Nhà đầu tư nước ngoài rời bỏ cổ phiếu Tập đoàn Hòa Phát (HPG)
Kết thúc phiên ngày 26/8, cổ phiếu HPG của CTCP Tập đoàn Hòa Phát giảm 0,19% xuống còn 26.000 đồng/cp. Khối lượng khớp lệnh đạt 26,1 triệu đơn vị, ngang với trung bình 20 phiên, giá trị giao dịch tương ứng 565 tỷ đồng.
Đáng chú ý, khối ngoại đã bán ròng phiên thứ 14 liên tiếp với khối lượng 5,7 triệu đơn vị (chiếm 1/4 tổng thanh khoản), trị giá 149 tỷ đồng. Trong tháng 8, nhóm này bán ra 67,4 triệu cổ phiếu HPG (khoảng 1% cổ phần) với giá trị 1.736 tỷ đồng.
Ba tháng gần nhất (6, 7, 8/2024), khối ngoại đã bán ròng 117,3 triệu cổ phiếu HPG, giá trị tương ứng 3.168 tỷ đồng. Đây cũng là khoảng thời gian thị giá HPG sụt giảm từ vùng 30.000 đồng/cp xuống còn 26.000 đồng/cp (-13%), khiến vốn hóa công ty "bốc hơi" gần 25.600 tỷ đồng.
Dữ liệu giao dịch cổ phiếu HPG của khối ngoại tính đến ngày 26/8/2024 |
Hòa Phát đang phải chịu sức ép từ nhiều phía
Sự điều chỉnh của cổ phiếu và cổ đông ngoại rời bỏ diễn ra trong khoảng thời gian Hòa Phát phải đối mặt với nhiều cuộc điều tra chống bán phá giá thép cuộn cán nóng (HRC) từ các thị trường xuất khẩu lớn như EU, Ấn Độ, và rủi ro cao từ Úc (chưa công bố).
Tại thị trường trong nước, Hòa Phát dần mất thị phần HRC vào tay Trung Quốc và Ấn Độ do giá bán rẻ hơn. Gần đây, Bộ Công Thương đã chấp thuận khởi xướng điều tra chống bán phá giá thép nhập khẩu từ Trung Quốc, Ấn Độ theo yêu cầu của Tập đoàn, và vụ việc vẫn đang chờ kết quả. BSC Research dự báo, nếu thuế chống bán phá giá được thông qua, Hòa Phát và Formosa Hà Tĩnh có thể tăng sản lượng HRC nội địa thêm 1,5 - 3 triệu tấn/năm, tăng 20 - 30% so với cùng kỳ trong giai đoạn 2025 - 2026.
Đây là thời điểm quan trọng trong "cuộc chiến" giành thị phần bởi Khu liên hợp Hòa Phát Dung Quất 2 có tổng vốn đầu tư 85.000 tỷ đồng, công suất 5,6 triệu tấn HRC dự kiến đi vào hoạt động trong quý I/2025.
Giá HRC chia 3 từ đỉnh (Nguồn: TradingEconomics) |
Không chỉ gặp khó ở khâu tiêu thụ, giá HRC hiện tại còn 672 USD/tấn, giảm 39% kể từ đầu năm và giảm 2/3 so với đỉnh vào tháng 9/2021.
Năm nay, Tập đoàn đặt mục tiêu doanh thu 140.000 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 10.000 tỷ đồng. Sau 6 tháng, Hòa Phát đã lần lượt hoàn thành 50% và 62% kế hoạch đề ra. Ban lãnh đạo ước tính, sau khi dự án Hòa Phát Dung Quất 2 hoàn thành, doanh thu có thể lên đến 200.000 tỷ đồng, và tỷ trọng doanh thu của mảng thép sẽ chiếm 95% tổng doanh thu của Tập đoàn, tăng từ mức 85 - 90% trong những năm qua.
Xem thêm tại nguoiquansat.vn