Nỗ lực tái cơ cấu, Novaland vẫn còn nợ hơn 57.000 tỷ đồng
Novaland vừa công bố BCTC hợp nhất đã kiểm toán với lợi nhuận sau thuế giảm gần 200 tỷ đồng so với báo cáo tự lập, xuống còn gần 486 tỷ đồng. Số liệu thay đổi đến từ biến động về lợi nhuận trong công ty liên kết và lợi nhuận gộp.
Cụ thể công ty kiểm toán PwC đã thực hiện bổ sung trích lập dự phòng giảm giá hàng tồn kho tại công ty liên kết trên quan điểm thận trọng. Khoản trích lập dự phòng này sẽ được hoàn nhập khi dự án tiếp tục triển khai.
Theo báo cáo tài chính kiểm toán cũng cung cấp bức tranh nợ vay của Novaland có chuyển biến tích cực, dù quy mô vẫn ở mức cao. Cụ thể, tại ngày 31/12/2023, tổng số nợ vay của doanh nghiệp trên 57.710 tỷ đồng, giảm khoảng 10.000 tỷ đồng so với cuối năm 2022.
Cấu trúc kỳ hạn nợ vay bao gồm gần 30.940 tỷ đồng nợ ngắn hạn/sẽ đến hạn trong năm nay và hơn 26.770 tỷ đồng nợ dài hạn.
Trong đó, Novaland còn dư nợ trái phiếu hơn 38.260 tỷ đồng, chiếm 2/3 tổng nợ vay tài chính và được phát hành/tư vấn bởi các tổ chức như Credit Suisse AG (Singapore), SSI, VPS, TVSI, PSI, MBS, TPS, TCBS...
Trong năm qua, Novaland đã trả được 5.900 tỷ đồng nợ vay trái phiếu và giãn nợ, gia hạn nợ thành công gia hạn hơn 11.100 tỷ đồng trên tổng số dư nợ trái phiếu. Số còn lại được doanh nghiệp cho biết đang tiến hành đàm phán với các trái chủ.
Về dư nợ tại các ngân hàng, theo thuyết minh, chủ các khoản vay nợ của của Novaland hiện nay gồm nhiều ngân hàng trong nước như MB, Vietinbank, VPBank, TPBank...
Ngoài ra, Novaland còn vay các tổ chức quốc tế như Credit Suisse, Seatown, Stark 1st, Credit Opportunities...quy mô hơn 10.000 tỷ đồng và phần lớn sẽ đến hạn trong vòng năm nay.
Việc giảm dư nợ đã giúp Novaland giảm chi phí lãi vay ghi nhận trên báo cáo kết quả kinh doanh từ 844 tỷ đồng năm 2022 xuống còn 327 tỷ đồng trong năm ngoái. Tuy nhiên trên báo cáo lưu chuyển tiền tệ, tiền lãi vay đã trả của Novaland trong năm ngoái là hơn 4.000 tỷ đồng, giảm so với hơn 6.170 tỷ đồng của năm 2022.
Dù quá trình tái cấu trúc các khoản vay của Novaland đạt được nhiều kết quả tích cực nhưng công ty kiểm toán vẫn lưu ý rằng khả năng hoạt động liên tục của tập đoàn phụ thuộc vào khả năng thanh toán hoặc tái cấu trúc các khoản nợ vay, trái phiếu sắp đáo hạn cũng như thực hiện các giải pháp khác tạo ra dòng tiền để tài trợ cho hoạt động kinh doanh.
Giải trình ý kiến của kiểm toán, Ban lãnh đạo Novaland cho biết đang tiếp tục nhiều giải pháp để tài trợ cho hoạt động kinh doanh. Theo đó, tập đoàn đang triển khai nhiều dự án trọng điểm; tái cấu trúc khoản nợ vay và trái phiếu; gia hạn nợ, hoán đổi nợ hoặc khoản phải trả với sản phẩm bất động sản.
Đồng thời làm việc với ngân hàng để huy động vốn tín dụng triển khai xây dựng dự án và nhiều các biện pháp tài chính khác như giải phóng tiền gửi tại ngân hàng, hỗ trợ từ cổ đông lớn.
Novaland cũng đang triển khai kế hoạch tăng vốn thông qua phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu tỷ lệ 10:6 và tối đã 200 triệu cổ phiếu cho tối đa 5 nhà đầu tư chuyên nghiệp. Tổng số vốn huy động tối đa khoảng 29.250 tỷ đồng nhằm đầu tư góp vốn cho công ty con, thanh toán/hoán đổi các nợ đến hạn....
Đến nay, công ty đã cơ bản hoàn thành tái cấu trúc các khoản nợ vay và nợ trái phiếu, tập trung xây dựng các dự án trọng điểm gồm bộ ba Aqua City, Novaworld Phan Thiết, Novaworld Hồ Tràm và các dự án tại trung tâm TP.HCM.
Xem thêm tại theleader.vn