Thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn rất hấp dẫn về mặt định giáNâng hạng thị trường chứng khoán: Mở rộng cơ hội phát triển và đa dạng sản phẩm cho nhà đầu tư

Trước thềm năm mới 2025, thị trường chứng khoán đang chứng kiến những biến động sôi động cùng sự trở lại mua ròng của khối ngoại. Năm 2024 sắp khép lại, mở ra kỳ vọng tích cực cho năm mới, nhờ vào những tín hiệu lạc quan từ tăng trưởng kinh tế vĩ mô và GDP được Quốc hội và Chính phủ định hướng trong thời gian qua.

VN-Index có thể vượt mốc 1.300 điểm

Theo chia sẻ của ông Nguyễn Phú Quí - Chuyên gia từ Công ty CP Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) về bức tranh tổng quan của thị trường, từ giữa tháng 11 đến nay, thị trường chứng khoán, đặc biệt là chỉ số VN-Index, đã ghi nhận mức tăng trưởng ấn tượng, từ ngưỡng 1.200 điểm lên tiệm cận vùng 1.290 - 1.300 điểm.

Đây là một diễn biến đáng chú ý, nhất là khi nhìn lại quá khứ, vùng 1.300 điểm đã nhiều lần trở thành rào cản khó vượt qua. Chính điều này khiến tâm lý nhà đầu tư, đặc biệt là nhóm nhỏ lẻ, trở nên thận trọng hơn khi thị trường tiến sát vùng kháng cự mạnh này, nhất là trong bối cảnh cuối năm khi giao dịch thường có xu hướng chững lại.

Những nhóm ngành nào được kỳ vọng là đầu tàu dẫn dắt thị trường trong năm 2025?
Định giá VN-Index trong thời gian gần đây. Nguồn: FiinTrade.

Trong ngắn hạn, khả năng cao thị trường sẽ tiếp tục hồi phục, tiến sát vùng 1.300 điểm. Tuy nhiên, để bứt phá lên các ngưỡng cao hơn, thị trường cần thời gian tích lũy và cân bằng, đồng thời chờ lực cầu mạnh mẽ hơn xuất hiện. Với tình hình này, chiến lược giao dịch cần đặt trọng tâm vào sự thận trọng.

Những nhà đầu tư đang nắm giữ vị thế tốt có thể tiếp tục giữ, nhưng nên xem xét chốt lời một phần khi thị trường chạm ngưỡng kháng cự và chờ đợi cơ hội mới khi lực cầu rõ ràng hơn. Đối với kế hoạch giải ngân, nên cân nhắc thực hiện ở các nhịp điều chỉnh, nhưng chỉ giải ngân một phần, bởi dư địa tăng trưởng ở vùng này không còn nhiều, đồng thời rủi ro cũng gia tăng.

Trong trung và dài hạn, thị trường được kỳ vọng sẽ vượt mốc 1.300 điểm, tiến đến các ngưỡng cao hơn nhờ những yếu tố hỗ trợ từ kinh tế vĩ mô. Với các dự báo tích cực về tăng trưởng GDP cũng như các chính sách định hướng của Chính phủ và Quốc hội, năm 2025 hứa hẹn sẽ mang lại nhiều triển vọng bứt phá cho thị trường chứng khoán.

Thêm vào đó, định giá P/E của các cổ phiếu thuộc nhóm vốn hóa lớn, vừa, và nhỏ hiện vẫn thấp hơn trung bình toàn thị trường, càng củng cố kỳ vọng về tiềm năng tăng trưởng mạnh mẽ trong năm tới.

Tiềm năng tăng trưởng của ngành ngân hàng

Về triển vọng nhóm ngành được coi là đầu tàu cho năm 2025, cũng theo ông Qúi, ngành ngân hàng đang nổi lên như một lựa chọn đầu tư hấp dẫn nhờ tính ổn định và tiềm năng tăng trưởng trong giai đoạn tới. Với dự báo tăng trưởng tín dụng đạt khoảng 15% vào năm 2025, tương đương mục tiêu năm 2024 và vượt xa mức tăng trưởng GDP dự kiến khoảng 10%, ngành này hứa hẹn nhiều cơ hội.

Những nhóm ngành nào được kỳ vọng là đầu tàu dẫn dắt thị trường trong năm 2025?
Nguồn: VNDirect.

Lợi nhuận của các ngân hàng cũng được kỳ vọng tiếp tục tăng nhờ mặt bằng lãi suất thuận lợi, sự hồi phục của tín dụng bán lẻ, cùng với sự dẫn dắt từ các phân khúc doanh nghiệp. Chất lượng tài sản của ngành cũng được cải thiện đáng kể khi nợ xấu dự kiến giảm, tỷ lệ nợ xấu kỳ vọng đạt 1,8% vào năm 2025 nhờ chính sách hỗ trợ từ Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước.

Các chuyên gia chỉ ra rằng, lãi suất cho vay tiếp tục duy trì ở mức thấp, dao động từ 6,7% đến 9,1%, mức thấp nhất trong 20 năm qua.

Điều này tạo điều kiện kích thích nhu cầu vay vốn, đặc biệt trong các lĩnh vực trọng điểm như bất động sản, xây dựng và sản xuất, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Bên cạnh đó, thị trường cũng ghi nhận tiềm năng phục hồi của biên lãi ròng (NIM) nhờ các chính sách hỗ trợ và sự cải thiện của thị trường bất động sản.

Định giá P/B của ngành ngân hàng hiện ở mức khoảng 1,5 lần, thấp hơn trung bình 5 năm qua, cho thấy thị trường vẫn đang chiết khấu rủi ro từ chất lượng tài sản bất động sản dù lợi nhuận ngành đang phục hồi.

Còn dưới góc nhìn của ông Nguyễn Bích Ly - Giám đốc Phòng Khách hàng cá nhân tại VDSC, ngành và nhóm cổ phiếu có liên quan đến đầu tư công được kỳ vọng khởi sắc trong năm 2025.

Theo đó, năm 2024 là một năm quan trọng trong việc hoàn thành mục tiêu kế hoạch 5 năm (2021-2025) của Chính phủ. Do đó ngay từ đầu năm, Chính phủ đã chỉ đạo sát sao các địa phương nhằm đẩy nhanh tiến độ giải ngân đầu tư công, đặc biệt đối với những công trình trọng điểm như dự án Đường dây 500 kV mạch ba, sân bay Long Thành, và cao tốc Bắc Nam.

Tuy nhiên, đến hết tháng 11/2024, theo báo cáo mới nhất của Bộ Tài chính, tiến độ giải ngân đầu tư công đạt khoảng 54,8% so với kế hoạch, trong đó vốn đầu tư công từ Trung ương đạt tỉ lệ cao hơn cùng kỳ năm 2023. Một số địa phương vẫn còn gặp khó khăn trong việc giải ngân, và năm 2025 sẽ là năm cuối của kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm. Khi Luật Đầu tư công (sửa đổi) có hiệu lực từ ngày 1/1/2025, đây sẽ là yếu tố quan trọng giúp thúc đẩy giải ngân đầu tư công.

Với kết quả kinh tế ấn tượng trong năm 2024, kỳ vọng Việt Nam sẽ tiếp tục duy trì đà tăng trưởng bền vững trong năm 2025, đặc biệt là thông qua việc giải ngân đầu tư công và các chính sách tài khóa, tiền tệ phù hợp.

Ngoài ngân hàng và đầu tư công, có thể thấy Chính phủ đặt mục tiêu tăng trưởng GDP 8% trong năm 2025, với hy vọng đạt tăng trưởng hai con số. Các tổ chức kinh tế quốc tế như ADB cũng nhận định Việt Nam sẽ duy trì được tăng trưởng nhờ vào chính sách hỗ trợ phát triển nội địa, kích thích tiêu dùng, và đặc biệt là các dự án đầu tư công.

Theo chuyên gia từ VDSC, việc dòng vốn ngoại có quay lại hay không vẫn là một yếu tố khó đoán. Câu chuyện bán ròng của khối ngoại là vấn đề khó dự đoán, nhất là khi xuất phát từ lãi suất giữa Việt Nam đồng và đô la Mỹ, cùng nền kinh tế Mỹ đang có xu hướng mạnh lên, tạo ra nhiều cơ hội đầu tư.

Các nước đang phát triển, không riêng gì Việt Nam, cũng đang chứng kiến sự rút vốn tương tự. Vì vậy, nhà đầu tư cần theo dõi kỹ các tín hiệu để đánh giá khả năng đảo ngược dòng vốn ngoại trong năm 2025.