Pacific Airlines hoạt động ra sao trước khi được Quốc hội thông qua phương án gỡ khó?

Trong Nghị quyết Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV vừa được thông qua ngày 30/11, Quốc hội đã quyết định một số giải pháp tháo gỡ khó khăn do ảnh hưởng từ đại dịch COVID-19 đối với Vietnam Airlines và công ty con là hãng hàng không Pacific Airlines.

Theo đó, Quốc hội quyết nghị cho phép Tổng công ty Hàng không Việt Nam chào bán thêm cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu để tăng vốn điều lệ với quy mô tối đa 22.000 tỷ đồng. Đồng thời, cho phép Công ty cổ phần Hàng không Pacific Airlines được xóa tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp tính trên các khoản nợ thuế phát sinh theo quyết định của cơ quan thuế có thẩm quyền, còn nợ đến ngày 31/12/2024.

"Công ty cổ phần Hàng không Pacific Airlines có trách nhiệm nộp toàn bộ số tiền thuế còn nợ (nợ gốc) trước ngày 31/12/ 2024. Sau thời hạn trên, cơ quan thuế thực hiện tính tiền chậm nộp, đôn đốc và áp dụng các biện pháp cưỡng chế theo đúng quy định", Nghị quyết nêu rõ.

Trước đó, vào tháng 3/2024, Pacfic Airlines cũng từng được đối tác cho thuê tàu bay xoá nợ tới 220 triệu USD (tương đương hơn 3.000 tỷ đồng). Tuy nhiên, thoả thuận này yêu cầu hãng phải trả tất cả tàu bay. 

Từ đó, Pacific Airlines hoạt động bằng việc thuê lại tàu bày từ Vietnam Airlines để tiếp tục khai thác. Theo kế hoạch, Pacific Airlines đang thuê khô (chỉ thuê máy bay, không gồm tổ lái) ba máy bay từ Vietnam Airlines để duy trì số lượng tàu tối thiểu nhằm giữ giấy chứng nhận người khai thác tàu bay (AOC).

Sản lượng khai thác của các hãng hàng không Việt Nam trong tháng 10 và 10 tháng đầu năm. (Nguồn: Hạ An tổng hợp từ Cục HKVN).

Theo số liệu từ Cục Hàng không Việt Nam, trong tháng 10, Pacific Airlines thực hiện 366 chuyến bay, thấp nhất trong số các hãng hàng không ở Việt Nam. Hai hãng hàng không xếp trên Pacific Airlines lần lượt là Vietravel Airlines thực hiện được 394 chuyến bay và VASCO 489 chuyến bay.

Còn lại, Bamboo Airways khai thác được 1.150 chuyến bay, Vietnam Airlines 7.483 chuyến bay và Vietjet Air khai thác số chuyến bay cao nhất với 7.965 chuyến. 

Tương tự, cộng dồn 10 tháng đầu năm, Pacific Airlines cũng là hãng hàng không khai thác số chuyến bay thấp nhất trong số 6 hãng hàng không Việt Nam với 4.080 chuyến. 

Hành trình hoạt động và 4 lần 'đổi chủ'

Pacific Airlines là hãng hàng không được thành lập từ năm 1991 do Cục Hàng không dân dụng cùng 4 doanh nghiệp thành viên nắm đến gần 86,5% cổ phần. Đến năm 1993, Cục tái cơ cấu bộ phận khai thác thành Hãng hàng không Quốc gia Việt Nam (Vietnam Airlines) và chuyển toàn bộ cổ phần tại Pacific Airlines cho Vietnam Airlines quản lý.

Đến năm 2006, Chính phủ lại giao Pacific Airlines cho Tổng công ty đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) sau khi doanh nghiệp thuộc Bộ Tài chính này được thành lập. Tuy nhiên, chỉ sau đó một năm, SCIC bán 18% cổ phần hãng bay này cho Tập đoàn Qantas (Australia) và Pacific Airlines được đổi tên thành Jetstar Pacific, thành viên của Jetstar Airways.

Đây cũng là giai đoạn Jetstar Pacific được định hướng trở thành hãng bay giá rẻ đầu tiên tại Việt Nam. Tuy nhiên, hoạt động của Jetstar Pacific không mấy thuận lợi và phải đến năm 2009 mới có quý đầu tiên có lãi, nhưng ngay sau đó, họ lại liên tiếp vướng những lùm xùm về vấn đề thương hiệu, đồng thời để lộ ra hàng loạt sai phạm liên quan đến hệ thống kiểm tra, bảo dưỡng kỹ thuật máy bay... 

Đến năm 2012, SCIC chuyển lại phần vốn của Jetstar Pacific về cho Vietnam Airlines. Như vậy, hãng bay này hoạt động dưới tư cách là công ty con của Hãng hàng không quốc gia nhưng có 30% cổ phần thuộc sở hữu của Qantas trong 8 năm.

Do làm năm thua lỗ, từ cuối năm 2020, Qantas tặng lại 30% cổ phần của Pacific Airlines và làm thủ tục rút lui. Jetstar Pacific được đổi tên thành Pacific Airlines. Đến quý I/2022, thương vụ này đã hoàn tất và Vietnam Airlines nắm giữ gần 99% cổ phần tại Pacific Airlines kể từ đó đến nay.

Theo báo cáo thường niên năm 2023 của Vietnam Airlines, tổng doanh thu của Pacific Airlines đạt 4.804 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế lỗ 1.392 tỷ đồng. Dù vậy, so với các năm chịu ảnh hưởng của dịch COVID-19, Pacific Airlines đã có phần giảm lỗ. Trước đó, năm 2022, hãng bay này lỗ 2.096 tỷ đồng, năm 2021 lỗ 2.308 tỷ đồng và năm 2020 lỗ 2.143 tỷ đồng.

Xem thêm tại vietnambiz.vn