Nỗi lo nợ xấu... chưa nguôi

Chất lượng tài sản giảm

Theo khảo sát của phóng viên Đầu tư Chứng khoán, tính đến ngày 31/12/2023, có đến 22 trong tổng số 28 ngân hàng thương mại có tỷ lệ nợ xấu tăng so với đầu năm. Trong đó, 5 ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu vượt ngưỡng cho phép 3%, thấp hơn so với con số 9 ngân hàng tại thời điểm cuối quý III/2023. Mặc dù vậy, có ngân hàng đã nâng tỷ lệ nợ xấu lên gần 30%.

PGS.TS Nguyễn Hữu Huân, giảng viên Trường Đại học Kinh tế TP.HCM nhận định, nợ xấu sẽ tăng mạnh trong năm 2024 nếu Thông tư 02 hết hiệu lực vào tháng 6/2024. Lúc đó, nhiều khả năng, tỷ lệ nợ xấu toàn hệ thống tăng đột biến bởi các khoản nợ sẽ bắt đầu nhảy nhóm. Song ông Huân cũng kỳ vọng Ngân hàng Nhà nước sẽ sớm xem xét gia hạn Thông tư 02.

FiinRatings cũng cho rằng, năm 2024, tình hình kinh tế khó khăn đang gây áp lực không nhỏ đến khả năng thanh toán nợ của các doanh nghiệp. Hệ quả là, nợ xấu đang có xu hướng gia tăng trên toàn ngành ngân hàng.

Theo dữ liệu của Wigroup, tỷ lệ nợ xấu của hệ thống ngân hàng đang tăng nhanh, lên trên ngưỡng 3%, trong khi tỷ lệ bao phủ nợ xấu lại có xu hướng giảm xuống dưới 100%, thay vì luôn ở trên 100% như trước đây. Nợ xấu ngành ngân hàng vẫn là mối lo, nhất là khi nợ xấu được dự báo sẽ đạt đỉnh trong năm 2024.

Tổng giám đốc VPBank Nguyễn Đức Vinh cho biết, lãi suất cho vay không còn là rào cản với người cần vốn, hiện lãi vay mua nhà của một số ngân hàng giảm chỉ còn hơn 5%/năm, nhưng ngân hàng vẫn dư thừa vốn do nền kinh tế khó khăn, sức cầu vốn yếu. Tín dụng mua nhà của nhiều ngân hàng sụt giảm mạnh từ năm 2023 đến nay. Cho vay tiêu dùng cũng lao dốc, tín dụng của 16 công ty tài chính tiêu dùng năm qua giảm hơn 20%. Trong khi đó, việc thu hồi nợ rất khó khăn. Đây là các lý do khiến tín dụng tăng trưởng rất chậm.

Các chuyên gia của SSI cũng cho rằng, tỷ lệ nợ xấu của ngành ngân hàng có thể đi lên trong nửa đầu năm 2024 khi tăng trưởng tín dụng chậm lại và các yếu tố vĩ mô chưa có dấu hiệu cải thiện rõ rệt. Tuy nhiên, SSI dự báo, tỷ lệ nợ xấu cuối năm 2024 sẽ không có nhiều thay đổi so với năm 2023, do cuối năm là giai đoạn các ngân hàng đẩy mạnh xóa nợ xấu và nền kinh tế phục hồi mạnh hơn.

SSI lưu ý, các khoản nợ có vấn đề (bao gồm nợ nhóm 2, khoản vay tái cơ cấu, trái phiếu doanh nghiệp quá hạn và khoản vay cũ) vẫn cần được giám sát chặt chẽ. Bên cạnh đó, nếu dự thảo sửa đổi Thông tư số 16/2021/TT-NHNN với quy định nới lỏng việc hạn chế đầu tư trái phiếu doanh nghiệp của ngân hàng được thông qua, không loại trừ khả năng một phần rủi ro tín dụng sẽ quay về các ngân hàng tích cực mua lại trái phiếu doanh nghiệp.

Các ngân hàng cũng tỏ ra lo ngại về rủi ro nợ xấu năm nay, nhất là trong bối cảnh Nghị quyết 42/2017/QH14 hết hiệu lực, đồng thời phần lớn các nội dung của Nghị quyết 42 không được luật hóa trong Luật Các tổ chức tín dụng 2024 vừa được ban hành. Việc thu hồi nợ hiện nay rất khó khăn. Trong khi đó, sức mua của thị trường chưa mấy cải thiện khiến khả năng và tiến độ trả nợ của doanh nghiệp sụt giảm, kéo theo nợ xấu đi lên.

Cần thêm thời gian để doanh nghiệp trả nợ

Lũy kế đến ngày 31/12/2023, có gần 188.000 lượt khách hàng được cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ, với tổng giá trị nợ gốc và lãi được cơ cấu là trên 183.500 tỷ đồng.

Tổng giám đốc VPBank Nguyễn Đức Vinh kiến nghị Ngân hàng Nhà nước cần gia hạn Thông tư 02 thêm khoảng 12 tháng (so với quy định vào cuối tháng 6/2024) để tạo điều kiện cho khách hàng trong việc trả nợ. Bởi theo ông Vinh, việc thu hồi nợ hiện nay gặp không ít khó khăn, nhất là đối với việc thu hồi nợ tín dụng tiêu dùng.

Nhận định được ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) đưa ra, khả năng trả nợ của khách hàng giảm trước tình hình khó khăn. Vì thế, Ngân hàng Nhà nước nên gia hạn thêm thời gian Thông tư 02 từ 6 tháng đến 1 năm để người vay có thời gian trả nợ trong bối cảnh khó khăn. Mặt khác, cần có biện pháp để xử lý các hội nhóm “bùng nợ” công khai hiện nay.

Số liệu từ Ngân hàng Nhà nước cho biết, với chính sách cơ cấu lại nợ theo Thông tư 02, lũy kế đến ngày 31/12/2023, gần 188.000 lượt khách hàng được cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ, với tổng giá trị nợ gốc và lãi được cơ cấu là trên 183.500 tỷ đồng.

Ông Đỗ Thanh Sơn, Phó tổng giám đốc phụ trách điều hành VietinBank cho hay, về kết quả thực hiện Thông tư 02 của VietinBank, đến thời điểm này, Ngân hàng đã cơ cấu lại nợ cho khoảng 290 khách hàng, với số dư nợ khoảng 18.000 tỷ đồng. Ông Sơn cũng kiến nghị Ngân hàng Nhà nước gia hạn Thông tư 02, do khách hàng còn khó khăn trong những tháng đầu năm nên cần có thêm thời gian để trả nợ ngân hàng.

Tại Techcombank, theo Phó tổng giám đốc Phạm Quang Thắng, số nợ được cơ cấu theo Thông tư 02 đến cuối tháng 1/2024 vào khoảng 6.000 tỷ đồng và hiện khách hàng bắt đầu trả nợ dần. Tỷ lệ nợ xấu đến cuối tháng 1/2024 đi ngang so với cuối năm 2023, với tỷ lệ 1,2%, nhưng để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp có thời gian trả nợ, Techcombank cũng kiến nghị được gia hạn thêm thời gian đối với việc cơ cấu và trả nợ tại Thông tư 02.

Theo thông tin từ LPBank, tổng số nợ được cơ cấu theo Thông tư 02 tại nhà băng này đến giữa tháng 2 vào khoảng 2.500 tỷ đồng. Tuy nhiên, ông Hồ Nam Tiến, Tổng giám đốc LPBank cho biết, việc trả nợ khi Thông tư 02 đến hạn vào 30/6 tới là vấn đề khó khăn, do đó, mong muốn cơ quan quản lý gia hạn thời gian cơ cấu, gia hạn nợ thêm 6 tháng hoặc 1 năm...

Trước đề xuất của các ngân hàng, Phó thống đốc thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú khẳng định, Ngân hàng Nhà nước nhất trí với chủ trương kéo dài Thông tư 02, còn thời gian kéo dài thêm bao lâu (nửa năm, 1 năm, hay lâu hơn) sẽ cần có đánh giá kỹ hơn. Theo đó, ông Tú đề nghị Vụ Tín dụng cùng Cơ quan Thanh tra, Vụ Pháp chế, chính sách của Ngân hàng Nhà nước đề xuất và cơ chế này phải được ban hành ngay trong quý I/2024.

Tuy cơ quan quản lý ngành ngân hàng đã có chủ trương tiếp tục gia hạn Thông tư 02, song rủi ro nợ xấu gia tăng vẫn là lo ngại của giới chuyên gia. PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh - chuyên gia kinh tế đánh giá, việc Thông tư 02 cho phép giãn, hoãn nợ đến 30/6/2024 góp phần kìm hãm đà tăng của nợ xấu. Khi thời hạn Thông tư 02 hết hiệu lực, các khoản nợ tái cơ cấu sẽ về đúng nhóm, làm cho nợ xấu tăng cao, bộ đệm dự phòng của ngân hàng thu hẹp, khiến dư địa xử lý nợ xấu năm nay không còn nhiều. Còn nếu Thông tư 02 được gia hạn, áp lực trích lập cho các khoản nợ tái cơ cấu hoặc các khoản nợ xấu không được tái cơ cấu sẽ gia tăng.

PSG.TS. Nguyễn Hữu Huân cho rằng, ngành ngân hàng nên tập trung vào xử lý nợ xấu một cách đúng nghĩa, chứ không phải là che đi con số thực tế. Bởi nếu Thông tư 02 được gia hạn, thì hết thời gian gia hạn, nợ xấu của ngân hàng cũng sẽ trở lại nếu khách hàng không trả được nợ.

Xem thêm tại www.tinnhanhchungkhoan.vn