Nguồn: Chứng khoán Phú Hưng Đồ hoạ: tư liệu |
Báo cáo tài chính quý III của các công ty chứng khoán đang thể hiện gam màu kém sắc hơn so với quý trước đó, trong điều kiện thị trường chung kém thuận lợi đã ảnh hưởng trực tiếp lên một số mảng kinh doanh chính.
Nhiều điều kiện thuận lợi để thị trường chứng khoán tiếp tục đi lênTheo Bộ phận phân tích Chứng khoán SSI, chứng khoán Việt Nam đang có điều kiện thuận lợi để tiếp tục đi lên trong quý IV và năm 2025. “Bức tranh vĩ mô tiếp tục phục hồi rõ nét và kỳ vọng Việt Nam được nâng hạng lên thị trường mới nổi (EM) bởi FTSE Russell sẽ thúc đẩy dòng vốn mạnh mẽ hơn từ cả nhà đầu tư trong nước và nước ngoài” - nhóm phân tích nhận xét. |
Tổng lợi nhuận trước thuế của trên 80 công ty chứng khoán đang hoạt động ghi nhận hơn 7.000 tỷ đồng trong quý gần nhất, giảm hơn 13% so với quý II và hơn 10% so với quý đầu năm. Trong đó, riêng top 10 doanh nghiệp chứng khoán có lợi nhuận cao nhất thị trường, chiếm phân nửa ghi nhận đà giảm so với quý II.
Đơn cử như Chứng khoán Techcombank (TCBS) - doanh nghiệp đầu bảng lợi nhuận ngành chứng khoán đạt hơn 1.000 tỷ đồng lãi trước thuế trong quý III. Con số này áp đảo phần còn lại, nhưng nếu so với chính TCBS trong quý II thì giảm hơn 30% và cũng thấp hơn quý đầu năm. SSI ghi nhận lợi nhuận trước thuế quý III hơn 980 tỷ đồng, tăng 12% so với cùng kỳ năm 2023 nhưng cũng giảm 7% quý liền trước.
HCM, VietCap hay MBS cũng ở tình trạng tương tự. Riêng lợi nhuận quý III của Công ty cổ phần Chứng khoán TP Hồ Chí Minh, MBS là mức thấp nhất trong ba quý đầu năm nay.
Ngoài sụt giảm, số lượng công ty chứng khoán báo lỗ cũng tăng. Trong đó một số trường hợp ghi nhận lỗ ròng quý III dù hai quý đầu năm nay vẫn đạt lợi nhuận, như APG, EVS.
Sự thu hẹp một phần đến từ diễn biến thị trường. Sau giai đoạn chứng khoán sôi động cuối quý I – đầu quý II, mảng môi giới có xu hướng thu hẹp trong quý III do diễn biến thị trường kém thuận lợi. Tổng doanh thu hoạt động này trong quý gần nhất giảm hơn 20% so với quý II.
VN-Index nhiều lần “thất bại” trước ngưỡng 1.300 điểm khiến tâm lý nhà đầu tư bị ảnh hưởng, động lực giao dịch giảm sút. Thanh khoản thị trường quý III, vì thế, giảm tới 25% so với quý trước, chỉ đạt bình quân khoảng 16.500 tỷ đồng mỗi phiên.
Ngược lại với mảng môi giới, hoạt động cho vay trở thành động lực chính trong bức tranh lợi nhuận quý III. Lãi cho vay, phải thu đều tăng so với cùng kỳ và quý trước. Kết thúc quý III, dư nợ cho vay (chủ yếu hoạt động margin) của các công ty chứng khoán tiếp tục đạt mức đỉnh mới, với hơn 236.000 tỷ đồng, tăng 4% so với quý II và tăng khoảng 30% so với đầu năm nay.
Bức tranh hoạt động phân hóa cao
Đi sâu vào hoạt động kinh doanh của nhóm dẫn đầu, sự khác biệt chủ yếu từ câu chuyện riêng của mỗi doanh nghiệp.
TCBS - công ty chứng khoán bắt đầu nổi danh trong vài năm gần đây, là doanh nghiệp duy nhất đạt mức lãi trước thuế nghìn tỷ đồng trong quý III. Khác với phần còn lại trong top 5 với tỷ trọng đóng góp cao của mảng môi giới, hoạt động của TCBS dựa chủ yếu vào mảng tự doanh, cho vay và phát hành. Như quý III, tự doanh mang về cho TCBS gần 500 tỷ đồng doanh thu, mảng cho vay đóng góp hơn 700 tỷ đồng, còn nghiệp vụ phát hành thu về hơn 300 tỷ đồng.
Xuất phát điểm của TCBS là công ty đứng đầu về thị phần phát hành trái phiếu, với tệp khách hàng lớn trong hệ sinh thái Techcombank. Lợi thế này càng được khuếch đại trong giai đoạn kênh huy động này bùng nổ những năm gần đây. Thực tế, phần lợi nhuận từ mảng tự doanh của TCBS cũng chủ yếu từ trái phiếu doanh nghiệp chưa niêm yết.
Đặc trưng này cũng khiến cấu trúc kinh doanh của TCBS có phần tương đồng với Techcombank, với tỷ trọng chi phí chỉ chiếm phần nhỏ trên doanh thu. Quý III, công ty chứng khoán này thu về hơn 1.800 tỷ doanh thu hoạt động, nhưng chi phí chỉ vỏn vẹn hơn 140 tỷ đồng. Thực tế, chi phí lớn nhất TCBS ghi nhận là lãi vay, hơn 450 tỷ đồng trong quý III.
So với TCBS, bám đuổi sít sao nhất là SSI và VPS, cùng điểm tựa là hoạt động môi giới, cho vay gắn với thị trường chung, nhưng hai cái tên này phản ánh hai câu chuyện khác nhau. Một bên là doanh nghiệp đứng đầu kiểu “truyền thống” đang tìm cách làm mới, còn một bên là ngôi sao đang lên nhờ chiến thuật phủ đầu quy mô lớn.
Trong quý III, SSI thu về gần 900 tỷ đồng doanh thu hoạt động từ mảng môi giới và cho vay. Trong đó, riêng doanh thu môi giới giảm gần 40% so với quý trước đó, chỉ đạt hơn 339 tỷ đồng. Sự bù đắp của mảng cho vay và tự doanh, cùng chi phí hoạt động cũng giảm tương ứng giúp doanh nghiệp này vẫn đạt lãi trước thuế hơn 980 tỷ đồng.
Với VPS, thị trường chung chững lại khiến doanh thu hoạt động của doanh nghiệp này hụt hơn 200 tỷ đồng, chủ yếu từ hoạt động môi giới. Bù lại, chi phí hoạt động giảm mạnh do quản lý rủi ro hoạt động tự doanh giúp VPS tăng trưởng lợi nhuận.
Ở nhóm dẫn đầu, một số cái tên vẫn đạt mức tăng trưởng cao, như VIX hay ACBS. Điểm chung của nhóm này đến từ sự cải thiện của hoạt động tự doanh.
Với nhóm báo lỗ quý III, Chứng khoán APG dẫn đầu khoản lỗ gần 150 tỷ đồng. Lỗ từ mảng tự doanh, với chênh lệch giảm đánh giá lại các tài sản tài chính FVTPL tăng đột biến lên 160 tỷ đồng là nguyên nhân chính.
Chứng khoán Everest (EVS) xếp thứ hai với khoản lỗ hơn 35 tỷ đồng, cũng do tác động từ mảng tự doanh. Trong quý III, EVS chỉ ghi nhận lãi từ tài sản tài chính FVTPL 23 tỷ đồng, giảm đến 81%; trong khi lỗ tài sản tài chính FVTPL tăng 54%, lên hơn 40 tỷ đồng./.