Nhà đầu tư đổ xô mua vàng, một quỹ ETF bị 'rút phích' vì tăng quá nóng
Những ngày gần đây, vàng đã liên tiếp lập đỉnh cả về mức giá lẫn khối lượng giao dịch. Không ít chuyên gia dự báo giá vàng sẽ tiếp tục tăng cao trong năm tới, và kéo theo đó là cuộc suy thoái kinh tế với kịch bản tương tự như những năm 1970. Nếu điều đó xảy ra, giá vàng thế giới có thể chạm mức 3.000 – 3.500 USD/ounce cho đến đầu năm 2025.
Kéo theo đó là nhu cầu về các quỹ ETF vàng cũng tăng rất mạnh với dòng vốn ròng trị giá gần 600 triệu USD đổ vào các quỹ này trên toàn cầu trong tuần qua.
Trong cơn sốt vàng đang bao trùm thế giới, Trung Quốc không phải là ngoại lệ. Nhu cầu giao dịch vàng ở Trung Quốc đại lục tăng cao đến mức báo động khi các nhà đầu tư tìm cách đa dạng hóa danh mục bằng cách đổ xô vào các thị trường tài sản an toàn và sản phẩm quỹ ETF nước ngoài.
Để lý giải cho cơn sốt đầu tư này, có thể thấy khủng hoảng kinh tế đã đẩy các nhà đầu tư đang "đói" lợi nhuận vào loại tài sản đang tăng trưởng mạnh nhất trên thị trường. Thị trường bất động sản Trung Quốc vẫn ở trong cuộc khủng hoảng ngày càng sâu sắc, trong khi cổ phiếu biến động và lãi suất tiền gửi giảm mạnh đang hạn chế các lựa chọn của nhà đầu tư.
Một quỹ giao dịch trao đổi (ETF) ở Trung Quốc sở hữu các công ty vàng đã trở thành mục tiêu của các nhà đầu cơ và bị nhấn chìm bởi những đợt giao dịch điên cuồng. Cơn sốt lớn đến nỗi quỹ ETF China AMC CSI SH-SZ-HK Gold Industry đã bị tạm dừng giao dịch trong phiên sáng qua (8/4) nhằm bảo vệ lợi ích của các nhà đầu tư.
China Asset Management Co. cho biết đây là lần đình chỉ giao dịch thứ hai đối với sản phẩm này kể từ thứ Ba tuần trước. Quyết định được đưa ra sau khi premium của quỹ này (tính bằng chênh lệch giữa thị giá và giá trị tài sản ròng của quỹ) đã tăng lên ngưỡng hơn 30% tính đến ngày 3/4, mức cao nhất trong lịch sử. Giá của ETF đã tăng hơn 40% trong bốn phiên vừa qua trước khi giảm 10% sau khi giao dịch tiếp tục trở lại vào thứ Hai.
Không chỉ các quỹ ETF, cổ phiếu của các công ty khai thác vàng Trung Quốc cũng đạt mức tăng đáng kể trong quý đầu năm nay. Giá cổ phiếu của hai công ty Zijin Mining Group Co. và Shandong Gold Mining Co. đều tăng hơn 50% so với mức thấp tương ứng hồi đầu năm. Tuy nhiên, hai cổ phiếu này đã tiến vào vùng quá mua dựa trên các chỉ báo kỹ thuật, dấy lên lo ngại về những nguy cơ điều chỉnh.
Ảnh minh họa |
Giải mã cơn sốt vàng ở Trung Quốc
Là một trong những tài sản được nắm giữ nhiều nhất bởi các nhà đầu tư cá nhân tại Trung Quốc, thị trường vàng tại đất nước này đã lập nhiều kỷ lục trong những tuần gần đây do kỳ vọng về việc Mỹ cắt giảm lãi suất và trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị gia tăng. Căng thẳng leo thang ở Trung Đông và Nga đã đẩy thị trường dầu tăng đến hơn 100 USD/ thùng và khả năng lạm phát có thể chạm đỉnh lần thứ 2 trong năm nay. Điều này sẽ dẫn đến đà tăng giá của vàng trên thị trường thế giới.
Ngân hàng Trung ương Trung Quốc cũng có những động thái can thiệp và phòng vệ khi bổ sung vàng dự trữ liên tục trong 17 tháng qua, tính đến 3/2024.
Tuy vậy, cơn sốt vàng trên thị trường ETF không phải là hiện tượng quá mới mẻ đối với nền kinh tế Trung Quốc. Đầu năm nay, các nhà đầu tư bán lẻ Trung Quốc đổ xô mua các cổ phiếu nước ngoài của thông qua một số sản phẩm quỹ ở đại lục như một cách phòng vệ trước sự sụt giảm của thị trường cổ phiếu trong nước. Hay trong một lần khác, các nhà đầu tư đã đẩy chi phí bảo hiểm của một ETF với tài sản đảm bảo là cổ phiếu Nhật Bản lên đến hơn 10%. Đáng lưu ý, sản phẩm quỹ ETF này cũng được bán bởi China Asset Management và cơn sốt giá đột ngột đã kích hoạt cảnh báo điều chỉnh của quỹ đầu tư lớn nhất Trung Quốc này.
Trước những biến động thị trường đột ngột và hành vi đầu cơ quá mức, các định chế tài chính lớn tại Trung Quốc phải sử dụng các biện pháp can thiệp để bảo vệ lợi ích của các nhà đầu tư. Những biện pháp này nhằm đảm bảo giao dịch có trật tự, giảm thiểu rủi ro liên quan đến biến động giá đột ngột và các cú sốc khác trong giai đoạn nhạy cảm của nền kinh tế Trung Quốc.
Xem thêm tại nguoiquansat.vn