Nợ xấu tại PV GAS cao đột biến gần 6.500 tỷ đồng
Theo báo cáo tài chính quý II, Tổng Công ty Khí Việt Nam (PV GAS - Mã: GAS) bất ngờ ghi nhận số dư nợ xấu tăng vọt lên mức kỷ lục 6.474 tỷ đồng, cao số này mở rộng gần 6 lần so với quý trước đó, tương đương tăng thêm 5.358 tỷ đồng.
Đây là mức tăng đột biến tại doanh nghiệp khí đầu ngành này, bởi trước đó nợ xấu tại PV GAS chỉ duy trì quanh mức 1.000-1.400 tỷ đồng trong nhiều quý liên tiếp.
Nợ xấu đột biến từ các công ty điện lực
Con số nợ xấu này đủ gây lo ngại cho cổ đông khi chiếm hơn 10% doanh thu thuần hay 190% lợi nhuận của doanh nghiệp trong quý II. Giá trị này cũng tương đương với 28% khoản mục phải thu ngắn hạn trên báo cáo mới nhất.
Nợ xấu theo định nghĩa của doanh nghiệp là những khoản nợ quá hạn thanh toán nhưng khác hàng vẫn chưa thực hiện chi trả. Giá trị có thể thu hồi được xác định bằng giá gốc các khoản phải thu trừ đi giá trị đã trích lập dự phòng.
Trong danh sách nợ, đáng chú ý nhất là Tổng công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam (PV Power - Mã: POW) trở thành đơn vị phát sinh nợ xấu lớn nhất với giá trị gần 3.675 tỷ đồng; đồng nghĩa đã tăng thêm hơn 2.800 tỷ đồng trong quý vừa qua.
Giá trị nợ xấu của PV Power hiện chiếm gần 57% tổng giá trị nợ xấu đang phát sinh tại PV GAS. Hai doanh nghiệp đều là công ty con của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN).
Đơn vị có số dư lớn tiếp theo là Công ty TNHH Năng lượng Mê Kông với hơn 1.000 tỷ đồng. Đây là đơn vị vận hành Nhà máy điện BOT Phú Mỹ 2.2, một nhà máy điện khí chu trình hỗn hợp với công suất 715 MW tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.
Đây là dự án BOT được ký kết giữa MECO và Bộ Công Nghiệp (là tiền thân của Bộ Công Thương) và các bên khác. MECO là liên doanh giữa EDFI, Sumitomo Corporation và JERA.
Thời hạn hoạt động của nhà máy điện theo hợp đồng BOT sẽ hết hạn vào ngày 4/2/2025 và MECO sẽ chuyển giao nhà máy điện cho phía Việt Nam và sẽ thanh lý hợp đồng BOT cũng như các hợp đồng dự án khác vào khoảng ngày chuyển giao.
Hai đơn vị tiếp theo tiếp có phát sinh nợ xấu mới là Công ty Điện lực TNHH BOT Phú Mỹ 3 (chủ nhà máy nhiệt điện cùng tên) với giá trị 888 tỷ và Công ty Nhiệt điện Phú Mỹ chi nhánh TCT Phát điện 3 (thuộc EVN Genco3) với giá trị 401 tỷ đồng.
Xuất hiện những khách hàng mới
Một điểm đáng chú ý khác trên báo cáo của PV GAS là khoản mục phải thu ngắn hạn khách hàng nhảy vọt lên hơn 18.000 tỷ đồng, tăng gần 3.900 tỷ so với quý trước và cao hơn gần 5.500 tỷ so với thời điểm đầu năm.
Sự mở rộng khoản phải thu này lại đến từ chính các công ty phát sinh nợ xấu trên. Khách hàng có giá trị phải thu lớn nhất là PV Power với giá trị 3.675 tỷ đồng và đang được ghi nhận toàn bộ là nợ xấu (giá trị có thể thu hồi là 2.917 tỷ).
Phải thu công ty Nhiệt điện Phú Mỹ giá trị 1.633 tỷ đồng, phải thu Năng lượng Mê Kông 1.010 tỷ đồng, Công ty Gas Venus 949 tỷ, BOT Phú Mỹ 3 là 888 tỷ, PV GAS South 566 tỷ hay Dầu khí Alpha hơn 529 tỷ đồng....
Không chỉ tăng thu các khách hàng cũ mà PV GAS cũng ghi nhận có nguồn thu mới từ các đơn vị khác. Đáng chú ý có khoản phải thu mới đối với Wanhua Chemical giá trị 728 tỷ đồng. Đây là một công ty niêm yết của Trung Quốc trong ngành công nghiệp hóa chất.
Hai khoản phải thu lớn với khách hàng mới là tập đoàn đa quốc gia Trafigura Pte giá trị 703 tỷ đồng và Equinor Asa (một công ty dầu khí đa quốc gia của Na Uy) với giá trị phát sinh 641 tỷ đồng.
Ngoài ra còn có 2 khách hàng mới là CTCP Giải pháp năng lượng xanh GES (trụ sở Đồng Nai) với giá trị 183 tỷ và Công ty TNHH Sopet Gas One (là liên doanh của Tập đoàn Saisan, Petimex và Tập đoàn Sojitz) với gần 170 tỷ đồng.
Nhờ mở rộng nhanh tập khách hàng, PV GAS ghi nhận hơn 30.052 tỷ đồng doanh thu thuần trong quý II, tăng 25% so với cùng kỳ và là mức doanh thu kỷ lục khi lần đầu tiên vượt mốc 30.000 tỷ đồng một quý.
Lũy kế nửa đầu năm, tổng công ty ghi nhận hơn quy mô doanh thu bán niên cao kỷ lục 53.367 tỷ đồng, tăng 18% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, lợi nhuận sau thuế chỉ đạt 5.960 tỷ đồng giảm 10% so với cùng kỳ và đã vượt kế hoạch năm.
PV GAS hiện chiếm khoảng 70% thị phần cung ứng LPG tại Việt Nam, cung cấp sản phẩm khí để sản xuất trên 9% sản lượng điện, khoảng 70% sản lượng phân đạm. Nửa đầu năm nay, tổng công ty đã nhập 4 chuyến LNG với giá trị gần 3.000 tỷ đồng để cung cấp cho điện, góp phần bù đắp sản lượng khí nội địa đang sụt giảm nhanh.
Xem thêm tại vietnambiz.vn