'Ôm' hơn 200 tỷ trái phiếu DGT chậm trả lãi, sếp TPS khẳng định an toàn
CTCP Chứng khoán Tiên Phong (TPS – HoSE: ORS) vào sáng 24/4 đã tổ chức thành công ĐHĐCĐ thường niên (AGM) năm 2024. Tại AGM năm nay, các cổ đông đã thông qua nội dung doanh thu năm 2024 dự kiến 2.551 tỷ đồng, lãi sau thuế 286 tỷ đồng – tương đương tăng 25% so với mức thực hiện trong năm 2023.
Ngoài ra, các cổ đông tại AGM cũng thông qua việc tăng vốn điều lệ bằng 3 phương án gồm: phát hành 36 triệu cổ phiếu trả cổ tức theo tỷ lệ 100:12 (12%), kế hoạch triển khai trong quý II/2024; phát hành tối đa 14,5 triệu cổ phiếu ESOP với giá 10.000 đồng/CP; dự kiến triển khai trong quý II-III/2024, số cổ phiếu ESOP phát hành này bị hạn chế chuyển nhượng 1 năm từ ngày kết thúc đợt phát hành; cuối cùng là phát hành 210,3 triệu cổ phiếu thông qua phát hành quyền mua cổ phần cho cổ đông hiện hữu (tỷ lệ thực hiện quyền dự kiến là 2:1.2), giá phát hành không thấp hơn mệnh giá, dự kiến triển khai trong quý III-IV/2024 cho đến hết quý II/2025.
Trong phần thảo luận tại AGM, trước lo lắng của cổ đông về rủi ro "pha loãng" cổ phiếu sau khi liên tục tăng vốn, ông Đỗ Anh Tú – Chủ tịch HĐQT TPS đánh giá thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam có tiềm năng phát triển mạnh trong giai đoạn 2024 – 2025, để tận dụng cơ hội này, TPS cho rằng việc thực hiện tăng vốn mạnh để tăng quy mô cho vay margin. Hoạt động này đem lại hiệu quả tốt và cổ đông không cần lo lắng về việc cổ phiếu bị "pha loãng".
Rủi ro từ lô trái phiếu 200 tỷ đồng của DGT
Một vấn đề nổi bật được cổ đông đặt ra tại AGM năm 2024 là khoản đầu tư trái phiếu DGTH2224001 của TPS với giá trị gần 200 tỷ đồng.
Theo tìm hiểu, tổ chức phát hành trái phiếu kể trên là CTCP Công trình Giao thông Đồng Nai (UPCOM: DGT), đơn vị tham gia thu xếp phát hành là CTCP Chứng khoán Thủ đô (CASC).
Trái phiếu DGTH2224001 có mệnh giá 350 tỷ đồng, kỳ hạn 2 năm, từ 22/2/2022-10/3/2022. Lãi suất cố định 11%/năm. Tài sản đảm bảo là 12 triệu cổ phiếu của DGT thuộc sở hữu của cổ đông công ty và hợp đồng thuê đất, tài sản gắn liền trên đất của lô đất diện tích 15.550 m2 tại phường Tràng Dài, TP. Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai.
Sau 2 đợt mua lại trái phiếu trước hạn vào ngày 25/8/2023 và 19/9/2023, tổng giá trị lô trái phiếu này giảm về hơn 239,5 tỷ đồng.
Theo cập nhật đến tháng 3/2024, công ty vẫn chưa thanh toán được hơn 30,6 tỷ đồng tiền lãi lô trái phiếu này. Được biết, các trái chủ đã đồng ý gia hạn thanh toán khoản lãi này đến ngày 22/6/2026.
Thực trạng tài chính của DGT là điều đáng bàn. Theo BCTC kiểm toán năm 2023, lãi ròng công ty đạt 88,3 tỷ đồng, con số rất cao so với cùng kỳ năm ngoái lỗ hơn 41,3 tỷ đồng. Tuy vậy, dòng tiền trong kỳ BCTC lại ghi nhận âm đến 250,5 tỷ đồng, nguyên nhân là do: Dòng tiền từ hoạt động kinh doanh âm 279 tỷ đồng với ảnh hưởng từ việc tăng các khoản phải thu (-216 tỷ đồng), giảm các khoản phải trả (-128,8 tỷ đồng); và dòng tiền thuần từ hoạt động tài chính âm 70,8 tỷ đồng với tác động từ tiền chi trả nợ gốc vay (-133,3 tỷ đồng).
Chưa kể, xét về quy mô tài sản, các khoản phải thu ngắn hạn của DGT tại ngày 31/12/2023 lên đến hơn 1.164 tỷ đồng, tăng gấp hơn 1,7 lần so với số đầu kỳ, và chiếm đến gần 72,5% tổng tài sản.
Đặc biệt, bất chấp vẫn nợ tiền lãi trái phiếu, DGT trong kỳ phát sinh giao dịch cho bà Nguyễn Ngọc Hà Phương và Phan Thị Yến vay lần lượt 206,5 và 110 tỷ đồng với lãi suất 0% và không có tài sản đảm bảo.
Ngoài ra, công ty còn có khoản phải thu gần 532 tỷ đồng với ông Trương Hiền Vũ – là khoản hợp đồng hợp tác đầu tư với mục đích tìm kiếm phát triển khu công nghiệp ở khu vực Nam Trung Bộ, thời hạn đến ngày 31/12/2024. Theo biên bản thỏa thuận (tháng 9/2023), DGT áp dụng lãi suất 12% trên số dư giảm dần cho khoản đầu tư mà DGT chuyển trả cho ông Hiền Vũ.
Bên cạnh đó, trong năm 2023, công ty phát sinh khoản phải thu mới 66,3 tỷ đồng với Công ty TNHH Đầu tư Xây dựng Giang Nguyên.
Những giao dịch và cấu trúc tài sản kể trên không khỏi khiến cổ đông đặt câu hỏi về tính minh bạch trong hoạt động quản trị tài chính của DGT, cũng như tính rủi ro của lô trái phiếu DGTH2224001 mà TPS sở hữu.
Xem thêm tại nhadautu.vn