Cơ hội nâng tầm
Tại kỳ họp vừa qua, Quốc hội chính thức thông qua chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, tổng chiều dài khoảng 1.541 km, điểm đầu tại ga Ngọc Hồi (Hà Nội) và điểm cuối tại ga Thủ Thiêm (TP.HCM). Theo kế hoạch, tổng nhu cầu sử dụng đất của dự án khoảng 10.827 ha, tổng mức đầu tư lên tới hơn 1,713 triệu tỷ đồng (tương đương hơn 67 tỷ USD) và hoàn toàn bằng vốn đầu tư công.
Khi hoàn thành, dự án sẽ có những đóng góp to lớn trong phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Còn với các doanh nghiệp trong ngành xây dựng, đây là cơ hội lớn để tìm kiếm việc làm và cao hơn là được nâng tầm khi tham gia vào một dự án trọng điểm quốc gia.
Theo ông Nguyễn Quốc Hiệp - Chủ tịch Hiệp hội Các nhà thầu xây dựng Việt Nam (VACC), việc tham gia vào một “siêu” dự án như đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam vừa là cơ hội, vừa là thách thức rất lớn đối với các nhà thầu xây dựng tại Việt Nam.
Ông Hiệp cho rằng, dự án lần này có nhiều quy chuẩn, tiêu chuẩn, quy trình… mà các nhà thầu có thể chưa bao giờ tiếp cận. Do đó, các nhà thầu cần bám sát các thông tin chỉ đạo để nắm bắt được định hướng, yêu cầu, tiêu chí…, từ đó có sự chuẩn bị tốt nếu được tham gia.
Ông Phạm Minh Hà - Thứ trưởng Bộ Xây dựng cũng cho biết, dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam có quy mô lớn hơn rất nhiều so với những dự án từng triển khai trước đây nên đặc biệt được quan tâm, liên tục có chỉ đạo sát sao, trực tiếp từ Chính phủ.
“Về vai trò của nhà thầu với dự án, Thủ tướng Chính phủ cũng nói rõ rằng, chỉ nhà thầu Việt Nam mới chỉ đạo gấp rút được tiến độ. Do đó, doanh nghiệp trong nước làm được càng nhiều thì càng tốt để phát huy ưu thế, làm chủ trên sân nhà, từ đó tối ưu được nguồn nhân lực và tiết kiệm chi phí”, ông Hà cho hay.
Cần làm rõ các tiêu chí
Ghi nhận từ các thành viên VACC, vấn đề nhiều nhà thầu trong nước quan tâm ở thời điểm hiện tại là các tiêu chí, tiêu chuẩn, quy định… khi tham gia dự án.
Nêu băn khoăn về những khó khăn của nhà thầu khi tham gia dự án giao thông nói chung, dự án trọng điểm như đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam nói riêng, ông Phạm Văn Khôi - Chủ tịch Hội đồng Quản trị, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư và Xây dựng giao thông Phương Thành cho rằng, cần làm rõ thêm các quy định liên quan đến vấn đề nhân sự.
Ví dụ, doanh nghiệp có thể bố trí tỷ lệ chuyên gia nước ngoài tham gia dự án ra sao? Cùng với việc thuê chuyên gia nước ngoài, nhân sự trong nước cũng cần được đào tạo thêm để đáp ứng yêu cầu bởi dự án này đòi hỏi rất cao về tay nghề, kỹ thuật. Ngoài ra, cần có cơ chế, chính sách phù hợp để tạo thuận lợi cho công tác giải phóng mặt bằng, bởi đây là điểm nghẽn chính khiến nhiều dự án chậm tiến độ hiện nay.
“Với ngành xây dựng, con người là yếu tố rất quan trọng, nhưng lâu nay, nhiều trường nghề gần như phải đóng cửa vì không tuyển được học viên. Bản thân doanh nghiệp chúng tôi phải tuyển nhân lực từ các địa phương vùng sâu, vùng xa và tự đào tạo là chính nên chất lượng chỉ gọi là tạm ổn. Với cán bộ cấp quản lý, việc tuyển dụng còn khó khăn hơn do đặc thù rủi ro nghề nghiệp”, ông Khôi chia sẻ thêm.
Với các doanh nghiệp trong ngành xây dựng, dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam là cơ hội lớn để tìm kiếm việc làm và cao hơn là được nâng tầm khi tham gia vào một dự án trọng điểm quốc gia.
Còn theo Thiếu tướng Nguyễn Hữu Ngọc - Tư lệnh Binh đoàn 12, Chủ tịch Hội đồng thành viên kiêm Tổng giám đốc Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn, Bộ Quốc phòng, dự án đặc biệt lớn và quan trọng như đường sắt cao tốc Bắc - Nam mang đến cả cơ hội lẫn thách thức, muốn tham gia xây dựng phải có nhân lực, có công nghệ…
Ngoài ra, cũng phải thẳng thắn nhìn nhận rằng, lực lượng nhà thầu trong nước tuy đông đảo nhưng nội lực còn yếu, chưa nhiều doanh nghiệp lớn, sức đoàn kết chưa cao. Vấn nạn cạnh tranh không lành mạnh còn phổ biến khiến năng lực các nhà thầu giảm đi nhiều. Do đó, kể cả với câu chuyện hoạt động chung của các doanh nghiệp và với dự án lần này, cần có những quy định rõ ràng, đảm bảo cạnh tranh lành mạnh, minh bạch thông qua các bộ tiêu chí.
Ông Ngọc đề xuất giao Bộ Xây dựng hoặc Bộ Giao thông - Vận tải đánh giá năng lực nhà thầu theo chiều dọc, gắn với các tiêu chí chính về tài chính, con người, thiết bị… để đảm bảo khi tham gia dự án sẽ có năng lực tốt nhất.
Đề xuất giải pháp
Với dự án này, Quốc hội quyết định từ năm 2025 sẽ lập báo cáo nghiên cứu khả thi dự án, phấn đấu cơ bản hoàn thành và đưa vào khai thác vào năm 2035. Dự án sẽ trải qua 3 giai đoạn đầu tư: Giai đoạn 2021-2025 cần 538 tỷ đồng phục vụ công tác chuẩn bị đầu tư; giai đoạn 2026-2030 cần 841.707 tỷ đồng và giai đoạn 2031-2035 cần 871.302 tỷ đồng.
Với các nhà thầu xây dựng, do còn phụ thuộc vào cơ chế đấu thầu và phân kỳ dự án nên hiện chưa rõ mức độ tham gia. Tuy nhiên, theo ông Đào Ngọc Vinh - Tổng giám đốc Tổng công ty Tư vấn thiết kế giao thông vận tải - Công ty cổ phần (TEDI), các nhà thầu tư vấn, xây lắp trong nước có thể tham gia ở các cấu phần hạ tầng như cầu, đường, nhà ga…
Ghi nhận phản ánh từ nhiều bên, điểm chung là các doanh nghiệp đều mong muốn được góp công, góp sức vào dự án trọng điểm này.
Đề xuất giải pháp tăng cường nguồn lực cho nhà thầu Việt Nam, ông Phạm Việt Khoa - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Fecon cho rằng, cần nghiên cứu cơ chế ưu đãi lãi suất tín dụng cho các doanh nghiệp tham gia các dự án trọng điểm quốc gia. Riêng với dự án lớn như đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, việc chỉ định nhà thầu xây lắp là cần thiết để đảm bảo các yếu tố như năng lực thực hiện, tiềm lực tài chính và cam kết về bảo hành công trình.
Lấy ví dụ từ Trung Quốc - một trong những quốc gia có hệ thống hạ tầng giao thông phát triển mạnh, ông Khoa cho biết, nếu doanh nghiệp nước này vay vốn thực hiện dự án trọng điểm quốc gia thì được hưởng lãi suất ưu đãi chỉ bằng một nửa so với lãi suất thông thường. Trung Quốc áp dụng tín dụng ưu đãi bởi họ coi doanh nghiệp xây dựng là doanh nghiệp kiến thiết và được cơ chế riêng, Việt Nam có thể cân nhắc điều này.
Ngoài ra, ông Khoa còn nêu lên một tồn tại khác mà các nhà thầu rất e ngại khi triển khai các dự án hạ tầng giao thông, đó là việc nhiều khi không quản lý được toàn bộ hóa đơn, bởi khi thực hiện dự án, tiền đầu tư trải rộng và trong hàng nghìn hóa đơn chi tiêu, chỉ cần một vài hóa đơn không rõ ràng (liên quan đến các nhà thầu phụ, thường là nhà thầu địa phương do chính quyền địa phương đưa vào (gần như chỉ định - PV)), nguy cơ vi phạm hình sự đối với chủ thầu là hiện hữu.
Bởi vậy, ông Khoa đưa ra đề xuất, cần có cơ chế không yêu cầu các doanh nghiệp xây dựng phải giải trình chi phí và nên thay/bổ sung phương án thu thuế doanh nghiệp bằng thu thuế trên doanh thu cho nhà thầu lựa chọn. Làm được điều này, nhà thầu sẽ nộp thuế theo phần trăm doanh thu và giảm được khâu kiểm tra thuế, kiểm toán.
Còn theo ông Nguyễn Thế Anh, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Giá xây dựng, để tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà thầu nội, nên thống nhất áp dụng đơn giá riêng cho dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, thống nhất ở tất cả các địa phương, như vậy sẽ giúp gỡ nút thắt về giá cũng như quy trình, thủ tục.