Vượt 26.000/USD, tỷ giá tăng nóng và đối mặt nhiều áp lực
Tỷ giá lại tăng nóng
Trong tuần trước, lần đầu tiên Ngân hàng Nhà nước (NHNN) nâng giá bán USD tham khảo lên mức trên 26.000 đồng rồi liên tục tăng dần qua các phiên. Giá bán USD tham khảo ngày 28/3 là 26.035 đồng/USD. So với đầu năm, giá bán tham khảo USD đã tăng gần 560 đồng, tương đương mức tăng 2%.
Ngày 28/3, tỷ giá trung tâm được NHNN niêm yết ở mức 24.843 đồng/USD, duy trì ở mốc cao. Kể từ đầu tháng 3 tới nay, tỷ giá trung tâm đã tăng khoảng 100 đồng/USD.
Theo xu hướng tăng giá từ phía cơ quan điều hành, các ngân hàng thương mại cũng điều chỉnh tăng mạnh giá đồng bạc xanh lên mức kỷ lục, có thời điểm vượt 25.820 đồng/USD ở chiều bán.
Giá USD tại các ngân hàng duy trì mốc cao trong suốt tháng 3 này dù chỉ số đồng USD trên thị trường quốc tế hạ nhiệt và biến động trong biên độ hẹp quanh 103-104 điểm - vùng thấp nhất kể từ tháng 11 năm ngoái.

So với đầu năm, các ngân hàng đã tăng giá USD hơn 200 đồng. Nhưng mức tăng này vẫn thấp hơn so với mức tăng 500 đồng/USD của tỷ giá trung tâm trong 3 tháng qua, tương đương tăng hơn 2%.
Trên thị trường tự do, giá USD cũng neo sát vùng 26.000 đồng/USD. Ngày 28/3, USD được giao dịch quanh vùng giá 25.860-25.960 đồng (mua - bán).
Giá USD được dự báo có thể chạm mốc 26.000 đồng/USD vào giữa năm nhưng sẽ hạ nhiệt vào cuối năm nay.
Dự báo của UOB về tỷ giá USD/VND là 25.800 đồng trong quý II, 26.000 đồng trong quý III và khoảng 25.800 vào quý IV năm nay.
Ngân hàng Standard Chartered cũng mới điều chỉnh dự báo tỷ giá USD/VND, nâng mức dự báo giữa năm lên 26.000 đồng (từ mức trước đó là 25.450 đồng) và dự báo cuối năm 2025 lên 25.700 đồng (từ 25.000 đồng).
Trong khi đó, nhóm nghiên cứu toàn cầu HSBC duy trì dự báo tỷ giá USD/VND đạt mức 25.600 đồng và 25.800 đồng lần lượt tại vào cuối quý I và cuối năm nay.
Nhiều áp lực lên tỷ giá
Theo giới phân tích, áp lực với tỷ giá vẫn rất lớn do nhiều nguyên nhân khác nhau.
Áp lực tỷ giá được giới chuyên gia dự báo vẫn hiện hữu trong năm nay khi đồng USD ở mức cao trong bối cảnh Tổng thống Mỹ Donald Trump liên tục đưa ra những chính sách thuế quan làm tăng rủi ro lạm phát, khiến Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) thận trọng hơn trong việc giảm lãi suất.
Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) đánh giá, sự tăng giá của đồng USD trong năm 2025 xuất phát từ nhiều yếu tố như chính sách tăng thuế nhập khẩu của Tổng thống Donald Trump, ảnh hưởng đến thương mại toàn cầu và tạo áp lực lên tỷ giá. Thêm vào đó, sự phục hồi chậm chạp của kinh tế thế giới cùng với lạm phát gia tăng tại Mỹ, khiến Fed duy trì lãi suất cao, làm tăng giá trị đồng USD so với các đồng tiền khác.
Trong khi đó, cán cân thương mại và dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) dù duy trì thặng dư thương mại nhưng sự chững lại trong dòng vốn FDI và kiều hối có thể làm giảm nguồn cung ngoại tệ, tạo áp lực lên tỷ giá.
Theo chuyên gia tài chính Nguyễn Hữu Huân, giá vàng tăng mạnh cũng gây áp lực lên thị trường ngoại hối.

Dù thị trường vàng đang được NHNN giám sát, quản lý chặt chẽ, tuy nhiên khi giá vàng tăng lên sẽ ảnh hưởng đến nhu cầu mua vàng trong nước, các nhà kinh doanh vàng sẽ dùng ngoại tệ để mua vàng. Chưa kể, thị trường còn nhóm đối tượng buôn lậu vàng, dẫn đến ảnh hưởng nhất định đến tỷ giá.
Mặt khác, tỷ giá cũng chịu áp lực từ nhu cầu ngoại tệ trong nước gia tăng khi các doanh nghiệp đẩy mạnh nhập khẩu nguyên liệu sản xuất. Theo dữ liệu của Cục Thống kê, cán cân thương mại hàng hóa trong tháng 2, nhập siêu đạt 1,55 tỷ USD, ghi nhận mức thâm hụt lần đầu tiên kể từ tháng 5/2024.
Thêm nữa, Kho bạc Nhà nước thời gian qua cũng có các đợt chào mua USD từ các ngân hàng thương mại cũng phần nào khiến nguồn cung ngoại tệ càng bị thắt chặt và gây thêm áp lực lên tỷ giá.
Nhận định về xu hướng tỷ giá trong thời gian tới, nhiều nhà phân tích cho rằng thách thức vẫn còn khi cuộc chiến thương mại được dự báo sẽ là yếu tố hỗ trợ cho đồng USD. Những rủi ro liên quan đến chính sách thuế quan của ông Trump sẽ tiếp tục củng cố vị thế của đồng USD. Vì vậy, rủi ro tỷ giá vẫn sẽ cần được chú ý trong thời gian tới.
Tuy vậy, vẫn có những yếu tố tích cực hỗ trợ cho đồng Việt Nam như thặng dư thương mại tích cực ở mức 3,03 tỷ USD trong tháng 1, lượng vốn FDI giải ngân dồi dào và du lịch phục hồi mạnh mẽ, tăng 36,9% so với cùng kỳ trong tháng 1.
Cùng với đó, sự ổn định của môi trường vĩ mô nhiều khả năng sẽ được duy trì và cải thiện hơn nữa sẽ là cơ sở để ổn định tỷ giá trong năm 2025.
Dù áp lực tỷ giá vẫn hiện hữu và cần theo dõi sát nhưng giới phân tích kỳ vọng đà tăng của tỷ giá năm 2025 sẽ không đáng kể, dao động dưới 3%.
Xem thêm tại vietnamfinance.vn