Nghịch lý được miễn thuế VAT nhưng doanh nghiệp mất hàng trăm tỷ đồng mỗi năm

Theo quy định, mặt hàng phân bón thuộc đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng (VAT). Do vậy, vật tư nguyên liệu đầu vào, chi phí đầu tư mua sắm trang thiết bị, chuyển đổi công nghệ… chiếm 40 - 60% giá thành sản phẩm không được áp dụng chế độ khấu trừ thuế VAT, nên tất cả các khoản thuế đầu vào mà doanh nghiệp đã trả phải cộng vào giá bán, cộng vào chi phí cố định, làm tăng giá sản phẩm.

Trong khi các sản phẩm từ nước ngoài chịu thuế VAT nên được khấu trừ và giá nhập vào thấp hơn so với giá sản xuất trong nước.

Tại tọa đàm “Sửa thuế để thúc đẩy hoạt động doanh nghiệp” ngày 14/6, các chuyên gia cho biết mỗi năm ngành nông nghiệp tiêu thụ 11-12 triệu tấn phân bón, trong đó các sản phẩm sản xuất trong nước khoảng 8 triệu tấn, còn lại nhập khẩu.

Tuy nhiên, do không chịu thuế, chi phí sản xuất phân bón nội địa cao hơn dẫn đến giá thành phân bón sản xuất trong nước tăng, doanh nghiệp nội địa và người nông dân "thiệt đơn, thiệt kép".

-9436-1718352720.jpg

Do không chịu thuế, chi phí sản xuất phân bón nội địa cao hơn dẫn đến giá thành phân bón sản xuất trong nước tăng.

Theo tính toán của Công ty CP Phân bón Dầu khí Cà Mau, trong 9 năm vừa qua, số thuế đầu vào không được khấu trừ dồn tích lại cộng vào giá thành lên tới 2.446 tỷ đồng. Tổng công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí (Phân bón Phú Mỹ), Phân bón Ninh Bình, Hóa chất Hải Phòng… đều như vậy.

Các doanh nghiệp phân bón không được kê khai, khấu trừ thuế VAT đầu vào là hàng hóa, dịch vụ, thiết bị máy móc, đầu tư cho sản xuất phân bón. Theo đó, tất cả các thành tố của sản xuất phân bón như vậy được tính vào giá thành sản phẩm, khiến giá phân bón bị đẩy lên. Trong khi đó, vật tư nông nghiệp thiết yếu đầu vào như phân bón, thuốc bảo vệ thực vật chiếm khoảng 40 - 60% giá thành nông sản và người nông dân là đối tượng bị tác động bất lợi đầu tiên.

Ông Nguyễn Hoàng Trung, Phó tổng giám đốc CTCP DAP –Vinachem chia sẻ, là một trong hai đơn vị sản xuất DAP tại Việt Nam, toàn bộ chi phí đầu vào phải tính vào giá thành sản xuất, hàng năm tính vào khoảng 7 - 8% chi phí sản xuất tăng thêm, ước tính mỗi năm mất khoảng 100 tỷ đồng, 10 năm nay, con số luỹ kế lên tới con số hàng nghìn tỷ đồng.

Ông Trung cho hay, sản xuất phân bón trong nước thời gian qua không làm chủ được thị trường, không chi phối được thị trường, phải theo "luật chơi" của phân bón nhập khẩu. "Phân bón nhập khẩu hình thành mặt bằng chung cho giá trên thị trường, chúng tôi bắt buộc phải chấp nhận theo. Giá thành tăng lên nhưng giá bán không thể điều chỉnh theo. Đó là khó khăn lớn nhất cho Công ty, cũng là nguyên nhân khiến sản xuất – kinh doanh sụt giảm", đại diện Vinachem cho biết.

Theo các doanh nghiệp sản xuất phân bón, việc áp dụng thuế VAT 5% sẽ mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho ngành phân bón. Doanh nghiệp sẽ được hưởng lợi từ việc khấu trừ chênh lệch VAT đầu vào, từ đó giảm chi phí sản xuất phân bón từ 2-3%. Việc giảm giá thành sản xuất sẽ là cơ sở để doanh nghiệp giảm giá bán, tăng cường sức cạnh tranh với phân bón nhập khẩu.

Ông Nguyễn Văn Phụng, nguyên Vụ trưởng Vụ quản lý thuế doanh nghiệp lớn, Tổng cục Thuế nêu rõ những lợi ích của việc đưa phân bón vào diện chịu thuế VAT 5%.

Thứ nhất, tăng thu ngân sách đối với thuế nhập khẩu trong khi vẫn giữ mặt bằng giá bán trong nước. Đối với nông dân có cơ hội yêu cầu doanh nghiệp bán giá mới thấp hơn, yêu cầu doanh nghiệp phân bón thực hiện nguyên tắc đúng theo luật, được khấu trừ đầu vào cần hạ mặt bằng giá bán.

Thứ hai, hướng đến kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, tiến tới kinh tế nông nghiệp nông thôn. Hiện có rất nhiều doanh nghiệp lớn đầu tư về nông thôn, việc áp thuế VAT giúp doanh nghiệp phân bón được khấu trừ kê khai thuế VAT đầu vào.

Dự thảo luật sửa đổi điều này có nhiều điểm quan trọng, vẫn giữ nguyên 26 hàng hóa không chịu thuế nhưng 12 hàng hóa dịch vụ được đưa ra diện chịu thuế, tính chất liên hoàn tốt hơn. Quy định khấu trừ thuế đầu vào hiện cũng đã chặt chẽ hơn, tránh gian lận, kiểm soát bằng hóa đơn điện tử, đảm bảo minh bạch trong kê khai VAT đầu vào.

Thứ ba, có những doanh nghiệp chuyên sản xuất mặt hàng chịu thuế 5% nhưng chịu thuế đầu vào 10%, trước đó phân bón thuốc trừ sâu, ngành dược, thiết bị… có thuế đầu ra thấp hơn đầu vào, Nhà nước hoàn lại cho doanh nghiệp, tránh doanh nghiệp bị mất vốn.

Ông Nguyễn Hoàng Trung, Phó tổng giám đốc CTCP DAP –Vinachem cũng đánh giá, nếu quy định thuế VAT với phân bón được sửa đổi theo hướng sẽ áp thuế 5% sẽ có nhiều lợi ích. Như giảm được chi phí thuế đầu vào, dẫn tới giảm giá thành, tăng sức cạnh tranh trên thị trường.

Các doanh nghiệp sẽ có nguồn lực, động lực để gia tăng đầu tư, tái đầu tư, nâng cấp, sửa chữa máy móc thiết bị, mở rộng quy mô sản xuất. Đây là tiền đề rất quan trọng đối với ngành sản xuất phân bón trong nước.

"Nếu chúng tôi tăng quy mô sản xuất thì giá thành chắc chắn giảm, vì trong sản xuất phân bón, giá thành tác động rất nhiều bởi quy mô sản xuất. Khi quy mô sản xuất lớn thì giá thành sẽ giảm. Bà con nông dân sẽ được hưởng lợi từ việc này. Nhưng trong thời gian qua, chúng ta đã không làm được như vậy", ông Trung cho biết thêm.

Nhìn chung, các doanh nghiệp kỳ vọng, việc áp dụng thuế VAT 5% sẽ tạo bước chuyển mình mạnh mẽ cho ngành phân bón, mang lại lợi ích cho cả doanh nghiệp, người nông dân và nền kinh tế.

Thanh Hoa

Xem thêm tại vnbusiness.vn