Nhà bảo hiểm nỗ lực “làm mới”

Bảo hiểm nhân thọ: Bức tranh bớt xám màu

Số liệu từ Tổng cục Thống kê vừa được công bố cho thấy, tổng doanh thu phí bảo hiểm toàn thị trường quý II/2024 giảm 6,6% so với cùng kỳ năm trước, ước đạt 55.600 tỷ đồng. Tính chung 6 tháng đầu năm, tổng doanh thu phí bảo hiểm ước đạt 109.100 tỷ đồng, giảm 3,8%.

Trong đó, doanh thu phí của khối phi nhân thọ ước đạt 38.800 tỷ đồng, tăng 11,2% so với cùng kỳ năm trước, còn khối nhân thọ ước đạt 70.300 tỷ đồng, giảm 10,5%.

Tại đại hội đồng cổ đông cuối tháng 6/2024, bà Trần Thị Diệu Hằng - Thành viên Hội đồng quản trị Tập đoàn Bảo Việt trích dẫn số liệu từ Bộ Tài chính cho biết, số lượng hợp đồng bảo hiểm nhân thọ khai thác mới toàn thị trường tiếp tục giảm mạnh: Năm 2023 giảm 40% so với năm trước, đặc biệt là những công ty nước ngoài với hợp đồng bảo hiểm liên kết đơn vị, liên kết chung chiếm 90% doanh thu phí.

Thực tế, doanh thu phí của khối nhân thọ bắt đầu sụt giảm từ năm 2023 (giảm 12%) do ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng niềm tin lớn nhất từ trước tới nay. Trước đó, liên tiếp 10 năm, doanh nghiệp khối này ghi nhận tốc độ tăng trưởng doanh thu phí ở mức 2 con số.

Cũng theo số liệu từ Bộ Tài chính, trong 5 tháng đầu năm 2024, có 13/19 doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ ghi nhận doanh thu phí tăng trưởng âm. Ở tốp 5, ngoại trừ Bảo Việt Nhân thọ có mức tăng trưởng đạt 8,4% so với cùng kỳ năm trước, doanh thu phí của 4 doanh nghiệp còn lại đều giảm mạnh: AIA giảm 43%, Prudential giảm 40%, Manulife giảm gần 39%, Dai-ichi giảm 12%.

Kết quả trên không gây nhiều bất ngờ, bởi dù thị trường bảo đã ổn định hơn trong những tháng đầu năm 2024, nhưng vẫn chưa vơi dư âm khủng hoảng truyền thông cộng với khó khăn chung của nền kinh tế. Ngoài ra, Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022 có hiệu lực từ đầu 2023 đã siết chặt quy trình, điều kiện kinh doanh bảo hiểm, đặc biệt với lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ.

“Do chịu tác động của khủng hoảng truyền thông và sự siết chặt trong quản lý giám sát, 5 tháng đầu năm 2024, kênh bán qua ngân hàng (bancassurance) đã giảm 40% doanh thu và chưa có nhiều dấu hiệu phục hồi so với trước khủng hoảng. Hiện doanh thu của mảng nhân thọ vẫn chủ yếu đến từ kênh đại lý truyền thống”, lãnh đạo Tập đoàn Bảo Việt cho hay.

Trong bối cảnh khó khăn đó, lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ vẫn ghi nhận những điểm sáng nhất định, giúp bức tranh bớt xám màu. Theo Tổng cục Thống kê, trong 6 tháng đầu năm 2024, tuy doanh thu giảm nhưng chi trả quyền lợi bảo hiểm ước đạt 41.300 tỷ đồng, tăng 6,8% so với cùng kỳ năm trước; đáng chú ý, trong quý I/2024, tổng chi trả quyền lợi dành cho khách hàng tăng mạnh 35%, đạt 15.483 tỷ đồng. Tổng số tiền đầu tư trở lại nền kinh tế ước đạt 795.500 tỷ đồng, tăng 9,3%. Tính đến cuối quý II/2024, tổng dự phòng nghiệp vụ bảo hiểm tăng 13,1%.

Ông Lê Hoàng Hải, Tổng giám đốc Công ty cổ phần TC Advisors (TCA) - đơn vị hoạt động theo mô hình đại lý bảo hiểm tổ chức nhìn nhận rằng, việc doanh thu ngành bảo hiểm giảm, số hợp đồng bảo hiểm cũng giảm, nhưng tỷ lệ chi trả bảo hiểm tăng mạnh là một tín hiệu vui, phần nào cho thấy các công ty bảo hiểm đã ngăn chặn khá tốt các hợp đồng bảo hiểm “ảo” (trước kia có thể lên tới 80% doanh số toàn ngành), các khách hàng thực vẫn tham gia bảo hiểm và nhận quyền lợi. Đặc biệt, sau các biến cố về sức khỏe (dịch bệnh Covid-19) hay suy thoái kinh tế, ý thức người dân về bảo hiểm nói chung, bảo hiểm nhân thọ nói riêng đã tăng lên rõ rệt.

Nỗ lực “làm mới”

Dù khó khăn còn bủa vây, nhưng các doanh nghiệp bảo hiểm vẫn đang nỗ lực “làm mới” để tốt hơn mỗi ngày thông qua việc cải tiến sản phẩm, dịch vụ sao cho dễ hiểu, dễ tiếp cận hơn với người dân; giải quyết quyền lợi bảo hiểm nhanh chóng, thuận tiện hơn cho khách hàng; nâng cao chất lượng đội ngũ tư vấn cũng như kiểm soát chất lượng tư vấn; tăng cường ứng dụng công nghệ để nâng cao trải nghiệm khách hàng…

Chẳng hạn, trên thị trường nhân thọ, nổi bật có thể kể đến quy trình xác thực thông tin và giám sát phát hành hợp đồng bảo hiểm M-Pro của Manulife; quy trình kiểm tra độc lập trước khi phát hành hợp đồng bảo hiểm và quy trình khảo sát tNPS tại mỗi giao dịch khách hàng của Prudential; tính năng chú thích thuật ngữ bảo hiểm tức thời của FWD; công cụ định danh và xác thực khách hàng điện tử của Generali; dịch vụ Voicebot 24/7 và Chatbot 24/7 để hỗ trợ khách hàng của Daii-chi Life…

Chia sẻ về quy trình M-Pro, bà Tina Nguyễn - Tổng giám đốc Manulife Việt Nam cho biết: “Sau những sự việc diễn ra với ngành bảo hiểm trong năm qua, việc đổi mới để đảm bảo tính minh bạch, chuyên nghiệp nhằm củng cố niềm tin của khách hàng về bảo hiểm là ưu tiên hàng đầu và là yếu tố sống còn của các doanh nghiệp trong ngành. Sau thành công với M-Pro, chúng tôi sẽ tiếp tục thực hiện các sáng kiến đổi mới khác trong thời gian tới nhằm bảo vệ quyền lợi và nâng cao trải nghiệm của khách hàng”.

Hay trên thị trường phi nhân thọ, nhằm khắc phục những nhược điểm của mô hình bảo hiểm truyền thống, Bảo hiểm Tasco và Công ty cổ phần Dịch vụ tổng hợp Sài Gòn (Savico) vừa tiên phong ra mắt mô hình bảo hiểm “1 điểm chạm” - “bảo hiểm nhanh, bồi thường gọn” dành cho bảo hiểm xe ô tô. Trong mô hình truyền thống, khách hàng phải làm việc với nhiều đầu mối và thủ tục phức tạp trong quá trình tham gia, từ giám định, bồi thường bảo hiểm cho đến các bước sửa chữa xe tại các xưởng dịch vụ.

Theo ông Trần Văn Hiếu - Chủ tịch Hội đồng thành viên Bảo hiểm Tasco, mô hình này giúp khách hàng tiết kiệm chi phí cũng như thời gian hoàn thành hồ sơ, thủ tục trong hành trình trải nghiệm dịch vụ, từ cấp đơn đến giải quyết bồi thường bảo hiểm. Khách hàng chỉ cần giao dịch tại “một điểm chạm” duy nhất là showroom auto chính hãng của Savico khi phát sinh bất cứ nhu cầu nào liên quan đến bảo hiểm xe.

Với Tập đoàn Bảo Việt, dự báo tình hình kinh tế sẽ tiếp tục tăng trưởng ổn định trong nửa cuối năm, lãnh đạo tập đoàn này cho rằng, thị trường bảo hiểm cũng sẽ có nhiều chuyển biến tích cực hơn, tạo ra “cú huých” về chất lượng sản phẩm và khôi phục lại niềm tin thị trường.

Về hoạt động của doanh nghiệp, vị này thông tin, Tập đoàn đang bước đầu thực hiện cổ phần hóa 2 công ty con là Bảo hiểm Bảo Việt (hoạt động trong lĩnh vực phi nhân thọ) và Bảo Việt Nhân thọ (hoạt động trong lĩnh vực nhân thọ). Hiện tại, Tập đoàn đang phối hợp với một công ty con khác là Công ty Chứng khoán Bảo Việt xây dựng phương án chuyển đổi 2 công ty con trên thành công ty cổ phần và phương án phát hành để báo cáo các cấp có thẩm quyền.

Ngoài ra, trong năm nay, Tập đoàn sẽ tăng vốn cho Bảo Việt Nhân thọ thêm gần 2.000 tỷ đồng từ nguồn vốn phát hành riêng lẻ năm 2019 để đảm bảo cán cân thanh toán, song số vốn tăng thêm này chỉ đủ trong giai đoạn 2024-2025. Còn về dài hạn, Bảo Việt Nhân Thọ có nhu cầu vốn nhiều hơn nữa nên phải cổ phần hóa.

“Bên cạnh đó, cũng cần phát triển thêm kênh bán chéo nhằm tiết kiệm chi phí, nâng cao hiệu quả kinh doanh của Tập đoàn thông qua các thành viên trong hệ thống như Bảo Việt Nhân thọ, Bảo hiểm Bảo Việt, BaoViet Bank, Chứng khoán Bảo Việt, các quỹ đầu tư…”, vị này thông tin thêm.

Xem thêm tại tinnhanhchungkhoan.vn