Nỗ lực sẽ được ghi nhận, Việt Nam đầy cơ hội để hoàn thành mục tiêu nâng hạng |
PV:Thưa bà, sau thời gian nỗ lực chuẩn bị, Bộ Tài chính đã chính thức ban hành Thông tư sửa đổi 4 thông tư để đáp ứng các tiêu chí về nâng hạng. Bà đánh giá thế nào về những quy định sửa đổi, bổ sung trong Thông tư mới?
Bà Lê Thị Lệ Hằng: Ngày 18/9/2024, Thông tư 68/2024/TT-BTC đã chính thức được ban hành và sẽ có hiệu lực từ ngày 2/11 tới. Trên thực tế, dự thảo Thông tư mới đã được cơ quan quản lý, các tổ chức trong, ngoài nước, các chuyên gia và các thành viên thị trường tham gia xây dựng từ hơn một năm nay, với nhiều vòng xin ý kiến và hoàn thiện.
Thông tư 68 cơ bản đã đáp ứng được yêu cầu của các thành viên thị trường, các nhà đầu tư (NĐT) nước ngoài là tổ chức (NĐTNNTC) và việc triển khai thành công sẽ “gỡ vướng” được tiêu chí quan trọng để FTSE Russell xem xét nâng hạng thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam từ cận biên lên mới nổi.
Về những quy định trong Thông tư, việc xử lý vấn đề ký quỹ trước giao dịch (prefunding) được đưa ra thông qua giải pháp cho phép các công ty chứng khoán (CTCK) thực hiện hỗ trợ thanh toán đối với các NĐTNNTC
(Non-Prefunding Solution - NPS). Điều này sẽ giải quyết yêu cầu nâng hạng từ FTSE Russell, bao gồm việc chuyển giao đối ứng thanh toán (chuyển giao cổ phiếu tại thời điểm thanh toán tiền) và việc xử lý khi gặp các giao dịch thất bại (failed trade).
Đối với quy định lộ trình công bố thông tin bằng tiếng Anh, mục tiêu từ ngày 1/1/2028, tất cả các công ty đại chúng và niêm yết sẽ công bố thông tin định kỳ, bất thường bằng tiếng Anh. Điều này sẽ giúp tăng khả năng tiếp cận thông tin của các NĐTNN, tăng tính minh bạch của thị trường cũng như sẽ giải quyết vướng mắc từ phía MSCI trong tiêu chí về quy định thị trường và luồng thông tin.
PV: Bên cạnh việc sửa đổi quy định pháp lý, bà đánh giá thế nào về quyết tâm, nỗ lực và hiệu quả bước đầu của các cơ quan quản lý trong vấn đề nâng hạng TTCK Việt Nam từ cận biên lên mới nổi?
Bà Lê Thị Lệ Hằng: Trong chiến lược tổng thể về phát triển TTCK Việt Nam đến năm 2030, mục tiêu đến năm 2025 của Chính phủ là đưa Việt Nam nâng hạng TTCK từ thị trường cận biên lên mới nổi.
Chúng tôi nhận thấy, các cơ quan quản lý đã rất nỗ lực và cầu thị trong việc lắng nghe ý kiến các tổ chức, cá nhân liên quan và thành viên thị trường để đưa ra một giải pháp đáp ứng nhu cầu của nhà đầu tư. Trong hơn 1 năm qua, Bộ Tài chính và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN), dưới sự hỗ trợ của Ngân hàng Thế giới (WB) và Hiệp hội Thị trường tài chính và chứng khoán châu Á (ASIFMA) đã tích cực làm việc với các thành viên của thị trường và nhà đầu tư. Chúng tôi tin rằng, đây là yếu tố quan trọng để các thành viên thị trường cùng chung tay góp sức giúp cho thị trường vốn Việt Nam ngày một phát triển hơn.
PV:Mặc dù quyết định nâng hạng hay không điểm chốt chặn cuối cùng vẫn nằm ở các tổ chức xếp hạng, trước mắt là FTSE, tuy nhiên, với việc chuẩn bị và hoàn thiện các tiêu chí của Việt Nam, bà kỳ vọng thế nào về khả năng và lộ trình TTCK Việt Nam sẽ được FTSE nâng hạng?
Bà Lê Thị Lệ Hằng: Hiện tại, đối với các tiêu chí mà FTSE Russell đề ra, Việt Nam đã đáp ứng phần lớn các tiêu chí về định lượng và định tính, và hiện chỉ còn vướng mức liên quan đến việc chuyển giao đối ứng thanh toán (chuyển giao cổ phiếu tại thời điểm thanh toán tiền) và việc xử lý khi gặp các giao dịch thất bại (failed trade).
Những quy định trong Thông tư 68 sẽ giải quyết được vấn đề trên. Chúng tôi kỳ vọng Thông tư sớm được triển khai là cơ sở để FTSE Russell đánh giá tích cực những nỗ lực của Việt Nam, và từ đó có thể hoàn thành mục tiêu mà Chính phủ đặt ra.
Chúng tôi cũng muốn lưu ý rằng, việc FTSE nâng hạng cho TTCK Việt Nam là kết quả cho một quá trình làm việc của các bên tham gia thị trường, dưới sự điều phối của Bộ Tài chính và UBCKNN cho một mục tiêu duy nhất là giúp TTCK ngày một tốt hơn. Nếu chúng ta tiếp tục cải thiện và nâng cấp chất lượng thị trường, việc FTSE hay MSCI nâng hạng cho Việt Nam là hệ quả tất yếu.
PV:Sau Thông tư 68 được ban hành, theo bà, các các đơn vị liên quan, đặc biệt là các CTCK sẽ cần làm gì để triển khai trên thực tế?
Bà Lê Thị Lệ Hằng: Việc triển khai thực tế giải pháp cho phép các CTCK thực hiện hỗ trợ thanh toán đối với các nhà đầu tư tổ chức nước ngoài sẽ cần sự đồng bộ về quy trình nghiệp vụ và thỏa thuận trách nhiệm giữa Tổng công ty Lưu ký và Bù trừ chứng khoán Việt Nam (VSDC), ngân hàng lưu ký và CTCK.
Đóng vai trò then chốt trong giải pháp NPS, CTCK đã từng bước xây dựng cơ chế quản trị rủi ro, quy trình và hệ thống vận hành giải pháp giao dịch và năng cao năng lực vốn. Bên cạnh đó, các CTCK trong nước sẽ phối hợp trực tiếp với các định chế tài chính lớn nước ngoài nhằm đơn giản hóa quy trình giao dịch cho khách hàng và phù hợp với thông lệ quốc tế.
Từ phía SSI, bên cạnh việc tăng cường kết nối với các định chế tài chính lớn, chúng tôi đã triển khai và hoàn thiện việc xây dựng quy trình và hệ thống vận hành, cơ chế quản trị rủi ro và đồng thời đang ở những bước cuối để hoàn tất kế hoạch tăng vốn trong năm nay.
Đối với quy trình nghiệp vụ với ngân hàng lưu ký và VDSC, chúng tôi cũng tích cực phối hợp để hoàn thiện quy trình.
Nhìn chung, từ phía các CTCK và SSI nói riêng, việc kiểm soát rủi ro và tính tuân thủ luôn được đặt lên hàng đầu và với thế mạnh về bảng cân đối tài sản lớn, chúng tôi luôn đảm bảo nguồn vốn dồi dào để có thể triển khai giải pháp NPS một cách an toàn và hiệu quả.
PV:Xin cảm ơn bà!
Nâng cấp không ngừng sản phẩm, dịch vụ và bảo đảm nguồn vốn Các CTCK và SSI nói riêng, việc kiểm soát rủi ro và tính tuân thủ luôn được đặt lên hàng đầu, không ngừng cải thiện hệ thống giao dịch và cung cấp sản phẩm, dịch vụ đồng bộ, nhằm cung cấp một sân chơi hiệu quả, an toàn cho các NĐT. Với thế mạnh về bảng cân đối tài sản lớn, chúng tôi luôn đảm bảo nguồn vốn dồi dào để có thể triển khai giải pháp NPS một cách an toàn và hiệu quả. Bà Lê Thị Lệ Hằng |