Nợ xấu ngân hàng đang có mức tăng khá cao

Theo kết quả khảo sát xu hướng kinh doanh của các ngân hàng trong quý III/2024 do Vụ Dự báo, Thống kê (Ngân hàng Nhà nước) thực hiện, các tổ chức tín dụng cho biết tỷ lệ nợ xấu/dư nợ tín dụng tiếp tục có biểu hiện “tăng nhẹ” trong quý II/2024, chưa đạt được kỳ vọng “giảm nhẹ” như kết quả khảo sát tại thời điểm quý I/2024. Tuy nhiên, các tổ chức tín dụng kỳ vọng tỷ lệ nợ xấu có thể giảm trong quý III/2024.

Tại Họp báo thông tin kết quả hoạt động ngân hàng 6 tháng đầu năm 2024, ông Đào Minh Tú - Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết, nợ xấu đang có xu hướng tăng là một vấn đề cần lưu ý, mức độ tăng khá cao. Tỷ lệ nợ xấu nội bảng đã lên gần 5%. Nếu bao gồm nợ tiềm ẩn có khả năng thành nợ xấu, nợ xấu bán cho VAMC... thì con số tỷ lệ nợ xấu khoảng 6,9%

Phó Thống đốc Đào Minh Tú nhấn mạnh, nợ xấu là câu chuyện của nền kinh tế, chứ không phải do yếu kém của ngành Ngân hàng. Do vậy, để giải quyết nợ xấu, bản thân ngân hàng và khách hàng đều phải có trách nhiệm với khoản nợ. NHNN sẽ có biện pháp để nâng cao chất lượng tín dụng và đảm bảo kiểm soát nợ xấu ở mức an toàn.

"Chúng tôi muốn công khai, minh bạch vấn đề này để thấy được trách nhiệm chung của các bên trong việc xử lý nợ xấu; không chỉ ngân hàng mà cả khách hàng cũng phải tăng cường ý thức trả nợ vì tiền là tiền gửi của nhân dân”, ông Đào Minh Tú nói.

Phó Thống đốc cho biết trong 6 tháng đầu năm, NHNN đã quyết liệt thực hiện đề án tái cơ cấu ngành Ngân hàng. Đến nay, tất cả các ngân hàng thương mại, kể cả những ngân hàng hiện nay được cho là nhỏ, được giám sát tăng cường, ngân hàng đang kiểm soát đặc biệt cũng đã được phê duyệt đề án tái cơ cấu. Ba ngân hàng "0 đồng" đã hoàn thành định giá và đang trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt những khâu cuối cùng.

Mới đây, các chuyên gia phân tích đưa ra dự báo, tỷ lệ nợ xấu cuối năm 2024 sẽ tăng nhẹ so với năm 2023 do cuối năm dự kiến các ngân hàng sẽ đẩy mạnh xóa nợ xấu và nền kinh tế phục hồi mạnh hơn.

Công ty cổ phần Chứng khoán SSI cũng cho rằng, tỷ lệ nợ xấu có thể sẽ tăng trở lại trong nửa đầu năm 2024 khi tăng trưởng tín dụng chậm lại và các yếu tố vĩ mô chưa có dấu hiệu cải thiện rõ rệt.

Các chuyên gia SSI cho rằng, áp lực nợ xấu ngân hàng sẽ tiếp tục tăng trong năm 2024 khi đã bị trì hoãn ghi nhận, nền kinh tế phục hồi chậm. Hệ thống ngân hàng có thể mất khoảng 2-3 năm để trích lập đủ số dự phòng cần thiết, xóa các khoản nợ xấu.

SSI kỳ vọng, hệ thống ngân hàng có thể mất khoảng 2-3 năm để trích lập đủ số dự phòng cần thiết và xóa các khoản nợ xấu đó. Các ngân hàng có chất lượng tài sản tốt hơn như: ACB, Vietcombank, VietinBank, BIDV... hồi phục sớm hơn và ngược lại.

Trong khi đó, Công ty Chứng khoán ACBS cho rằng, nợ xấu, nợ nhóm 2 và nợ tái cơ cấu đều có xu hướng tăng lên trong quý I/2024. Cũng theo nhận định của ACBS, từ quý II/2023 tới nay, nợ tái cơ cấu đang có xu hướng tăng dần. Trong khi đó, tỷ lệ dự phòng bao phủ nợ xấu (LLR) tiếp tục giảm sau khi tăng nhẹ vào quý IV/2023 cho thấy áp lực trích lập dự phòng của hệ thống ngân hàng vẫn còn khá lớn trong giai đoạn tới.

ACBS nhận định, nợ xấu vẫn tiếp tục là cơn đau đầu và trở thành một trong những thách thức lớn nhất của ngành Ngân hàng trong năm 2024. Ngay trong quý đầu năm, số dư nợ xấu của phần lớn ngân hàng đều ghi nhận tăng và có tới 2/3 trong số ngân hàng niêm yết là tăng hai chữ số.

Xem thêm tại tapchitaichinh.vn