Ồ ạt hàng giá rẻ Trung Quốc, doanh nghiệp săm lốp tìm đầu ra ở đâu?
Làn sóng nhập khẩu lốp xe tải, xe buýt thay thế (TBR) từ Trung Quốc với giá cạnh tranh kể từ năm 2019 đe dọa khả năng mở rộng sản lượng bán hàng tại Việt Nam của các nhà sản xuất lốp TBR trong nước như Cao su Đà Nẵng (Mã: DRC) hay Casumina (Mã: CSM)...
Hiện Trung Quốc là nước xuất khẩu lốp TBR lớn nhất toàn cầu và ngược lại Mỹ nhập khẩu lốp TBR lớn nhất thế giới. Do vậy, sau khi bị Mỹ áp thuế chống trợ cấp và chống bán phá giá vào năm 2019, lượng lốp TBR khổng lồ của Trung Quốc đã tràn sang các nước châu Á khác trong đó có Việt Nam, Thái Lan.
"Dựa vào mức giá rẻ hơn và khả năng sản xuất lớn hơn, lốp TBR Trung Quốc dễ dàng mở rộng thị phần tại Việt Nam, ảnh hưởng trực tiếp đến sản lượng bán hàng của doanh nghiệp trong nước", Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) nhận định gần đây.
Do năng lực sản xuất lớn nên lốp TBR Trung Quốc có giá thành sản xuất trên mỗi đơn vị thấp hơn lốp Việt Nam.
Theo VDSC, doanh nghiệp Trung Quốc còn làm việc với các đại lý nhỏ lẻ Việt Nam trong việc khai báo mức giá cho cơ quan hải quan thấp hơn 30-35% so với giá nhập thực tế từ Trung Quốc, giúp đưa ra mức giá bán hấp dẫn hơn so với các nhà sản xuất trong nước.
Trong bối cảnh thị trường nội địa trì trệ, các nhà sản xuất Việt Nam chuyển hướng quan tâm sang các thị trường xuất khẩu đang áp thuế chống bán phá giá/nhập khẩu gay gắt đối với lốp TBR Trung Quốc như Mỹ; hoặc không được Trung Quốc chú ý do quy mô thị trường nhỏ như Brazil (chỉ chiếm 10% thị trường lốp TBR của Mỹ), Ai Cập trong những năm gần đây.
Tại các thị trường này, các nhà sản xuất lốp TBR Việt Nam (chủ yếu là DRC) đặt giá bán thấp và hướng tới thị trường ngách (chủ yếu là các đại lý nhỏ lẻ yêu cầu số lượng đặt hàng nhỏ phù hợp với năng lực sản xuất của DRC từ 0,6- 1,2 triệu chiếc/năm).
Bước đi này theo đánh giá của VDSC là đang đi đúng hướng, với thành công về mặt doanh số bán hàng ngày càng tăng trong quá khứ và định hướng đầy tham vọng cho năm 2024.
Do đó, chuyên gia dự báo các nhà sản xuất lốp TBR của Việt Nam sẽ tiếp tục tăng cường doanh số xuất khẩu trong ngắn hạn, nhằm đạt được công suất tối đa trong kế hoạch.
Bộ Thương mại Mỹ (DoC) mới đây đã ban hành quyết định sơ bộ về hành vi chống bán phá giá lốp xe tải từ Thái Lan khi xác định mức thuế 2,35%. Thái Lan đang là nhà xuất khẩu lốp xe lớn nhất chiếm gần 40% thị phần tại Mỹ, còn Việt Nam xếp sau với hơn 10% thị phần nhưng không bị áp thuế chống bán phá giá nào.
Về lý thuyết, dư địa để gia tăng thị phần cho các nhà sản xuất lốp TBR Việt Nam vẫn còn nhiều tại các thị trường lớn. Tuy nhiên, do khả năng tài chính kém hơn nhiều, VDSC tin rằng các công ty này sẽ gặp khó khăn trong việc tăng quy mô/công nghệ sản xuất tương đương với một số ông lớn ở Trung Quốc và Hàn Quốc.
Do đó các nhà sản xuất lốp xe trong nước (Cao su Đà Nẵng, Casumia, Cao su Sao Vàng) có thể trải qua sự tăng trưởng doanh số hạn chế trong dài hạn một khi họ đạt đến năng lực sản xuất cao nhất.
Trong các doanh nghiệp trên, Cao su Đà Nẵng đang có kế hoạch mở rộng tham vọng hơn khi dự kiến hoàn thành dự án Mở rộng nhà máy sản xuất lốp xe tải Radial nâng công suất lên 1 triệu lốp/năm trong quý IV, cũng như muốn đẩy nhanh tiến độ dự án Nhà máy sản xuất lốp công suất 4 triệu lốp PCR/năm và 1 triệu lốp TBR/năm.
Casumia trong năm 2023 đã hoàn thành các thủ tục triển khai dự án đầu tư sản xuất 65.000 lốp ô tô địa hình (M/T) và tăng công suất lốp PCR thêm 300.000 chiếc/năm, dự kiến chạy thử từ quý III/2024. Cao su Sao Vàng chưa có thông tin về việc đầu tư các nhà máy mới.
Xem thêm tại vietnambiz.vn