Kịch bản cũ lặp lại, VN-Index thoát hiểm thành công trong phiên chiều 8/7

Cũng như những phiên giao dịch gần đây, thị trường tiếp tục rung lắc nhẹ trong phiên giao dịch sáng 8/7 khi chỉ số VN-Index đang trong vùng đỉnh cũ 1.280 – 1.290 điểm. Dù thanh khoản cải thiện và đạt mức cao nhất so với các phiên sáng trong tuần đầu tháng 7, nhưng sức ép có chút gia tăng khi thị trường đã trải qua 5 phiên liên tiếp khởi sắc, đã khiến VN-Index tạm khép lại phiên sáng với mức giảm nhẹ.

Bước sang phiên giao dịch chiều, tâm lý giao dịch vẫn thận trọng và diễn biến phân hóa của các nhóm cổ phiếu trụ cột khiến VN-Index tiếp diễn xu hướng biến động giằng co trong biên độ hẹp với mốc 1.280 điểm vẫn đóng vai trò hỗ trợ tích cực.

Thị trường vẫn giữ được kịch bản cũ khi VN-Index kết phiên bảo toàn được sắc xanh và xác nhận phiên tăng thứ 6 liên tiếp dù mức tăng khá hạn chế. Điểm tích cực hơn so với những phiên gần đây là thanh khoản thị trường có chút cải thiện với tổng giá trị giao dịch trên sàn HOSE tiệm cận mức 20.000 tỷ đồng.

Chốt phiên, sàn HOSE có 243 mã tăng 214 mã giảm, VN-Index tăng 0,52 điểm (+0,04%), lên 1.283,56 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 766,9 triệu đơn vị, giá trị gần 19.890 tỷ đồng, cùng tăng hơn 24% cả về khối lượng và giá trị so với phiên cuối tuần trước ngày 5/7. Giao dịch thỏa thuận đóng góp 102,85 triệu đơn vị, giá trị 2.337,9 tỷ đồng.

Nhóm VN30 không mấy động lực khi đóng cửa giảm nhẹ gần 0,5 điểm với 12 mã tăng và 17 mã giảm. Trong đó, cặp đôi PLX và GVR ấn tượng nhất khi kết phiên tăng tương ứng 5,8% và 4%, lần lượt đóng góp 0,85 điểm và hơn 1,44 điểm cho chỉ số chung.

Ngược lại, bộ 3 cổ phiếu gồm SAB, VIC và VRE giảm sâu nhất trong nhóm cổ phiếu này khi để mất trên dưới 2,5%. Tuy nhiên, VCB là nhân tố tác động mạnh nhất thị trường khi lấy đi gần 1,1 điểm của chỉ số chung, đóng cửa giảm 0,9% xuống mức giá thấp nhất trong ngày 87.200 đồng/CP.

Xét về nhóm ngành, với sự “dẫn dắt” của VCB, dòng bank lùi nhẹ so với phiên sáng. Trong đó, các cổ phiếu vẫn chỉ biến động nhẹ với mức tăng giảm trên dưới 1%, với VIB tăng tốt nhất chỉ gần 0,5%, còn giảm mạnh nhất là EIB đạt 1,31%.

Nhóm bất động sản nới rộng biên độ khi sắc đỏ lan rộng hơn như KDH, DIG, KBC, PDR, HDC… giảm 1-2%. Trong đó, cặp đôi DXG và DXS vẫn bị bán mạnh dù Công ty đã khẳng định những nội dung tố cáo về việc phát hành chào bán trái phiếu là hoàn toàn sai sự thật và đã có đơn gửi Phòng cảnh sát kinh tế và Phòng An ninh kinh tế Công an TP. HCM đề nghị xác minh, điều tra, xử lý.

Kết phiên, DXG giảm 4% xuống mức 14.400 đồng/CP với thanh khoản vẫn dẫn đầu thị trường, đạt 28,42 triệu đơn vị; còn DXS không thoát khỏi nằm sàn, kết phiên giảm 6,9% xuống mức 6.590 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh đạt 6,81 triệu đơn vị và dư bán sàn gần 2,6 triệu đơn vị.

Trong khi đó, nhóm cổ phiếu phân bón tiếp đà khởi sắc của phiên sáng, đã đua nhau tăng tốc. Bên cạnh LAS và BFC khoe sắc tím, phiên chiều có thêm DCM gia nhập “cánh đồng tím”. Cổ phiếu DCM đóng cửa tăng 6,9% lên mức 40.100 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh đột biến, đạt 17,25 triệu đơn vị, thuộc top 5 mã thanh khoản cao nhất thị trường và dư mua trần hơn 0,76 triệu đơn vị. Ngoài ra, DPM cũng nới rộng biên độ, đóng cửa tăng 3,7% lên mức 38.850 đồng/CP và khớp 7,8 triệu đơn vị.

Trên sàn HNX, mặc dù thị trường cũng có những nhịp rung lắc và đổi sắc, nhưng lực cầu có phần sôi động hơn cùng giao dịch khởi sắc của nhóm cổ phiếu bluechip, đã giúp HNX-Index khép lại ở mức cao nhất của phiên chiều.

Chốt phiên, sàn HNX có 88 mã tăng và 70 mã giảm, HNX-Index tăng 0,85 điểm (+0,35%), lên 243,15 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 60,76 triệu đơn vị, giá trị 1.357 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 2,27 triệu đơn vị, giá trị 73,5 tỷ đồng.

Cổ phiếu phân bón LAS vẫn giữ vững đà tăng trần và đóng cửa đứng tại mức giá 25.800 đồng/CP với thanh khoản đạt gần 3 triệu đơn vị, thuộc top 5 mã sôi động nhất thị trường.

Trong khi đó, nhóm chứng khoán giao dịch phân hóa, với SHS đóng cửa vẫn giảm 1,1% xuống mức 17.400 đồng/CP và thanh khoản cao nhất thị trường, đạt hơn 8,75 triệu đơn vị; còn MBS sau thông tin chốt quyền chia cổ tức bằng tiền mặt với tỷ lệ 12%, đã giao dịch khởi sắc và đóng cửa tăng 3,4% lên mức 33.900 đồng/CP với thanh khoản đạt 3,73 triệu đơn vị.

Ngoài LAS và MBS, nhiều mã khác trong nhóm HNX30 cũng có diễn biến tích cực như DTD tăng 5,1%, DVM tăng 3,3%, LHC và NTP cùng tăng 3,2%, TNG tăng 1,8%, IDC tăng 1,6%...

Trên UPCoM, thị trường cũng nới rộng biên độ tăng về cuối phiên.

Chốt phiên, UPCoM-Index tăng 0,31 điểm (+0,32%) lên 98,58 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 51,72 triệu đơn vị, giá trị gần 975 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 6,74 triệu đơn vị, giá trị 340,87 tỷ đồng, trong đó riêng ACV thỏa thuận 1,77 triệu cổ phiếu, trị giá hơn 208 tỷ đồng.

Cổ phiếu phân bón DDV tăng tốt hơn trong phiên chiều, đóng cửa tăng 9,9% lên mức 22.300 đồng/CP với thanh khoản sôi động trở lại, đạt 7,21 triệu đơn vị.

Bên cạnh đó, BSR cũng khởi sắc hơn khi đóng cửa tăng 2,7% lên mức 23.200 đồng/CP với khối lượng giao dịch sôi động nhất thị trường, đạt 9,56 triệu đơn vị.

Một số mã đáng chú ý khác như OIL, VGT, TVN tăng nhẹ với khối lượng giao dịch đạt một vài triệu đơn vị.

Trên thị trường phái sinh, cả 4 hợp đồng tương lai đều giảm, với VN30F2407 giảm 2,3 điểm, tương đương -0,2% xuống 1.314 điểm, khớp lệnh gần 180.790 đơn vị, khối lượng mở hơn 58.280 đơn vị.

Trên thị trường chứng quyền, CVHM2313 khớp lệnh cao nhất thị trường, đạt 4,25 triệu đơn vị, đóng cửa giảm 25% xuống 120 đồng/cq; tiếp theo là CMSN2313 khớp 4,05 triệu đơn vị và đóng cửa giảm 20,3% xuống 630 đồng/cq.

Xem thêm tại tinnhanhchungkhoan.vn