Ông Trịnh Văn Quyết và mái tóc điểm bạc sau 28 tháng chờ xét xử

Sáng ngày 22/7, tâm điểm của thị trường chứng khoán dồn về phiên xét xử cựu Chủ tịch Tập đoàn FLC - ông Trịnh Văn Quyết và đồng phạm tại Tòa án Nhân dân TP. Hà Nội

Ông Quyết bị truy tố gây thiệt hại hơn 4.300 tỷ đồng thông qua hành vi bán 391 triệu cổ phiếu ROS nhờ tăng vốn "khống" và tạo cung cầu giả để mua đi bán lại nhiều lần 5 mã cổ phiếu AMD, HAI, GAB, FLC, ART. Hiện, cựu lãnh đạo đã khắc phục được 212,5 tỷ đồng.

Ông Trịnh Văn Quyết sinh năm 1975, ở Vĩnh Tường - Vĩnh Phúc. Ông khởi nghiệp bằng việc thành lập Công ty Tư vấn Đầu tư SMiC (từ năm 1999 đến năm 2004), sau đó mở văn phòng Luật sư SMiC (từ 2004 đến 2008).

Đến tháng 8/2010, ông Quyết làm Chủ tịch HĐQT CTCP Tập đoàn FLC. Vị trí này được ông Quyết đảm nhận đến khi bị bắt. Trong khoảng thời gian này, vị doanh nhân cũng đồng thời đảm nhận các chức vụ khác nhau tại một số doanh nghiệp như CTCP Nông dược H.A.I (HAI), CTCP Xây dựng Faros (ROS); CTCP Đầu tư khoáng sản AMD Group (AMD), CTCP Chứng khoán Artex (ART), CTCP Liên doanh Đầu tư Quốc tế KLF (KLF), CTCP GAB (GAB).

Đáng kể nhất, ông Quyết từng là nhà sáng lập và đảm nhận chức vụ Chủ tịch HĐQT CTCP Hàng không Tre Việt (Bamboo Airways).

Theo báo cáo quản trị mới nhất được Tập đoàn FLC công bố, tại ngày 31/12/2023, ông Trịnh Văn Quyết sở hữu hơn 215,4 triệu cổ phiếu FLC (tỷ lệ 30,34% vốn). Cổ phiếu FLC hiện đang bị hủy niêm yết trên HoSE, về UPCoM và đang trong diện đình chỉ giao dịch. Giá tại thời điểm hủy giao dịch là 3.500 đồng/cp. Theo đó, khối tài sản theo vốn hóa cổ phiếu FLC mà ông Quyết nắm giữ là 754 tỷ đồng.

Với việc Tập đoàn FLC hiện vẫn chậm nộp báo cáo tài chính kiểm toán năm 2022-2023, chậm nộp báo cáo tài chính soát xét bán niên 2023; chưa họp ĐHCĐ thường niên 2023... con số tài sản hiện hữu mà ông Quyết đang sở hữu nhiều khả năng sẽ khó thay đổi.

Tuy nhiên, cần nhấn mạnh rằng, với sự bùng nổ của bộ đôi cổ phiếu FLC và ROS - những cổ phiếu từng nằm trong rổ VN30, cuối năm 2017, ông Trịnh Văn Quyết từng nắm giữ vị thế là người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam, vượt qua tỷ phú Phạm Nhật Vượng - Chủ tịch Vingroup.

Ông Trịnh Văn Quyết và mái tóc điểm bạc sau 28 tháng chờ xét xử
Diễn biến cổ phiếu FLC

Khi đó, tài sản theo vốn hóa cổ phần mà ông Quyết nắm giữ (135 triệu cổ phiếu FLC, 318,5 triệu cổ phiếu ROS và 2,6 triệu cổ phiếu ART) từng chạm mức 58.851 tỷ đồng - tăng 25.045 tỷ đồng so với trước đó một năm.

Tại thời điểm bị bắt (cuối tháng 3/2022), ông Quyết bị kê biên 3 tài sản bất động sản tại Khu đô thị Mỹ Đình II, Nam Từ Liêm, TP. Hà Nội với diện tích lần lượt gần 800m2, 200m2 và 200m2.

Ông Quyết và Tập đoàn FLC còn từng sở hữu du thuyền triệu USD FLC Albatross và 2 siêu xe Rolls-Royce. Tuy nhiên, số phận các tài sản hạng sang này đều khá hẩm hiu, đấu giá nhiều lần vẫn "ế".

Sau gần 28 tháng kể từ thời điểm bị khởi tố, tạm giam, đến nay, ở tuổi 49, cựu Chủ tịch Tập đoàn FLC - người từng được rất nhiều nhà đầu tư chứng khoán gọi thân mật là "anh Quyết" đã chính thức hầu tòa cùng với mái tóc đã có nhiều sợi bạc.

Ông Trịnh Văn Quyết và mái tóc điểm bạc sau 28 tháng chờ xét xử
Ông Trịnh Văn Quyết được dẫn giải tới Tòa án (Ảnh: Vietnamnet)

Tất nhiên, đây không phải vấn đề quá nghiêm trọng đối với ông Trịnh Văn Quyết - người tới đây sẽ phải "trả giá" trước pháp luật về những hành vi sai trái của mình.

Tuy nhiên, hệ quả đối với cổ đông FLC là tương đối lớn. Đã 3 năm nhà đầu tư gần như không được rạch ròi về sức khoẻ tài chính của tập đoàn. Đối với gần 65.000 cổ đông FLC, hiện hàng nghìn tỷ đồng (2.485 tỷ đồng giá trị đầu tư hợp lý theo vốn hóa hiện hữu) vẫn đang bị “mắc kẹt” sau gần 2 năm kể từ thời điểm gần 710 triệu cổ phiếu FLC bị huỷ niêm yết trên sàn HoSE và bị đình chỉ khi về UPCoM ngay sau đó.

Xem thêm tại nguoiquansat.vn