Ninh Thuận dự kiến kêu gọi đầu tư 13 cụm công nghiệp

Mới có 1 cụm công nghiệp hoạt động

Tính đến cuối tháng 2/2024, Ninh Thuận có 6 cụm công nghiệp (CCN) đã thành lập với tổng diện tích 264,76 ha. Song chỉ có CCN Tháp Chàm (23,48 ha) đã hoàn thành đầu tư hạ tầng kỹ thuật và đi vào hoạt động, với tổng diện tích đất công nghiệp, dịch vụ được sử dụng là 18,27 ha. CCN này đã tiếp nhận 13 dự án đầu tư thứ cấp, trong đó 10 dự án đã đi vào hoạt động, đạt tỷ lệ lấp đầy 100%.

Ngoài CCN Tháp Chàm (chủ đầu tư là Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Ninh Thuận), Ninh Thuận còn có một CCN do Nhà nước làm chủ đầu tư khác là CCN Quảng Sơn, với diện tích 50,28 ha. Chủ đầu tư dự án là Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp tỉnh Ninh Thuận. Hiện chủ đầu tư đã cơ bản hoàn thành công trình hạ tầng kỹ thuật, đang triển khai các bước tiếp theo nhằm sớm hoàn thành dự án, đưa vào khai thác sử dụng đúng tiến độ thực hiện dự án (được điều chỉnh) là trong năm 2024.

Các CCN còn lại đều do các doanh nghiệp làm chủ đầu tư vẫn đang trong quá trình giải phóng mặt bằng, thực hiện các thủ tục pháp lý và chưa thu hút được dự án thứ cấp. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, các dự án này đều đang gặp những khó khăn khác nhau.

Cụ thể, CCN Phước Tiến được thành lập ngày 17/3/2021, diện tích 40 ha, chủ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật là Công ty TNHH Trường Hỷ Toàn Cầu. “Sở Công thương nhận thấy Công ty TNHH Trường Hỷ Toàn Cầu không quyết tâm tổ chức thực hiện dự án, tiến độ thực hiện dự án tiếp tục chậm hơn 8 tháng so với tiến độ được UBND tỉnh chấp thuận điều chỉnh”, đại diện Sở Công thương Ninh Thuận cho hay.

Đối với CCN Hiếu Thiện (rộng 50 ha, thành lập ngày 14/1/2022), chủ đầu tư là Công ty TNHH Đầu tư nhà An Khánh chậm chuyển tiền tạm ứng kinh phí bồi thường, hỗ trợ để chi trả cho các hộ gia đình, cá nhân phục vụ giải phóng mặt bằng thực hiện dự án. Khi được Sở Công thương đốc thúc, Công ty mới có cam kết thực hiện việc chuyển tiền tạm ứng kinh phí bồi thường, hỗ trợ cho 20 hộ gia đình, cá nhân đã được phê duyệt phương án, chậm nhất vào ngày 24/6/2024. Đối với 22 trường hợp còn lại chưa được phê duyệt phương án, kinh phí bồi thường, hỗ trợ, Công ty hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng chậm nhất trong quý III/2024.

Hai CCN mới được thành lập ngày 23/8/2023 là Phước Minh 1 và 2 có cùng chủ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật là Công ty cổ phần Đầu tư Xây dựng Syrena Cà Ná, lần lượt có diện tích 75 ha và 26 ha. Đối với CCN Phước Minh 1, chủ đầu tư hoàn thành các thủ tục pháp lý, khởi công dự án trong tháng 12/2024. Đối với CCN Phước Minh 2, chủ đầu tư hoàn thành công tác bồi thường, hỗ trợ khi Nhà nước thu hồi đất để giải phóng mặt bằng thực hiện dự án trong tháng 11/2024.

Kêu gọi đầu tư 13 dự án

Giai đoạn 2021 - 2030, Ninh Thuận dự kiến kêu gọi đầu tư 13 CCN với tổng diện tích 480,28 ha. Đó là các CCN Phước Đại (35 ha); Phước Tiến 1 (30 ha); Tri Hải (30 ha); Ngành nghề nông thôn Phước Dân (20,28 ha), Lợi Hải 1 (15,58 ha); Lợi Hải 2 (33,42 ha); Phước Nam 1, 2, 3, 4, 5 (đều 50 ha); Chế biến thủy sản (17 ha); Phước Minh 3 (49 ha).

Ông Đạo Văn Rớt, Phó giám đốc Sở Công thương Ninh Thuận cho hay, các CCN Phước Nam 1, Phước Nam 2, Phước Nam 4 và Phước Nam 5 hiện đều có nhà đầu tư quan tâm. Trong đó, Tập đoàn Hà Đô đã có công văn gửi Sở Công thương đề xuất chấp thuận chủ trương cho phép nghiên cứu, khảo sát, lập quy hoạch chi tiết và thực hiện các thủ tục pháp lý đăng ký làm chủ đầu tư CCN Phước Nam 1 và Phước Nam 2.

Tương tự, CCN Phước Minh 3 cũng có nhà đầu tư quan tâm. Ngày 25/3/2024, Sở Công thương đã phát hành thông báo về việc nộp hồ sơ đăng ký chủ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật CCN này với vốn đầu tư 472,2 tỷ đồng, tiến độ thực hiện trong vòng 36 tháng.

Với các CCN Tri Hải, Lợi Hải 1, Lợi Hải 2, Chế biến thủy sản, Sở Công thương khẳng định, đảm bảo điều kiện xúc tiến thủ tục mời nộp hồ sơ báo cáo thành lập CCN, nhưng hiện chưa có nhà đầu tư quan tâm. CCN Phước Tiến 1 và CCN Ngành nghề nông thôn Phước Dân chưa có trong quy hoạch sử dụng đất đến năm 2030 của các địa phương.

Xem thêm tại baodautu.vn