Nợ xấu tuy giảm nhưng nguy cơ mất vốn ngân hàng vẫn âm thầm tăng
Kết thúc năm 2024, bức tranh nợ xấu của các ngân hàng Việt Nam cho thấy những chuyển động đáng chú ý. Dữ liệu thống kê từ báo cáo tài chính của 27 ngân hàng niêm yết cho thấy tổng nợ xấu đạt hơn 227.100 tỷ đồng, giảm gần 10% so với cuối năm 2023.
Cùng với đà tăng trưởng tín dụng tích cực, tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ cho vay toàn hệ thống đã hạ xuống mức 1,9%, cải thiện đáng kể so với mức 2,2% trong các quý giữa năm.
Tuy nhiên, sự cải thiện bề mặt này lại che giấu những biến động trong cơ cấu nợ xấu, khi nợ có khả năng mất vốn (nợ nhóm 5) – nhóm rủi ro cao nhất – tăng vọt 45% so với cuối 2023, chiếm đến 131.249 tỷ đồng. Nếu tính thêm Agribank, tổng nợ mất vốn của 28 ngân hàng đã lên gần 154.000 tỷ đồng.
Nợ có khả năng mất vốn vẫn tăng
Các ngân hàng lớn trong nhóm Big4 tuy vẫn duy trì tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ cho vay ở mức thấp và an toàn, nhưng không tránh khỏi xu hướng gia tăng nợ mất vốn. Agribank ghi nhận nợ xấu giảm còn 29.007 tỷ đồng, tương ứng tỷ lệ nợ xấu 1,68% so với 1,89% cuối 2023. Song riêng nợ mất vốn tại ngân hàng này lại tăng gần 2.900 tỷ đồng, lên mức 22.637 tỷ đồng.
![]() |
Điều quan trọng không nằm ở việc nợ mất vốn tăng bao nhiêu, mà ở việc ngân hàng đã trích lập dự phòng rủi ro đến đâu. |
Tương tự, Vietcombank hạ tỷ lệ nợ xấu từ 0,99% xuống còn 0,97%, nợ nhóm 5 lại tăng 29%, từ 7.975 tỷ đồng lên 10.292 tỷ đồng. BIDV ghi nhận tổng nợ xấu tăng lên 29.034 tỷ đồng, tỷ lệ nợ xấu chiếm 1,41% và nợ mất vốn lên 19.801 tỷ đồng, tăng tới 52% so với năm 2023. VietinBank cũng không ngoại lệ khi tổng nợ xấu lên 20.989 tỷ đồng, tỷ lệ nợ xấu ở mức 1,22%, còn nợ có khả năng mất vốn là 13.348 tỷ đồng, tăng hơn 42%.
Ở khối ngân hàng thương mại cổ phần, xu hướng nợ xấu và nợ mất vốn leo thang cũng rõ rệt. Sacombank ghi nhận nợ xấu 12.955 tỷ đồng, tăng 18%, nợ mất vốn tăng gần 4.000 tỷ đồng lên 8.869 tỷ đồng. VPBank, dù tỷ lệ nợ xấu giảm từ 5% xuống còn 4,2%, nhưng nợ mất vốn lại tăng 40%, chiếm 6.119 tỷ đồng. VietBank cũng ghi nhận nợ xấu tăng 24% lên gần 2.580 tỷ đồng, trong đó nợ mất vốn chiếm gần 58% tổng nợ xấu, tương đương 1.500 tỷ đồng.
Tuy nhiên, theo phân tích của các chuyên gia tài chính, điều quan trọng không nằm ở việc nợ mất vốn tăng bao nhiêu, mà ở việc ngân hàng đã trích lập dự phòng rủi ro đến đâu.
Ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, nhận định: “Nếu ngân hàng đã trích lập đầy đủ dự phòng cho nợ xấu, đặc biệt là nợ nhóm 5, thì sức ép tài chính của các khoản nợ này lên bảng cân đối kế toán sẽ không quá nghiêm trọng.”
Theo quy định của Ngân hàng Nhà nước, các khoản nợ nhóm 5 phải trích lập 100% giá trị, thậm chí nhiều ngân hàng còn trích tối để tạo bộ đệm vững chắc.
Trích lập dự phòng trở thành “tấm khiên”
Thực tế, tỷ lệ trích lập dự phòng trên nợ xấu (Loan Loss Reserve Coverage - LLR) của nhiều ngân hàng Việt Nam hiện đang ở mức cao đáng kể. Vietcombank duy trì tỷ lệ LLR lên tới 320%, Agribank khoảng 140%, BIDV khoảng 120%, VietinBank gần 125%, Sacombank đạt khoảng 100%.
Trung bình toàn hệ thống, tỷ lệ bao phủ nợ xấu năm 2024 đạt khoảng 125%, cao hơn mức trung bình 90-100% của các ngân hàng ASEAN và tiệm cận chuẩn 110-150% của các thị trường phát triển như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc.
Ngân hàng | Tổng nợ xấu (tỷ đồng) | Nợ nhóm 5 (tỷ đồng) | Tỷ lệ trích lập dự phòng/nợ xấu (%) |
---|---|---|---|
Agribank | 29.007 | 22.637 | 140% |
Vietcombank | 8.000 | 10.292 | 320% |
BIDV | 29.034 | 19.801 | 120% |
VietinBank | 20.989 | 13.348 | 125% |
Sacombank | 12.955 | 8.869 | 100% |
VPBank | 29.069 | 6.119 | 70% |
Điều này cho thấy các ngân hàng đã chủ động siết chặt phòng thủ rủi ro, không để nợ xấu “bào mòn” bất ngờ vào lợi nhuận tương lai.
Mặc dù vậy, thách thức vẫn còn đó. Ông Hùng cho biết thêm, từ đầu năm 2025 đến tháng 2, nợ xấu hệ thống đã tăng thêm 34.000 tỷ đồng, nâng tổng nợ xấu lên 1,064 triệu tỷ đồng. Trong khi đó, tốc độ xử lý nợ xấu đang chậm lại đáng kể. Tỷ lệ khách hàng tự nguyện trả nợ chỉ đạt khoảng 36%, còn lại chủ yếu do ngân hàng trích lập dự phòng hoặc chuyển sang thi hành án. Việc Nghị quyết 42 về xử lý nợ xấu hết hiệu lực từ cuối năm 2023 càng khiến quá trình thu hồi tài sản đảm bảo trở nên kéo dài và phức tạp.
Đánh giá về triển vọng nợ xấu năm 2025, bộ phận phân tích của Chứng khoán Mirae Asset dự báo tỷ lệ nợ xấu có thể tăng nhẹ trong nửa đầu năm trước khi dần hạ nhiệt vào nửa cuối năm. Tuy nhiên, lãi suất thực tế vẫn đang neo ở mức cao, cộng với áp lực giảm tốc của thị trường bất động sản và xuất khẩu, sẽ khiến tốc độ hình thành nợ xấu mới chưa thể giảm ngay lập tức. Mirae Asset cũng lưu ý rằng việc Mỹ áp thuế đối ứng mới lên hàng hóa Việt Nam từ tháng 7/2025 sẽ tạo thêm thách thức cho khối doanh nghiệp xuất khẩu, làm tăng nguy cơ nợ xấu phát sinh.
Một chuyên gia tài chính chia sẻ: "Các dự báo nợ xấu và tăng trưởng tín dụng cần được điều chỉnh theo nhiều kịch bản, vì sau tháng 4/2025, bối cảnh thế giới đã thay đổi với nhiều bất ổn về thuế quan, dòng vốn và tiêu dùng." Ông cũng nhấn mạnh, các ngân hàng cần thận trọng hơn trong cho vay mới, ưu tiên kiểm soát chất lượng tín dụng và chủ động trích lập dự phòng nhiều hơn mức tối thiểu.
Dù nhóm nợ có khả năng mất vốn tại các ngân hàng Việt Nam đang gia tăng nhanh chóng, nhưng việc trích lập dự phòng đầy đủ đang đóng vai trò như “tấm đệm an toàn”, giúp duy trì sự ổn định tài chính của hệ thống trong ngắn hạn.
Để bảo vệ thành quả này, ngành ngân hàng cần tiếp tục chủ động trích lập, đồng thời đẩy nhanh việc hoàn thiện khung pháp lý cho xử lý nợ xấu, nhằm sớm dỡ bỏ những “khối đá nặng” trên lưng hệ thống tài chính - ngân hàng Việt Nam trong hành trình tăng trưởng những năm tới.
Mỹ Châu
Xem thêm tại vnbusiness.vn