Nhóm Quỹ Dragon Capital vừa bán 1,96 triệu cổ phiếu MWG

Trương Ngọc Phượng báo cáo thay đổi sở hữu của nhóm NĐTNN là CĐL Công ty Cổ phần Đầu tư Thế Giới Di Động (mã MWG-HOSE).

Theo đó, Nhóm quỹ Dragon Capital đã bán ròng 1.960.000 cổ phiếu MWG trong phiên ngày 30/7 - trong đó, KB Vietnam Focus Balanced Fund bán 60.000 cổ phiếu; Noges Bank bán 800.000 cổ phiếu và Wareham Group Limited bán nhiều nhất 1.100.000 cổ phiếu. Qua đó, giảm số lượng cổ phiếu nắm giữ từ 118.099.068 cổ phiếu, chiếm 8,0784% xuống còn 116.139.068 cổ phiếu, chiếm 7,9443%.

Trước đó, trong phiên 19/7, Nhóm quỹ Dragon Capital đã bán ròng 1,05 triệu cổ phiếu MWG trong phiên 19/7, giảm sở hữu xuống còn 116,87 triệu cổ phiếu (tỷ lệ 7,99%) - trong đó, Amersham Industries Limited bán 500.000 cổ phiếu; Hanoi Investment Holdings Limited bán 300.000 cổ phiếu; Norges Bank bán 500.000 cổ phiếu - trong khi đó, Wareham Group Limited mua 250.000 cổ phiếu.

Tuy nhiên, đến phiên ngày 22/7, nhóm quỹ này lại mua 182.000 cổ phiếu MWG, nâng sở hữu tại MWG lên hơn 117 triệu cổ phiếu, chiếm 8% tại MWG như hiện tại - trong đó, Vietnam Enterprise Investment Limited mua 152.000 cổ phiếu; Wareham Group Limited mua 50.000 cổ phiếu và Samsung Vietnam Securities Master Investment Trust lại bán 20.000 cổ phiếu.

Được biết, MWG đã công bố kết quả kinh doanh quý 2 với doanh thu thuần đạt 34.134 tỷ đồng, tăng gần 16% so với cùng kỳ năm ngoái (29.464 tỷ); Lợi nhuận gộp tương ứng đạt 7.308 tỷ đồng, tăng hơn 34% so với cùng kỳ năm ngoái (5.441 tỷ).

Trong kỳ, chi phí quản lý doanh nghiệp của MWG tăng đột biến gấp 3,5 lần lên hơn 813 tỷ đồng, chủ yếu do chi phí nhân viên. Sau khi trừ các chi phí đồng thời ghi nhận lỗ từ liên doanh, liên kết và lỗ khác, MWG lãi sau thuế 1.172 tỷ đồng trong quý 2, gấp 69 lần (tương đương tăng 6.800%) so với cùng kỳ 2023 (17,4 tỷ đồng).

Luỹ kế 6 tháng đầu năm, MWG ghi nhận doanh thu thuần đạt 65.621 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 2.075 tỷ đồng, lần lượt tăng 16% và 5.200% so với nửa đầu năm 2023. Với kết quả đạt được, MWG đã hoàn thành 52,5% kế hoạch doanh thu và 86,5% mục tiêu lợi nhuận cả năm đề ra.

Theo MWG, riêng tháng 6, tổng doanh thu TGDĐ (bao gồm Topzone) và ĐMX là 7,3 ngàn tỷ đồng, tăng 10% so với tháng 6/2023 và giảm nhẹ so với tháng liền trước do qua mùa cao điểm máy lạnh. Hầu hết các ngành hàng đang ghi nhận kết quả kinh doanh khả quan, đặc biệt điện thoại tiếp tục tăng trưởng doanh số so với tháng liền trước và tivi tăng trưởng 2 chữ số so với tháng 5 nhờ hưởng lợi từ sự kiện bóng đá.

Cũng trong quý 2, công ty đẩy mạnh rà soát và đóng các cửa hàng không đạt hiệu quả. Mặc dù số điểm bán giảm so với cuối tháng 3 nhưng tổng doanh thu của các chuỗi này tăng hơn 7% so với quý 1/2024. Kết quả của quá trình tái cấu trúc là tăng trưởng doanh thu cửa hàng cũ tích cực, chi phí vận hành tối ưu hơn, dẫn đến gia tăng đáng kể lợi nhuận hoạt động.

Ngoài ra, doanh thu online 6 tháng đầu năm đạt 5,8 ngàn tỷ đồng, chiếm 13% tổng doanh thu của cả hai chuỗi.

Về chuỗi BHX: Lũy kế 6 tháng đầu năm, chuỗi Bách Hóa Xanh đạt 19,4 ngàn tỷ đồng doanh thu, tăng 42% so với cùng kỳ. Đáng chú ý, riêng tháng 6, doanh thu BHX đạt 3,6 ngàn tỷ đồng, tăng gần 5% so với tháng liền trước, 2 ngành hàng tươi sống và FMCGs tiếp tục là động lực tăng trưởng chính cho chuỗi. Doanh thu bình quân trong tháng 6 đạt 2,1 tỷ đồng/cửa hàng.

Tính đến cuối quý 2, số cửa hàng TGDĐ (bao gồm Topzone) đạt 1.046 cửa hàng, giảm tới 24 cửa hàng so với đầu tháng; Điện Máy Xanh cũng ghi nhận thu hẹp về quy mô khi số lượng cửa hàng giảm 87 so với đầu tháng, xuống con số 2.093. Tương tự, số lượng nhà thuốc An Khang cũng giảm mạnh 45 cửa hàng trong tháng 6 xuống còn số 481 cửa hàng; AVA Kids có 64 cửa hàng; Erablue (liên doanh tại Indonesia) có 61 cửa hàng.

Xem thêm tại vneconomy.vn