Nhiều công ty địa ốc phải dừng hoạt động vì hết tiền
Đóng cửa vì hết tiền
Thời gian gần đây, không ít doanh nghiệpbất động sản phải đóng cửa, hoặc cho toàn bộ người lao động nghỉ không lương vì hết tiền.
Đơn cử, hồi cuối tháng 5/2023, một công ty môi giới bất động sản tại TP.HCM thông báo đến nhân viên việc dừng hoạt động do thua lỗ kéo dài, cạn tiền duy trì hệ thống. Lãnh đạo doanh nghiệp này cho hay, suốt một năm nỗ lực bán hàng, nhưng công ty chỉ giao dịch được 3 sản phẩm do thị trường trầm lắng, doanh thu không đủ trả lương và chi phí vận hành.
“Lỗ chồng lỗ kéo dài nhiều quý liền, khiến công ty kiệt quệ, trong khi các khoản hoa hồng (chi phí môi giới) của năm trước đến hạn thu tiền về lại bị các chủ đầu tư bất động sản khất nợ. Dù đã áp dụng đủ mọi biện pháp để khắc phục, nhưng cũng không mấy khả quan. Cuối cùng, Ban lãnh đạo họp mặt và quyết định tạm chia tay mọi người vì công ty gần như mất thanh khoản”, đại diện doanh nghiệp này nói và cho biết thêm, đây là phương án cuối cùng vì nguồn lực đã kiệt quệ không thể gồng lỗ tiếp.
Hay như mới đây, Công ty cổ phần Phát triển và Kinh doanh nhà (HDTC) thông báo về việc cơ cấu lại bộ máy tổ chức nhân sự. Theo đó, HDTC sẽ tạm dừng hoạt động vì tài chính đang vô cùng khó khăn, không có nguồn thu để trả lương cho cán bộ, nhân viên.
Để phù hợp với tình hình hoạt động của công ty trong thời gian hiện nay, Hội đồng Quản trị HDTC thống nhất sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn, chỉ giữ lại những nhân sự chủ chốt để củng cố công ty trong giai đoạn trước mắt. Vì vậy, ông Đinh Chí Minh, Chủ tịch HĐQT, kiêm Tổng giám đốc Công ty thông báo toàn thể cán bộ, nhân viên đang làm việc tại HDTC, cũng như tại chi nhánh công ty tạm thời nghỉ không hưởng lương để chờ việc, kể từ ngày 26/11 cho đến khi công ty có thông báo mới.
Công ty cổ phần Đầu tư PVR Hà Nội (PVR) cũng có công văn giải trình gửi Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội về việc tạm ngừng hoạt động kinh doanh. Theo đó, ngày 31/10/2023, HĐQT Công ty PVR ban hành quyết định tạm ngừng hoạt động kinh doanh từ ngày 15/11/2023 đến ngày 14/11/2024.
Nói về lý do tạm ngừng, PVR cho biết, do Công ty bị phong tỏa tài khoản tại các ngân hàng theo quyết định của tòa án và năm 2023, Công ty không có kinh phí để duy trì hoạt động, dự kiến năm 2024 vẫn không có kinh phí.
Số liệu của Tổng cục Thống kê cũng thể hiện, trong 10 tháng của năm 2023, bất động sản là ngành chứng kiến lượng doanh nghiệp giải thể lớn nhất. Trên cả nước có 1.067 doanh nghiệp bất động sản giải thể, tăng 9,5% so với cùng kỳ.
Nhen nhóm hy vọng từ M&A
Nhận định về những khó khăn mà doanh nghiệp bất động sản đang gặp phải, các chuyên gia cho rằng, thị trường vẫn vướng mắc, rủi ro thách thức từ bên ngoài như sức cầu yếu làm giảm đà tăng trưởng. Lạm phát, lãi suất cao, tác động tiêu cực đến xuất khẩu, đầu tư, du lịch...
Bên cạnh đó, mặt bằng lãi suất tuy giảm nhưng vẫn còn cao, rủi ro tỷ giá, chứng khoán, bất động sản nhạy cảm hơn… Vì vậy, cần sớm có giải pháp mạnh mẽ để tháo gỡ khó khăn và cần tập trung ở cả cung và cầu để thị trường bất động sản phục hồi mạnh trong năm 2024, cùng với việc củng cố thị trường tài chính để tạo nền tảng vững chắc cho giai đoạn tới.
Ở góc độ khác, ông Neil MacGregor, Giám đốc Điều hành Savills Việt Nam cho rằng, để có dòng tiền, xử lý các khoản nợ hoặc tái cấu trúc toàn diện, doanh nghiệp bất động sản cần tiến hành chuyển nhượng một phần hoặc toàn bộ dự án, bởi hoạt động mua bán - sáp nhập (M&A) chính là “phao cứu sinh” giúp doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn này.
“Sự chậm trễ trong quá trình phê duyệt dự án và thiếu hụt nguồn cung mới đã ảnh hưởng đến tâm lý thị trường bất động sản năm 2023, nhưng nhu cầu vẫn được thúc đẩy mạnh mẽ bởi quá trình đô thị hóa. Thị trường vẫn giữ được sự bền bỉ với số vốn đầu tư nước ngoài đáng kể, điều này kỳ vọng sẽ có thêm nhiều thương vụ M&A trong 2 năm tới”, ông Neil MacGregor nói.
Ông Phạm Anh Khôi, Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế - tài chính - bất động sản Dat Xanh Services (DXS - FERI) cũng cho rằng, trong giai đoạn khó khăn, M&A và mở rộng hợp tác đang trở thành xu hướng của các chủ đầu tư lớn tại Việt Nam, bao gồm cả chủ đầu tư nước ngoài. Các chủ đầu tư nước ngoài có định hướng chiến lược phát triển rõ ràng, chuẩn bị bài bản, nên luôn có nguồn tài chính sẵn sàng để hợp tác khi có cơ hội.
Tuy nhiên, để hoạt động M&A diễn ra một cách thuận lợi và tài sản/dự án được định giá ở mức hợp lý, vừa có lợi cho bên mua, nhưng cũng không gây thiệt hại cho bên bán, thị trường rất cần một kênh xúc tiến đầu tư bất động sản chuyên biệt, uy tín, hiệu quả.
Xem thêm tại baodautu.vn