Nhiều cổ phiếu chứng khoán giảm 30-40% trong năm 2024, cơ hội đến từ việc tăng vốn 47.000 tỷ năm 2025
Nhìn lại năm 2024 cho thấy, nhóm cổ phiếu ngành chứng khoán có kết quả tăng trưởng vượt trội so với thị trường trong Q1/2024, sau đó hiệu suất giảm dần trong bối cảnh lãi suất huy động bắt đầu nhích tăng do áp lực tỷ giá tăng.
Bên cạnh đó, giao dịch khối ngoại bán ròng mạnh trong năm và khiến cho hiệu suất nhóm chứng khoán giảm 0,8% về giá trị trong năm 2024. Các cổ phiếu ghi nhận mức tăng giá tích cực là các công ty đã thực hiện tăng vốn sớm trong năm 2024, bao gồm MBS (51%), BVS (48,5%), FTS (33,4%), và HCM (29,2%) và ngược lại cổ phiếu giảm giá là các công ty gặp nhiều khó khăn về quản trị doanh nghiệp, bao gồm APG (-45,1%) và VND (-33,3%).
Nhận định về triển vọng nhóm chứng khoán năm 2025, SSI Research ước tính tăng trưởng doanh thu của các công ty chứng khoán sẽ có phần nào hạn chế trong năm 2025 nhưng tăng trưởng lợi nhuận có thể cải thiện nhờ việc cắt giảm chi phí hoạt động.
Cụ thể, thu nhập từ phí/hoa hồng mảng môi giới chứng khoán ước tính gần như không đổi trong 2025 trong bối cạnh giá trị giao dịch tăng nhẹ có thể bù đắp một phần cho xu hướng giảm phí giao dịch do cạnh tranh gay gắt giữa các công ty chứng khoán. Việc tăng vốn đáng kể trong năm 2024 và kế hoạch 2025 tiếp tục sẽ hỗ trợ doanh thu mảng cho vay ký quỹ, mặc dù ước tính tăng trưởng sẽ khó có sự bứt phá trong bối cạnh điều kiện thị trường nhiều biến động.
Bên cạnh đó, NIM có thể giảm do cạnh tranh và môi trường lãi suất tăng. Ước tính mảng ngân hàng đầu tư sẽ dần hồi phục nhờ một số đợt IPO đang triển khai và mảng bảo lãnh phát hành trái phiếu có thể tăng khi thị trường trái phiếu doanh nghiệp hồi phục. Đối với mảng tự doanh, doanh thu từ chứng chỉ tiền gửi/ giấy tờ có giá kỳ vọng vẫn duy trì tỷ trọng lớn.
Khối ngoại bán ròng mạnh trong năm 2024 với giá trị bán ròng lên tới gần 4 tỷ USD, khi dòng tiền dịch chuyển vào các tài sản khác như chứng khoán Mỹ hay vàng.
Về mặt tích cực, kỳ vọng việc nhà đầu tư nước ngoài quay lại thị trường Việt Nam trong năm 2025 sẽ đến từ câu chuyện nâng hạng lên thị trường mới nổi
của FTSE Russel. Cần lưu ý rằng các chính sách bước đệm như triển khai hệ thống giao dịch KRX, việc áp dụng Luật Chứng khoán sửa đổi và Nghị định 155/2020 sửa đổi sẽ tạo tiền đề cho sự phát triển thị trường vốn trong trung và dài hạn.
Đối với câu chuyện nâng hạng, kịch bản cơ sở kỳ vọng FTSE có khả năng công bố nâng hạng thị trường Việt Nam trong kỳ đánh giá tháng 9/2025, và việc triển khai thực tế có thể diễn ra từ tháng 3/2026. Dựa trên giá trị vốn hóa thị trường ròng của Việt Nam ở mức 43 tỷ USD từ FTSE Russell, tổng vốn vào ròng có thể đạt mức cao 1,6 tỷ USD sau khi FTSE Russell nâng hạng tại kỳ tái cơ cấu và điều này chưa tính đến dòng tiền từ các quỹ chủ động.
Bên cạnh việc cải thiện về hoạt động kinh doanh đón sóng nâng hạng, một số mã chứng khoán có thể được xem xét vào rổ FTSE EM là SSI, VND, VCI và HCM.
SSI Research tổng hợp ước tính giá trị thu được từ các việc tăng vốn và phát hành trái phiếu của các công ty chứng khoán lớn ở mức 77,8 nghìn tỷ đồng cho 2 năm 2024 và 2025, tương ứng 55% dư nợ cho vay ký quỹ tại thời điểm Q3/2024, trong đó gần 37 nghìn tỷ đồng đã được hoàn thành.
Ngoài ra, dư nợ cho vay ký quỹ tại thời điểm Q3/2024 đạt 224 nghìn tỷ đồng. Đây là mức cao kỷ lục về số tuyệt đối, xét về tương đối thì dư nợ ký quỹ chiếm 81% vốn chủ sở hữu và tỷ lệ này được giữ tương đối ổn định từ 2023 và thấp hơn nhiều so với mức đỉnh 120% trong năm 2021.
Dư nợ cho vay ký quỹ tăng không tương đồng với thanh khoản thị trường, cho thấy mức tăng này có thể không đến từ đòn bẩy của nhà đầu tư cá nhân, mà từ cho vay ký quỹ theo thỏa thuận. Năm 2025, ước tính dư nợ cho vay ký quỹ có thể tiếp tục tăng dựa trên giải pháp mới hỗ trợ thanh toán cho nhà đầu tư nước ngoài hay nhà đầu tư cá nhân trong nước quay lại thị trường.
Về mặt định giá, các công ty chứng khoán niêm yết đã cải thiện đáng kể từ mức thấp vào cuối năm 2022, với hầu hết các cổ phiếu đang giao dịch quanh hoặc cao hơn nhẹ so với trung bình 5 năm trong suốt năm 2024 phản ánh những lo ngại về hoạt động kinh doanh của công ty chứng khoán trong môi trường biến động.
Biến động cổ phiếu chứng khoán công ty chứng khoán có tính chu kỳ và có hệ số beta cao và thường tương đồng với thanh khoản thị trường. Do đó, SSI cho rằng nhà đầu tư nên xem xét giải ngân vào các cổ phiếu ngành chứng khoán khi xu hướng rõ ràng về thanh khoản thị trường, giá trị giao dịch trung bình ngày; hoạt động tăng vốn bắt đầu được triển khai; Tâm lý thị trường cải thiện nhờ công bố chính sách tác động tích cực.
Xem thêm tại vneconomy.vn