Nhận diện 3 doanh nghiệp vốn hóa lớn nhất sàn chứng khoán Việt Nam

Doanh nghiệp gắn với tỷ phú Phạm Nhật Vượng

Trong hơn tháng trở lại đây, thị giá VIC đã tăng gần 50% lên 60.400 đồng/cổ phiếu tính đến ngày 2/4. Điều này đưa vốn hóa thị trường của Vingroup lên hơn 230.000 tỷ đồng (tương đương khoảng 9 tỷ USD).

Việc cổ phiếu VIC tăng mạnh cũng thể hiện sự kỳ vọng của nhà đầu tư về tình hình kinh doanh của “ông lớn” này. Theo báo cáo tài chính năm của Vingroup, năm 2024, doanh thu thuần hợp nhất của doanh nghiệp đạt 192.159 tỷ đồng, tăng 19% so với năm 2023. Đây cũng là mức doanh thu cao nhất từ trước đến nay của Vingroup.

Sau khi trừ các chi phí, lợi nhuận sau thuế của Vingroup đạt 5.251 tỷ đồng, tăng 155,4% và vượt xa kế hoạch đề ra. Tổng tài sản của tập đoàn đạt hơn 839.200 tỷ đồng, tăng 25,7%, tương đương khoảng 33 tỷ USD.

Trong lĩnh vực công nghệ - công nghiệp của Vingroup, năm 2024 đánh dấu cột mốc quan trọng của VinFast khi chiếm vị trí số 1 tại thị trường ôtô Việt Nam với gần 88.000 xe được bàn giao. Trong đó, VF 5 và VF 3 là hai mẫu xe bán chạy nhất thị trường nội địa. Hãng xe này cũng ra mắt tại các nước châu Á như Philippines, Indonesia và thị trường Trung Đông. Cuối năm 2024, VinFast khởi công xây dựng thêm nhà máy với công suất thiết kế giai đoạn 1 khoảng 300.000 xe một năm tại Khu kinh tế Vũng Áng (Hà Tĩnh).

Nhận diện 3 doanh nghiệp vốn hóa lớn nhất sàn chứng khoán Việt Nam ảnh 1

Việc Vingroup công bố nhiều dự án mới giúp nhà đầu tư kỳ vọng vào cổ phiếu.

Trong hoạt động thương mại dịch vụ, Vinhomes ghi nhận tổng doanh thu thuần hợp nhất quy đổi đạt trên 141.810 tỷ đồng, tăng 13% so với năm 2023. Nhà phát triển bất động sản này lãi khoảng 35.000 tỷ đồng, tăng 5% so với năm trước đó.

Với lĩnh vực du lịch nghỉ dưỡng, Vingroup cho biết Vinpearl tiếp tục thể hiện vai trò dẫn dắt ngành khi đón hơn 1,3 triệu lượt khách quốc tế năm 2024, tăng 58% so với năm trước đó.

Đáng chú ý, vừa qua Vingroup cũng công bố kế hoạch phát triển các dự án năng lượng tái tạo và nhà máy điện khí LNG, với số vốn đầu tư từ 20-25 tỷ USD trong giai đoạn 2025-2030, và hàng loạt dự án du lịch nghỉ dưỡng, bất động sản lớn trên cả nước. Tập đoàn này cũng hợp tác với Techcombank lập công ty bảo hiểm nhân thọ với vốn điều lệ 1,3 nghìn tỷ đồng. Đặc biệt, thông tin doanh nghiệp nộp hồ sơ chuẩn bị niêm yết công ty con Vinpearl trong bối cảnh định giá cổ phiếu VIC đang ở mức hấp dẫn tạo kỳ vọng lớn cho đầu tư trong thời gian tới.

Vietcombank, BIDV duy trì vị thế vững chắc

Doanh nghiệp có vốn hóa lớn nhất trên sàn chứng khoán hiện nay là Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank). Hiện thị giá VCB ở mức 64.800 đồng/cổ phiếu, với vốn hóa thị trường đạt khoảng 550.000 tỷ đồng, tương ứng khoảng 21,4 tỷ USD.

Năm 2024, quy mô tín dụng của Vietcombank đạt hơn 1,4 triệu tỷ đồng, tăng 13,7%. Tổng huy động của ngân hàng đạt 1,5 triệu tỷ, tăng gần 8% so với cuối năm trước. Tổng tài sản tăng 12,9% và lần đầu tiên vượt ngưỡng 2 triệu tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế của Vietcombank đạt hơn 33.800 tỷ đồng, tăng 2,2% so với năm trước đó.

Cũng trong năm 2024, Vietcombank đã nộp ngân sách nhà nước gần 11.600 tỷ và là ngân hàng có vốn điều lệ cao nhất hiện nay với hơn 83.500 tỷ đồng sau khi Quốc hội thống nhất thông qua chủ trương đầu tư bổ sung vốn nhà nước tại ngân hàng này từ nguồn lợi nhuận giữ lại.

Ở vị trí thứ hai là Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV). Tính đến 2/4, thị giá BID đạt 38.700 đồng/cổ phiếu, đưa vốn hóa của nhà băng này đạt hơn 271.000 tỷ đồng, tương đương hơn 10,5 tỷ USD.

Về kết quả kinh doanh năm 2024, BIDV cho biết đã hoàn thành đồng bộ, toàn diện các chỉ tiêu kế hoạch kinh doanh được Đại hội đồng cổ đông giao. Theo đó, tổng dư nợ tín dụng đạt hơn 2 triệu tỷ đồng, tăng 15,5% so với năm 2023, chiếm 13% dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế và tiếp tục đứng đầu thị trường về thị phần. Tổng huy động vốn đạt 2,1 triệu tỷ đồng, tăng 13,1% so với đầu năm; chiếm 14,3% thị phần tiền gửi toàn ngành ngân hàng.

Thu nhập lãi thuần của doanh nghiệp đạt gần 57.000 tỷ đồng, tăng khoảng 3,6% so với năm 2023. Lợi nhuận trước thuế đạt 30.006 tỷ đồng, tăng 12,4%, vượt kế hoạch được giao, đánh dấu mức cao kỷ lục trong lịch sử hoạt động của ngân hàng. Vốn chủ sở hữu của BIDV đến cuối năm đạt 136.320 tỷ đồng, tăng 18,4%. Trong năm, BIDV đã nộp ngân sách 9.412 tỷ đồng, nằm trong nhóm doanh nghiệp dẫn đầu về đóng góp thuế thu nhập doanh nghiệp.

Xem thêm tại tienphong.vn