Chính phủ Việt Nam đã công bố quyết định cắt giảm thuế nhập khẩu đối với một số mặt hàng từ Mỹ, bao gồm ô tô, ethanol và khí tự nhiên hóa lỏng (LNG), với thời điểm thực thi từ 31/3/2025. Động thái này được xem là một phần trong chiến lược nhằm thúc đẩy nhập khẩu từ Mỹ, qua đó giúp giảm thặng dư thương mại giữa hai nước, đồng thời tránh nguy cơ Việt Nam bị áp thuế mới từ Chính phủ Mỹ, dự kiến sẽ được công bố vào ngày 2/4/2025.
Việt Nam hiện nằm trong nhóm các quốc gia có thặng dư thương mại lớn với Mỹ, một yếu tố khiến nước này có khả năng trở thành đối tượng chịu thuế đối ứng theo chính sách "Nước Mỹ trên hết". Trước đó, Mỹ đã áp thuế nhập khẩu cao hơn đối với nhiều đối tác thương mại lớn như Canada, Trung Quốc và Mexico, đặc biệt nhắm vào các ngành ô tô, nhôm và thép.
Chia sẻ về những tác động lên các nhóm ngành nếu Mỹ thực sự áp thuế lên hàng hóa từ Việt Nam, ông Võ Nguyễn Vũ Toàn, chuyên gia từ Công ty CP Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho rằng, tác động có thể sẽ không đồng đều giữa các ngành. Những mặt hàng như máy móc và hàng điện tử hiện có tỷ trọng xuất khẩu sang Mỹ rất cao trong tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Tuy nhiên, mức chênh lệch thuế quan giữa hai nước đối với các nhóm ngành này lại tương đối thấp, giúp giảm thiểu phần nào rủi ro tác động trực tiếp.
![]() |
Ngược lại, một số ngành như da giày, dệt may, thực phẩm, hóa chất lại có mức chênh lệch thuế quan cao hơn. Dù vậy, do tỷ trọng đóng góp của những nhóm ngành này vào tổng kim ngạch xuất khẩu sang Mỹ còn hạn chế, tác động tiêu cực từ các chính sách thuế mới có thể không quá lớn ngay từ đầu.
Theo chuyên gia từ VDSC, những ngành có mức chênh lệch thuế quan cao thường chịu ảnh hưởng rõ rệt hơn từ chính sách của Mỹ. Tuy nhiên, tác động này không diễn ra ngay lập tức mà cần thời gian để phản ánh đầy đủ vào nền kinh tế. Một nghiên cứu về tác động tăng trưởng cho thấy, nếu Mỹ áp thuế 10% lên toàn bộ hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam, GDP của Việt Nam có thể giảm khoảng 1 điểm phần trăm. |
Cũng theo chuyên gia từ VDSC, xét trên phạm vi rộng hơn, những ngành có rủi ro cao chỉ chiếm một tỷ trọng nhỏ trong tổng kim ngạch xuất khẩu. Vì thế, ảnh hưởng tức thời lên nền kinh tế vĩ mô vẫn còn tương đối giới hạn. Điều đáng lo ngại hơn nằm ở tâm lý thị trường, sự dịch chuyển của dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và khả năng tái cấu trúc chuỗi cung ứng.
Trong bối cảnh Việt Nam đang nổi lên như một điểm đến thay thế Trung Quốc trong chuỗi cung ứng toàn cầu, việc bị áp thuế toàn diện có thể làm suy giảm lợi thế cạnh tranh và ảnh hưởng đến vị thế chiến lược của Việt Nam trong khu vực.
![]() |
Dưới góc nhìn của ông Võ Nguyễn Vũ Toàn - chuyên gia từ VDSC, chính sách thương mại của Tổng thống Donald Trump có thể tạo ra áp lực lên hoạt động xuất khẩu của Việt Nam, nhưng không nhất thiết phải xem đây là một yếu tố tiêu cực hoàn toàn. Trong một số trường hợp, Việt Nam hoàn toàn có thể tận dụng cơ hội này để tái cơ cấu nền kinh tế và thúc đẩy sự phát triển bền vững.
Nhóm ngành khu công nghiệp được kỳ vọng sẽ tiếp tục hưởng lợi trong bối cảnh căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc gia tăng. Việc các doanh nghiệp tìm kiếm điểm đến thay thế cho chuỗi cung ứng có thể giúp Việt Nam thu hút thêm dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), đặc biệt trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp và công nghệ phụ trợ. Với lợi thế về vị trí địa lý, hạ tầng ngày càng hoàn thiện và các chính sách thu hút đầu tư hấp dẫn, Việt Nam đang nổi lên như một trong những lựa chọn hàng đầu của các tập đoàn quốc tế.
Bên cạnh đó, chuyên gia từ VDSC cũng chỉ ra rằng, Việt Nam đang bước vào một giai đoạn tăng trưởng mang tính nền tảng, với những động lực nội tại ngày càng phát huy mạnh mẽ. Đầu tư công là một trong những lĩnh vực nổi bật, với chủ trương đẩy nhanh giải ngân và hoàn thiện hệ thống hạ tầng kết nối, đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ tăng trưởng trung và dài hạn. Nhờ đó, các doanh nghiệp trong lĩnh vực xây dựng, vật liệu và logistics có thể hưởng lợi từ sự phát triển này.
Ngoài ra, ngành năng lượng, đặc biệt là điện - cũng đang trở thành tâm điểm. Nhu cầu điện tại Việt Nam tiếp tục tăng nhanh nhờ quá trình công nghiệp hóa và đô thị hóa mạnh mẽ. Đồng thời, định hướng phát triển năng lượng sạch và năng lượng tái tạo ngày càng rõ nét, tạo ra dư địa tăng trưởng bền vững cho các doanh nghiệp trong ngành. Chính phủ cũng đang đẩy mạnh các chính sách hỗ trợ, mở ra nhiều cơ hội phát triển cho lĩnh vực này trong tương lai./.