), VHM (-0,48), BID (-0,42)…

Nhóm VN30 cũng diễn biến giằng co tương tự chỉ số chung, tuy nhiên đóng cửa không còn giữ được sắc xanh. Theo đó, chỉ số VN30-Index đóng cửa giảm nhẹ -0,35 điểm so với phiên trước, dừng lại ở 1.315,83 điểm. Rổ VN30 sắc đỏ chiếm ưu thế hơn với 17 mã giảm, 1 mã đứng giá và 12 mã tăng.

Trên sàn Hà Nội, hai chỉ số chính đóng cửa tăng nhẹ. Theo đó, chỉ số HNX-Index tăng +0,84 điểm, đóng cửa tại 243,15 điểm; trong khi đó, chỉ số UPCoM-Index tăng +0,31 điểm, đạt 98,58 điểm.

Tổng thanh khoản toàn thị trường chứng khoán hôm nay có cải thiện khá tốt so với phiên trước. Tính riêng trên sàn HOSE, tổng giá trị giao dịch đạt mức 19.854 tỷ đồng, trong đó, riêng giá trị khớp lệnh đạt 17.513 tỷ đồng, tăng +14,79% so với phiên trước.

Khối ngoại giao dịch tiêu cực khi bán ròng rất mạnh trong phiên hôm nay. Theo đó, khối ngoại bán ròng -2.317,51 tỷ đồng trên sàn HOSE, trong đó, lực bán tập trung vào một số mã gồm: HDB (-501,51 tỷ đồng), FPT (-263,13 tỷ đồng), STB (-246,72 tỷ đồng), SAB (-195,98 tỷ đồng), MWG (-184,68 tỷ đồng)… Khối ngoại mua ròng trên sàn HNX với giá trị +0,15 tỷ đồng.

Tiền vào nhóm đầu cơ, thiếu hỗ trợ từ nhóm dẫn dắt

Thị trường chứng khoán hôm nay ghi nhận thêm một phiên tăng và nối dài chuỗi phiên tăng từ tuần trước. Tuy nhiên, mức tăng của hôm nay không đáng kể nên VN-Index đã có thêm một phiên đi ngang. Thị trường về cơ bản vẫn cho thấy sự thận trọng vì chưa có nhóm nào đủ lực dẫn dắt cho đà tăng mạnh mẽ hơn.

Thanh khoản thị trường đã cải thiện đáng kể so với phiên trước. Tính riêng trên HOSE, thanh khoản khớp lệnh đạt hơn 17,5 tỷ đồng/phiên không phải là con số quá thấp, nhưng cũng chưa đủ sức để cho thấy dòng tiền đã nhập cuộc tốt hơn. Thị trường không tăng được chủ yếu là do dòng tiền không vào nhóm dẫn dắt. Hôm nay, nhiều mã cổ phiếu nhỏ, mang tính đầu cơ nhận được sự quan tâm của dòng tiền. Dòng tiền đầu cơ vào cũng là tín hiệu tốt, nhưng tiền không vào nhóm dẫn dắt, các mã trụ thì khó có thể bật tăng.

Chứng khoán hôm nay (8/7): Thiếu nhóm dẫn dắt, VN-Index gần như đi ngang
Dòng tiền không vào mạnh bluechips nên không giúp VN-Index bật tăng. Ảnh: Minh họa.

Độ rộng thị trường chung có nghiêng nhẹ về bên bán, nhưng trên rổ VN30 hôm nay các mã giảm nhiều hơn hẳn. Thực tế, chỉ số VN30 cũng đóng cửa trong sắc đỏ. Như vậy, tiền có vẻ như đảo chiều, bởi những phiên trước, tiền tìm nhóm bluechips giúp thị trường hồi phục tốt hơn, thì phiên này đã tìm nhóm đầu tư. Và một điều hiển nhiên, nếu tiền vào nhóm đầu cơ thì đà tăng thường không bền và chỉ tạo cơ hội cho dòng tiền “lướt sóng”.

Một điểm trừ khác của thị trường hôm nay chính là diễn biến khối ngoại. Hôm nay, khối ngoại lại lập “kỷ lục buồn” trong phiên khi bán ròng vượt con số 2.000 tỷ đồng/phiên. Đương nhiên, với mức bán ròng lớn như thế này, việc tác động tới tâm lý nhà đầu tư là khó tránh khỏi.

Nhìn chung, chỉ số VN-Index vẫn đang ở trạng thái giằng co và đang có vẻ chần chừ trước ngưỡng 1.285 điểm. Với diễn biến này, xu hướng tăng hay giảm ngắn hạn rất khó dự báo, vì thế quan trọng nhất vẫn là quản trị danh mục./.