Nhiều doanh nghiệp niêm yết bán bớt tài sản, cơ cấu nợ vay

Giữ được dòng tiền dương ở mức cao là điều kiện quan trọng để doanh nghiệp sớm vượt qua giai đoạn khó khăn

Giữ được dòng tiền dương ở mức cao là điều kiện quan trọng để doanh nghiệp sớm vượt qua giai đoạn khó khăn

Vượt qua nghịch cảnh

Với nền kinh tế năng động và có độ mở cửa cao của Việt Nam, điều kiện kinh doanh trong nước và hoạt động xuất khẩu có sự liên thông với điều kiện kinh tế toàn cầu. Do đó, các doanh nghiệp cần xây dựng các chiến lược, kế hoạch hiệu quả để chủ động nắm bắt cơ hội khi thị trường thuận lợi, cũng như đưa giải pháp ứng phó kịp thời khi các yếu tố bất lợi xuất hiện.

Với nhóm ngành thép, đây là nhóm công ty kinh doanh phụ thuộc vào diễn biến giá thép thế giới, nhu cầu xây dựng trong nước và đặc biệt liên quan tới chính sách thắt chặt hay mở rộng lĩnh vực bất động sản của Trung Quốc vì có tác động lớn tới nhu cầu thép toàn cầu.

Thực tế cho thấy, năm 2016, khi giá thép bật tăng, các doanh nghiệp thép Việt Nam kinh doanh thuận lợi, trong đó Công ty cổ phần Tập đoàn Hoa Sen (Hoa Sen, mã HSG) đẩy mạnh tích trữ tồn kho và mở rộng khoản phải thu.

Nửa cuối năm 2017, giá thép đạt đỉnh, nhu cầu dần suy yếu, giá thép bắt đầu giảm nên chiến lược tích trữ tồn kho không còn phù hợp. Vì vậy, Hoa Sen đẩy mạnh tái cơ cấu tài chính bằng việc giảm tồn kho, đồng thời giảm khoản phải thu, tập trung bảo vệ dòng tiền.

Trong giai đoạn mở rộng năm 2017, dòng tiền kinh doanh của Hoa Sen ghi nhận âm 2.173,4 tỷ đồng, nhưng bước giai đoạn tái cơ cấu bằng việc giảm tồn kho, giảm các khoản phải thu đã giúp dòng tiền kinh doanh chính năm 2018 ghi nhận dương 500 tỷ đồng và năm 2019 dương kỷ lục 5.181,1 tỷ đồng.

Nhờ việc chủ động tái cơ cấu nên dù lợi nhuận giai đoạn 2017 - 2019 lao dốc trong bối cảnh đi xuống của ngành thép, nhưng Hoa Sen vẫn giữ được dòng tiền, sau đó tăng trưởng trở lại trong năm 2020 - 2021 khi giá thép hồi phục.

Tương tự, câu chuyện chủ động giảm tồn kho khi thị trường khó khăn, đồng thời mở rộng sản xuất (tăng tồn kho) khi nhu cầu tăng cao với các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra như Công ty cổ phần Vĩnh Hoàn (mã VHC), Công ty cổ phần Nam Việt (mã ANV)… được lặp đi, lặp lại trong nhiều chu kỳ.

Câu chuyện của Hoa Sen và nhóm xuất khẩu cá tra là một ví dụ điển hình về việc các doanh nghiệp chủ động mở rộng kinh doanh khi điều kiện thị trường thuận lợi và thu hẹp kinh doanh, giảm bán chịu khi lĩnh vực hoạt động có dấu hiệu thu hẹp để bảo vệ dòng tiền, duy trì nguồn lực, chờ thời điểm ngành kinh doanh mở rộng trở lại.

Bán bớt tài sản

Không phải doanh nghiệp nào cũng chủ động tái cấu trúc sớm khi hoạt động kinh doanh không thuận lợi, dự phòng trường hợp khó khăn sẽ kéo dài. Có những doanh nghiệp lỗ lớn, gần đây phải bán bớt tài sản để có vốn duy trì hoạt động.

Chẳng hạn, Công ty cổ phần Đầu tư Thương mại SMC (mã SMC) chủ yếu kinh doanh thương mại thép cho các công ty xây dựng và chủ đầu tư nên khi các khách hàng lớn gặp khó khăn về dòng tiền dẫn tới chậm thanh toán, cộng với việc tồn kho ở mức giá cao nhưng giá thép bất ngờ lao dốc trong nửa cuối năm 2022 và năm 2023 nên Công ty ghi nhận lỗ 579 tỷ đồng trong năm 2022 và lỗ 885 tỷ đồng trong năm 2023.

Tính đến cuối tháng 9/2024, SMC có lỗ luỹ kế 147 tỷ đồng, dù hoạt động kinh doanh lãi 21,9 tỷ đồng trong 9 tháng đầu năm nay.

Các giải pháp tái cấu trúc được SMC đưa ra là bán một số tài sản như cổ phiếu NKG của Công ty cổ phần Thép Nam Kim, chuyển nhượng 6.197 m2 đất tại tỉnh Bình Dương với giá dự kiến 49 tỷ đồng, chuyển nhượng 9.096 m2 đất tại TP.HCM với giá dự kiến 126 tỷ đồng, chuyển nhượng 329,5 m2 toà nhà văn phòng tại TP.HCM với giá 170 tỷ đồng, bán khoản nợ trị giá 12,6 tỷ đồng tại Công ty cổ phần Beton 6 cho cá nhân với giá 3 tỷ đồng…

Tại Công ty cổ phần Thép Pomina (mã POM), đơn vị này triển khai dự án lò cao, hoàn thành đưa vào sản xuất tháng 2/2021. Tuy nhiên, Công ty đã phải thông báo dừng hoạt động sản xuất lò cao từ ngày 23/9/2022, đồng thời chấm dứt hợp đồng lao động với một số cán bộ, công nhân viên và liên tục lùi thời điểm khởi động lại lò cao do kinh doanh khó khăn.

Việc sử dụng nợ vay lớn dẫn tới áp lực chi phí tài chính trong khi nhà máy mới chưa thể vận hành trở lại, Thép Pomina lâm vào tình trạng thua lỗ, tính đến 30/6/2024 có lỗ luỹ kế 2.116,1 tỷ đồng, bằng 75,7% vốn điều lệ (2.796,8 tỷ đồng) và sử dụng 6.005 tỷ đồng nguồn vốn ngắn hạn tài trợ cho tài sản dài hạn.

Để giải quyết vấn đề, Thép Pomina đã quyết định sẽ mang tài sản đi góp vốn thành lập pháp nhân mới, đồng thời dùng số tiền thu được ròng từ góp vốn để trả bớt nợ vay.

Với các doanh nghiệp xây dựng như Công ty cổ phần Tập đoàn Xây dựng Hoà Bình (Hòa Bình, mã HBC), chính sách bán chịu và liên tục mở rộng các khoản phải thu từ việc cung cấp dịch vụ xây dựng đối với các chủ đầu tư nhưng thu tiền trả chậm, điều này trong ngắn hạn giúp Công ty dễ dàng trúng thầu xây lắp và mở rộng doanh thu.

Tuy nhiên, mặt trái đã diễn ra khi các chủ đầu tư gặp khó khó khăn về dòng tiền, không trả được nợ đúng hạn, Hòa Bình ngay lập tức ghi nhận lỗ kỷ lục 2.567 tỷ đồng trong năm 2022, lỗ thêm 1.111 tỷ đồng trong năm 2023. Nửa đầu năm 2024, Công ty có lãi 829,7 tỷ đồng một phần là nhờ bán bớt tài sản.

Tính đến 30/6/2024, Hòa Bình có lỗ luỹ kế 2.403,2 tỷ đồng, bằng 69,2% vốn điều lệ (3.472,1 tỷ đồng). Trước đó, với việc lỗ luỹ kế vượt vốn điều lệ tại thời điểm cuối năm 2023, cổ phiếu HBC đã bị huỷ niêm yết bắt buộc trên HOSE, chuyển sang giao dịch tại UPCoM từ ngày 18/9/2024. Hòa Bình đang phải tái cấu trúc, bán bớt một số tài sản nhằm cải thiện tình hình tài chính.

Ông Lâm Văn Vân, đại diện Quỹ đầu tư ECI Capital nhận xét, việc bán tài sản luôn là lựa chọn cuối cùng của các công ty trong quá trình tái cơ cấu, đặc biệt là việc bán nhà máy, chuyển nhượng quyền sử dụng đất thuê làm nhà xưởng như trường hợp của SMC hay Thép Pomina.

Bởi lẽ, đó là một bước lùi khi họ phải thu hẹp quy mô sản xuất - kinh doanh, chấp nhận giảm năng lực sản xuất và nhiều khả năng phải nhường thị phần cho đối thủ khi thị trường hồi phục. Kéo theo đó là việc cắt giảm nhân sự, tức là “chảy máu” người tài, từ đội ngũ chuyên gia, chuyên môn đến các cấp quản lý và cuối cùng là bí quyết, bí mật sản xuất - kinh doanh.

“Mặc dù vậy, đánh đổi lại, doanh nghiệp sẽ có nguồn tài chính để cơ cấu lại nợ, giảm áp lực lãi vay, giảm áp lực chi phí vận hành, tinh gọn bộ máy, tinh chỉnh lại hoạt động nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất - kinh doanh”, ông Vân nói.

Xem thêm tại tinnhanhchungkhoan.vn