Ông Phạm Nhật Vượng: Chúng tôi sẽ dồn hết mọi nguồn lực cho VinFast
Sáng ngày 25/4, Tập đoàn Vingroup (mã chứng khoán: VIC) đã tổ chức họp đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên năm 2024 với sự tham gia của 226 cổ đông, đại diện cho 89,61% cổ phần có quyền biểu quyết.
Báo cáo tại đại hội, ông Nguyễn Việt Quang-Phó Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Vingroup cho biết trong năm 2023, Vingroup đạt 161.428 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 59% so với năm 2022, lãi sau thuế đạt 2.056 tỷ đồng, tương đương với mức năm 2022. Hai chỉ tiêu này lần lượt đạt 85% và 103% kế hoạch kinh doanh đặt ra tại phiên họp ĐHĐCĐ năm 2023.
Năm nay, tập đoàn của tỷ phú Phạm Nhật Vượng đặt mục tiêu doanh thu thuần từ hoạt động sản xuất kinh doanh ở mức kỷ lục 200.000 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế khoảng 4.500 tỷ đồng, dự kiến tăng lần lượt 24% và 119% so với năm 2023.
Ở trụ cột công nghệ - công nghiệp, năm 2024, VinFast sẽ tiếp tục mở rộng lênh phân phối với mục tiêu đạt khoảng 400 điểm bán hàng trên toàn cầu đến cuối năm nay.
Về trụ cột thương mại – dịch vụ, Vinhomes đặt mục tiêu gia tăng doanh số thông qua việc ra mắt các dự án mới và kiện toàn kênh phân phối, đẩy mạnh mô hình O2O. Theo đó, Vinhomes sẽ hoàn thiện hệ thống phân phối tự doanh song song với hệ thống đại lý hiện có trên toàn quốc, tiếp tục cải thiện hệ thống kinh doanh online, hướng tới nâng cao trải nghiệm mua hàng, minh bạch hóa chính sách và giá cả sản phẩm. Tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2024, Vinhomes đã đề ra mục tiêu doanh thu năm 2024 là 120.000 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế là 35.000 tỷ đồng.
Trong lĩnh vực du lịch nghỉ dưỡng-vui chơi giải trí, Vinpearl sẽ tiếp tục duy trì nhận diện thương hiệu về vui chơi – giải trí - nghỉ dưỡng tại Việt Nam, và là lựa chọn cho trải nghiệm của tập khách gia đình. Công ty đặt kế hoạch tăng trưởng vượt năm 2023, thông qua việc đẩy mạnh khai thác nguồn khách, các kênh bán hàng và đưa ra các chiến lược marketing mới.
Ngoài ra, ĐHĐCĐ thường niên 2024 của Vingroup cũng thông qua việc bổ sung ngành nghề kinh doanh gồm: Hoạt động của các vường bách thảo, bách thú và khu bảo tồn tự nhiên; hoạt động thể thao khác; Hoạt động dịch vụ chăn nuôi (loại trừ chăn nuôi gây giống động vật hoang dã quý hiếm); Giáo dục thể thao và giải trí; Cho thuê đồ dùng cá nhân và gia đình khác.
Thảo luận:
Xin hỏi công ty có kế hoạch niêm yết Vinpearl không?
Ông Phạm Nhật Vượng - Chủ tịch HĐQT: Chúng tôi đang làm thủ tục niêm yết Vinpearl. Hy vọng từ giờ đến cuối năm sẽ niêm yết thành công cổ phiếu công ty.
Vingroup có kế hoạch thoái vốn công ty nào nữa không?
Ông Phạm Nhật Vượng: Chúng tôi chưa có kế hoạch.
Taxi Xanh SM có ý định niêm yết?
Ông Phạm Nhật Vượng: Chúng tôi đang mở rộng hoạt động của Taxi Xanh SM sang các thị trường quốc tế. Vingroup cũng đang chuẩn bị để nếu có cơ hội thì sẽ niêm yết trên thị trường tài chính quốc tế.
Thị trường nghi ngờ dòng tiền Vingroup không ổn định, tập đoàn đánh giá thế nào? Về việc tài trợ cho VinFast, tập đoàn đã chuẩn bị nguồn lực ra sao? Việc xây dựng 3 nhà máy ở Indo, Ấn Độ, Mỹ, dòng tiền thu xếp đến đâu?
Ông Phạm Nhật Vượng: Không có cơ sở khi nói thị trường nghi ngờ dòng tiền của Vingroup. Đó là tin đồn. Vingroup chưa chậm trả lãi và gốc các nhà băng một đồng nào. Các kế hoạch tài chính được tập đoàn đưa ra nghiêm túc.
Thị trường 2 năm vừa qua có nhiều khó khăn, song giai đoạn khó khăn nhất đã qua và đang phục hồi trở lại. Vinhomes trong tháng 3 và tháng 4/2024 đã bán lượng hàng khổng lồ so với năm 2023. Ngoài ra, VinFast vừa qua đã lần đầu trở thành thương hiệu có doanh số lớn nhất ở Việt Nam.
Đã từ lâu, tập đoàn quan niệm việc dễ nhường các doanh nghiệp trong nước làm, chúng ta sẽ tập trung làm việc khó. Chúng ta làm VinFast là vì trách nhiệm xã hội, đóng góp cho đất nước một thương hiệu quốc tế đẳng cấp. Chúng tôi mong muốn không chỉ bán được xe mà còn bước vào "top" đầu các doanh nghiệp bán xe trong thời gian tới. Vì thế, chúng tôi sẽ dồn hết mọi nguồn lực cho VinFast. Lấy ví dụ, bản thân Vingroup đã bán các tài sản của mình và Vinhomes là một trong số các bên mua để có thể tài trợ VinFast.
Thông tin thêm với cổ đông, tỷ lệ nội địa hóa của xe VinFast đạt gần 80%. Tính theo chi tiết linh kiện thì tỷ lệ này đạt hơn 50%. Đây là kết quả đáng khích lệ trong khi trước đây người ta hay nói Việt Nam không thể làm ốc vít.
Với việc xây dựng nhà máy, chúng ta bỏ ra 2 tỷ USD tại Hoa Kỳ để nhận hỗ trợ hơn 2 tỷ USD tiền hỗ trợ, bao gồm những chính sách thuế. Đây là cơ sở để chúng ta có thể chiếm được thị trường này. Nguồn lực xây dựng các nhà máy đến từ việc huy động vốn nhờ chính sách hỗ trợ chuyển đổi xanh từ quốc gia này.
Tôi nghĩ sự sống còn của tập đoàn phụ thuộc của VinFast, trong khi thị trường xe điện không còn thuận lợi nữa. Tôi cũng thấy một doanh nghiệp lớn thành công trong lĩnh vực xe ô tô phải mất đến 1/4 thế kỷ, VinFast liệu có đủ thời gian?
Ông Phạm Nhật Vượng: Tôi không cho rằng xe điện hết thời. Ngược lại, xe điện là xu thế không thể đảo ngược. Xe điện VinFast bán không pin có giá thấp hơn song khỏe hơn, thông minh hơn xe xăng.
Đặc biệt, với công nghệ mới, chi phí về pin xe rất rẻ. VinFast có dịch vụ cho thuê pin và cạnh tranh trực tiếp xe xăng. Chi phí năng lượng rẻ hơn 40-50% so với chi phí xăng. Chi phí bảo hành sửa chữa cũng thấp hơn.
Sự cạnh tranh của xe điện đến từ các giá trị xã hội, môi trường. Thống kê cho thấy mười mấy nghìn xe taxi Xanh SM đi 1 năm tương đương lượng oxi quang hợp từ 2 triệu cây xanh. Nếu ai cũng đi xe điện thì môi trường sẽ sạch đến mức nào? Do đó, làm VinFast để hướng đến chúng ta và con cháu sau này có cuộc sống khỏe mạnh hơn.
VinFast liệu có nên tập trung phân khúc xe ô tô cỡ nhỏ, thay vì dạng cồng kềnh? Tôi nghĩ giá cả cũng cần phù hợp với người Việt Nam
Ông Phạm Nhật Vượng: Đến tháng 6 chúng tôi sẽ mở đặt hàng VF3 với mức giá hợp lý. Chúng tôi cũng đã xong phiên bản VF1 chỉ có 3 mẫu, so với một số xe máy thì giá còn rẻ hơn. VFS sẽ làm dần dần. Việc phát triển xe cơ bản hoàn thành.
Khi nào VinFast hòa vốn?
Ông Phạm Nhật Vượng: Đến năm 2026 sẽ hòa EBITDA (thu nhập trước lãi vay và thuế), dòng tiền dương và dần dần từng bước sẽ có lãi. Thực ra, chúng ta đã đạt mục tiêu này ở một số thị trường. Dù vậy, chúng tôi đang không tính các yếu tố khấu hao, lãi vay và thuế vào giá thành để tăng sức cạnh tranh. Dần dần, công ty hướng đến kế hoạch phải tính tới khấu hao mà vẫn có lãi.
Khó khăn lớn nhất về công nghệ khi làm ô tô?
Ông Phạm Nhật Vượng: Xe ô tô điện khác với xe xăng. Đối với xe của VinFast, đây là loại xe thông minh gòm tổ hợp 40 máy tính tích hợp với nhau. Cái khó là dù có cùng hệ quy chiếu, nhưng chỉ một thay đổi nhỏ sẽ ảnh hưởng hệ thống điều khiển.
Xe xăng muốn tăng khung vỏ thì chỉ cần thêm nhôm hoặc thanh sắt, nhưng với xe điện thì khác. Một sự bổ sung cũng có thể ảnh hưởng đến phần mềm túi khí, ảnh hưởng hệ thống nói chung. Do đó, việc thay đổi trên xe điện phải mất đến nửa năm.
Tuy nhiên, điểm cộng là VinFast nắm công nghệ lõi, chúng ta có thể chủ động làm ra bộ phận điều khiển, hoặc bỏ các tính năng không cần thiết.
VinFast đã tính đến tín chỉ carbon? Đã làm hồ sơ pháp lý để được phát hành tín chỉ này chưa?
Ông Phạm Nhật Vương: Chúng tôi có tổ công tác đang nghiên cứu và tìm đối tác để bán chứng chỉ carbon ở Việt Nam và các nước khác.
Xem thêm tại nhadautu.vn