Nhiều doanh nghiệp cơ cấu lại tài sản hỗ trợ dòng tiền

Công ty cổ phần Điện mặt trời Trung Nam đang chuẩn bị chuyển nhượng cổ phần. Ảnh: Đức Thanh.

Hỗ trợ dòng tiền

Đầu tháng 7 này, hội nghị người sở hữu trái phiếu Công ty cổ phần Điện mặt trời Trung Nam đã chấp thuận nội dung liên quan giao dịch chuyển nhượng cổ phần của chính doanh nghiệp này.

Theo đó, Công ty cổ phần Năng lượng tái tạo Trung Nam sẽ chuyển nhượng toàn bộ 19,9 triệu cổ phần Công ty cổ phần Điện mặt trời Trung Nam cho Công ty TNHH Đầu tư phát triển năng lượng tái tạo Á Châu (ACIT). Nếu thương vụ được thực hiện như kế hoạch, phía Trung Nam sẽ không còn là cổ đông lớn nhất. Thay vào đó, ACIT - cổ đông đang nắm giữ 49% vốn Công ty cổ phần Điện mặt trời Trung Nam sẽ nâng tỷ lệ sở hữu lên 58,9%.

Tuy vậy, ở chiều ngược lại, thương vụ “bán con” trên sẽ mang về dòng tiền cho Năng lượng tái tạo Trung Nam (TREC). Với quy mô vốn điều lệ gần 9.100 tỷ đồng, TREC đang sở hữu nhiều công ty con trong lĩnh vực điện gió, điện mặt trời. Trong số này, Điện mặt trời Trung Nam có vốn điều lệ 1.000 tỷ đồng, sở hữu Nhà máy Điện mặt trời Trung Nam Thuận Bắc với hơn 700.000 tấm pin (tổng công suất 204 MW) đã đi vào hoạt động.

Không riêng với doanh nghiệp gặp khó về dòng tiền, việc bán bớt hay cơ cấu lại tài sản cũng là lựa chọn của nhiều doanh nghiệp để mở rộng kinh doanh.

TREC có hai lô trái phiếu đến hạn vào cuối tháng 8/2024, với tổng giá trị phát hành 1.000 tỷ đồng. Mặc dù có nghĩa vụ công bố thông tin theo quy định áp dụng các doanh nghiệp phát hành trái phiếu riêng lẻ, báo cáo gần nhất của doanh nghiệp này là từ gần một năm trước.

Tuy nhiên, thông tin từ cuộc họp đại hội đồng cổ đông của một công ty chứng khoán đang sở hữu lượng lớn trái phiếu của các công ty thuộc Trung Nam Group đề cập rủi ro mất cân đối dòng tiền. Theo lãnh đạo công ty chứng khoán này, nhóm công ty thuộc Trung Nam vẫn có dòng tiền đều, nhất là với các dự án điện đã đưa vào phát điện, song cần phải sắp xếp lại việc trả nợ với các bên cho vay, với lịch trình và chi phí phù hợp.

Đứng trước bài toán dòng tiền, bán tài sản cũng là một trong các phương án thường phải dùng đến để giải quyết khó khăn. Từ cuối tháng 5 đến nay, Garmex Sài Gòn - doanh nghiệp dệt may với tuổi đời gần 50 năm - đã ròng rã “rao bán” 3 lần đối với quyền sử dụng đất và công trình xây dựng tại thửa đất thuộc Cụm Công nghiệp Hà Lam - Chợ Được (xã Bình Phục, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam). Giá khởi điểm đối với 2,6 ha đất này duy trì ở mức 156 tỷ đồng.

Garmex Sài Gòn gặp vấn đề lớn khi gần như “trắng” doanh thu, quy mô lao động từ gần 3.800 người cuối năm 2021, xuống còn vỏn vẹn 35 người vào cuối năm 2023. Thanh lý, chuyển nhượng tài sản như máy móc, thiết bị hư hỏng, máy giặt, máy sấy công nghiệp... là giải pháp xoay xở dòng tiền duy nhất của Garmex Sài Gòn.

Công ty cổ phần Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (HBC), ngày 18/6, cũng thông qua việc chuyển nhượng 100% vốn góp tại hai công ty liên kết, gồm Công ty Cơ khí và Nhôm kính Anh Việt và Công ty Kỹ thuật Jesco Hòa Bình. HBC đầu tư vào 2 công ty này lần lượt 19,56 tỷ đồng và 34,84 tỷ đồng.

Trong khi đó, mục tiêu thu hồi từ thoái vốn của Tổng công ty Hàng không Việt Nam - Công ty cổ phần (Vietnam Airlines) lại lên tới cả ngàn tỷ đồng. Hãng hàng không này đặt mục tiêu đẩy nhanh tiến độ thoái vốn tại Công ty TNHH Dịch vụ hàng hoá Tân Sơn Nhất (TCS), ước tính thu khoảng 1.700 tỷ đồng để bổ sung thu nhập và dòng tiền. Cùng gói hỗ trợ thanh khoản 12.000 tỷ đồng từ Chính phủ và sự ấm lên của thị trường hàng không, lãnh đạo Vietnam Airlines kỳ vọng có thể tiến tới cân đối được thu - chi trong năm 2024.

Tái cơ cấu, dồn lực cho mảng kinh doanh chính

Không riêng với doanh nghiệp gặp khó về dòng tiền, việc bán bớt hay cơ cấu lại tài sản cũng là lựa chọn của nhiều doanh nghiệp để mở rộng kinh doanh gần đây. Chỉ trong khoảng 2 tuần, Tổng công ty cổ phần Đầu tư Phát triển Xây dựng (DIG) chuyển nhượng các dự án cho 2 công ty con. DIG đã quyết định chuyển nhượng Khu dịch vụ thương mại Cap Saint Jacques - giai đoạn I cho Công ty TNHH Du lịch DIC (DIC Hospitality). Tiếp đó, công ty này chuyển một phần dự án Vị Thanh cho công ty con khác là Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Tầm nhìn DIC (DIC Vision).

Lãnh đạo Công ty cổ phần Container Việt Nam (Viconship) mới đây cũng chốt phương án rút lui khỏi hợp đồng hợp tác Dự án khách sạn Hyatt Place Hải Phòng với Công ty cổ phần Tập đoàn T&D Group. Tính đến cuối năm 2023, Viconship dành tới hơn 800 tỷ đồng vào các hợp đồng hợp tác kinh doanh và đầu tư dài hạn.

Cùng ngày, doanh nghiệp này cũng thông qua giao dịch nhận chuyển nhượng để nâng sở hữu Cảng Nam Hải Đình Vũ lên 100%, với số tiền bỏ ra gần 2.179 tỷ đồng. Cùng với hàng ngàn tỷ đồng huy động được từ cổ đông thông qua đợt phát hành tăng gấp đôi vốn điều lệ, nguồn lực của Viconship được tập trung cho mảng kho bãi, đồng thời giảm gánh nặng chi phí lãi vay, đã vọt lên 170 tỷ đồng năm 2023 từ mức “gần như không” trong các năm trước.

Trong khi các thương vụ trên mang tính chất cơ cấu lại nguồn vốn, thì quyết định thoái vốn công ty con của Công ty cổ phần Phát triển bất động sản Phát Đạt (PDR) hôm 20/6 dự kiến mang lại cho doanh nghiệp này khoản lãi đậm. Công ty này đã thông qua chủ trương chuyển nhượng toàn bộ 111,72 triệu cổ phần (49% vốn) của Công ty Đầu tư bất động sản BIDICI - chủ đầu tư dự án căn hộ, trung tâm thương mại cao tầng Phân khu số 9, Khu đô thị du lịch sinh thái Nhơn Hội (Bình Định).

Từ mức vốn điều lệ 360 tỷ đồng do Phát Đạt góp 99% vốn vào thời điểm thành lập năm 2020, vốn góp của Phát Đạt tại đây đã tăng lên 1.117,2 tỷ đồng, nhưng tỷ lệ sở hữu hiện chỉ còn 49%. Phát Đạt kỳ vọng thu về tới 1.400 tỷ đồng, tương ứng với giá chuyển nhượng không thấp hơn 130% mệnh giá.

Không chỉ góp phần giải bài toán cân đối dòng tiền, thương vụ trên nếu thành công sẽ mang về khoản lợi nhuận lớn. Mạnh mẽ tái cấu trúc để có bộ máy vững vàng hơn là những việc doanh nghiệp làm để vượt qua giai đoạn khó khăn.

Xem thêm tại baodautu.vn