Nhiều ngân hàng có thể ghi nhận khoản thu bất thường lớn trong năm 2024
Trong báo cáo cập nhật về Ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam (MSB - Mã: MSB), Chứng khoán Vietcombank (VCBS) cho biết ngân hàng này sẽ ghi nhận tăng trưởng thu nhập bất thường từ thu hồi nợ xấu và thoái vốn công ty tài chính TNEX Finance.
Cụ thể, MSB hiện đang trong quá trình hoàn tất xử lí các vấn đề với nợtái cơ cấu và đã xử lí xong các khoản đảm bảo với Vinashin và Vinalines. Ngân hàng cho biết, sẽ đẩy mạnh hoạt động xử lý nợ tồn đọng đưa ra khỏi bảng cân đối từ quỹ dự phòng, bên cạnh giải pháp thắt chặt cho vay để đưa tỷ lệ nợ xấu nội bảng về mức dưới 3%.
Theo VCBS, trong quý II, MSB đã thu về hai khoản thu bất thường có giá trị hơn 800 tỷ đồng từ nợ đã được xử lý. Ngân hàng này dự kiến năm nay tổng khoản thu nhập bất thường từ việc thu hồi các khoản nợ đã xử lý khoảng 1.700 tỷ đồng.
Cùng với đó, MSB cũng đang tiến hành kế hoạch bán công ty tài chính TNEX Finance, được đổi tên từ FCCOM. Hiện ngân hàng đang làm việc với bên tư vấn McKinsey để xây dựng chiến lược phát triển mô hình tín dụng số mới trong 6 tháng - một năm tới. Báo cáo cũng đề cập tới ba nhà đầu tư từ Hàn Quốc, Nhật Bản và Đài Loan quan tâm tới công ty tài chính này.
Theo các chuyên gia phân tích VCBS, với định giá ước tính đạt 1.800 - 2.000 tỷ đồng, TNEX Finance được xem là "của để dành" của MSB trong tương lai, tuy nhiên với tiến độ hiện tại khả năng thương vụ này chỉ có thể hoàn thành từ năm 2025.
Chia sẻ bên lề Đại hội đồng cổ đông thường niên 2024, Tổng Giám đốc MSB Nguyễn Hoàng Linh cũng thông tin rằng, ngay trong quý II, ngân hàng có thể ghi nhận thêm 2 khoản thu bất thường từ nợ đã được xử lý. Về TNEX Finance, ông Linh cho biết MSB vẫn để "mở" các kế hoạch trong các trường hợp nhà đầu tư muốn liên kết, tham gia hợp tác.
"Đang có ba nhà đầu tư từ Hàn Quốc, Nhật Bản và Đài Loan (Trung Quốc) hợp tác với FCCOM. MSB vẫn để mở các khả năng", ông Linh cho hay.
Tại cuộc họp ĐHCĐ thường niên năm 2024, lãnh đạo Sacombank cho biết đã đấu giá thành công khoản nợ được đảm bảo bằng quyền tài sản tại dự án khu công nghiệp Phong Phú. Khi đó, Sacombank đã thu hồi được 20% tổng giá trị bán đầu giá thành công. Bên đấu giá sẽ thanh toán theo tiến độ hoàn thành hồ sơ pháp lý dự án, dự kiến 40% tổng số tiền sẽ được thanh toán tiếp trong năm 2024 và 40% còn lại sẽ thanh nốt trong năm 2025.
Hồi đầu năm 2023, Sacombank đã tổ chức bán đấu giá 18 khoản nợ được bảo đảm bằng tài sản tại dự án khu công nghiệp Phong Phú. Đây là lần thứ 6 Sacombank rao bán khoản nợ này với giá khởi điểm là 7.934 tỷ đồng.
Thông tin từ phía nhà băng này, tổng giá trị các khoản nợ tính đến ngày 31/12/2021 là 16.196 tỷ đồng, trong đó dư nợ gốc là hơn 5.134 tỷ đồng và lãi tồn đọng là hơn 11.061 tỷ đồng. Đây là khoản nợ phát sinh từ việc cho vay của SouthernBank giai đoạn 2011 - 2012. Đến năm 2015, SouthernBank sáp nhập vào Sacombank thì khoản nợ này trở thành nợ xấu mà Sacombank phải xử lý.
Trong báo cáo cập nhật mới công bố, Chứng khoán KB (KBSV) kì vọng Sacombank sẽ ghi nhận khoản thu nhập bất thường 1.336 tỷ đồng trong năm 2024 từ thương vụ bán khoản nợ liên quan đến khu công nghiệp Phong Phú, sau khi trích lập toàn bộ phần nợ trái phiếu VAMC.
Quý I, VIB ghi nhận khoản lãi đột biến hơn 226 tỷ đồng từ hoạt động kinh doanh khác, gấp 5 lần cùng kỳ 2023. Tại ĐHĐCĐ vừa qua, Chủ tịch HĐQT VIB ông Đặng Khắc Vỹ cũng cho hay, ngân hàng này đã thu lại 200 tỷ đồng từ xử lý rủi ro trong 3 tháng đầu năm 2024. Với việc thị trường bất động sản đang ấm lên và thêm các giải pháp thu hồi nợ, ngân hàng này cũng kỳ vọng có thu nhập bất thường 1.000 - 1.500 tỷ từ thu hồi các khoản nợ đã xử lý rủi ro.
Nối tiếp diễn biến ấn tượng năm 2023, lãi thuần từ hoạt động khác của Saigonbank trong quý I/2024 đạt 28 tỷ đồng, tăng 2,15 lần so với cùng kỳ năm trước. Theo ban lãnh đạo Saigonbank, trong năm 2024, ngân hàng sẽ triển khai các giải pháp để thu hồi các khoản nợ tồn đọng nhằm tăng thu nhập, kiểm soát nợ xấu nội bảng, nợ xấu đã bán cho VAMC và nợ đã thực hiện các biện pháp phân loại nợ theo quy định.
Xem thêm tại cafef.vn