Phát triển kinh tế xanh doanh nghiệp và người lao động cùng hưởng lợi
Phát triển kinh tế xanh, bền vững một trong những vấn đề “nóng” trong hội nhập kinh tế quốc tế được nhiều doanh nghiệp, trong đó có các công ty thuộc Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (VRG) áp dụng vào quy trình sản xuất, kinh doanh bước đầu mang lại hiệu quả tích cực. Làm giảm thiểu ô nhiễm môi trường ngoài vườn cây, trong nhà máy và khu vực dân cư, góp phần nâng cao uy tín thương hiệu, giá trị sản phẩm của doanh nghiệp.
Ông Hoàng Long, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Nông trường Phú Riềng Đỏ, chia sẻ về quy trình thu gom mủ tạp để tiết kiệm cho doanh nghiệp và bảo vệ môi trường từ hoạt động rửa thùng được mủ cao su
Quan tâm phát triển kinh tế xanh
Mới đây chúng tôi cùng Đoàn Nhà báo thuộc Hội nhà báo TP.HCM, có chuyến đi thực tế viết bài về phát triển kinh tế xanh, bền vững đáp ứng hội nhập kinh tế quốc tế thời kỳ 4.0 của các doanh nghiệp ở khu vực Đông Nam bộ.
Đi đến đâu, tới doanh nghiệp nào trong các khu công nghiệp: Nam Tân Uyên; Bắc Đồng Phú, Nam Đồng Phú... và ngoài khu công nghiệp tại tỉnh Bình Dương, Bình Phước chúng tôi đều cảm nhận được sự vui mừng, phấn khởi của lãnh đạo, công nhân lao động khi nói về thành quả đạt được trong việc áp dụng quy trình sản xuất kinh doanh theo Chương trình “Tăng trưởng xanh, phát triển bền vững”. Đặc biệt là các doanh nghiệp thuộc VRG, họ đã đi trước đón đầu, thực hiện quy trình này từ nhiều năm trước nay đã gặt hái được thành quả xứng đáng.
Đoàn chúng tôi tới Công ty TNHH MTV Cao su Phú Riềng (Công ty Cao su Phú Riềng) và được ra thăm vườn cây, lấy tư liệu thực tiễn từ những công nhân trực tiếp khai thác mủ cao su “vàng trắng”. Và điểm đến của đoàn là Tổ 4, Nông trường Phú Riềng Đỏ, một trong những đơn vị thuộc Công ty Cao su Phú Riêng đã triển khai chương trình quản lý rừng cao su xanh, bền vững, theo chỉ đạo của Lãnh đạo VRG từ năm 2019.
Trên đường đi đại diện Công ty Cao su Phú Riềng cho biết, hiện công ty đang duy trì và áp dụng hiệu quả chứng chỉ quản lý rừng VFCS/PEFC; thực hiện tốt việc duy trì và cập nhật tiêu chuẩn chuỗi hành trình sản phẩm PEFC-CoC theo phiên bản mới PEFC ST 2002:2020 cho 2 nhà máy chế biến mủ cao su của mình. Đặc biệt, từ năm 2019 đến nay công ty liên tục được Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chứng nhận thuộc Top 100 doanh nghiệp phát triển bền vững của Việt Nam (năm 2023 công ty được VCCI cấp chứng chỉ doanh nghiệp thuộc Top 10 doanh nghiệp phát triển bền vững của Việt Nam). Hiện công ty đã hoàn thành việc gắn nhãn quản lý rừng bền vững trên các sản phẩm mủ và gỗ từ nguồn nguyên liệu rừng cao su mà công ty đạt chứng chỉ quản lý rừng bền vững.
Công nhân Tổ 4, Nông trường Phú Riềng Đỏ đang thu hoạch “vàng trắng”
Tiết trời miền Đông Nam bộ vào thu dịu mát, đường đi thuận lợi, đoàn tới nhà Tổ 4 chưa có công nhân nào về giao mủ. Tranh thủ phỏng vấn nhanh ông Nguyễn Văn Báu, Tổ trưởng Tổ 4 về những thay đổi của môi trường sống và quyền lợi của công nhân sau khi triển khai chương trình phát triển xanh bền vững. Ông Báu cho biết, qua thực hiện chương trình đến nay công nhân được làm việc trong môi trường an toàn, thu nhập lại được cải thiện, năm sau tăng hơn năm trước.
Tuy nhiên, ban đầu triển khai áp dụng quy trình sản xuất xanh, bền vững và thân thiện môi trường tại tổ cũng gặp nhiều khó khăn. Một số công nhân phản đối việc phải tự thu gom rác thải và cho rằng, họ đâu phải là công nhân vệ sinh. Nhưng qua tuyên truyền thuyết phục công nhân dần hiểu được bảo vệ môi trường cũng chính là bảo vệ sức khỏe cho bản thân và gia đình mình. Qua đó, tham gia tích cực trong bảo vệ môi trường tại vườn cây, nơi giao mủ và cả khu vực họ sinh sống. “Trước kia chai lọ, rác các loại vứt rất nhiều trong lô cao su. Nay mọi công nhân đều có ý thức rồi, không còn vứt rác thải ra vườn cây nữa”, ông Báu nói.
Nâng cao thương hiệu doanh nghiệp
Chia sẻ với đoàn, ông Lưu Thế Doanh, Chủ tịch HĐTV Công ty Cao su Phú Riềng cho biết, hiện công ty đang quản lý hơn 19.867 ha đất, trong đó có 19.079 ha cao su, nằm trên địa bàn 5 huyện, thị xã của tỉnh Bình Phước. Với 17 đơn vị trực thuộc gồm: 10 nông trường, 1 nông lâm trường, 2 nhà máy chế biến mủ cao su, 1 bệnh viện với 100 giường bệnh, 1 trung tâm văn hóa thể thao… Công ty đang duy trì và áp dụng hiệu quả chứng nhận Hệ thống quản lý môi trường theo tiêu chuẩn ISO 14001:2015. Số lượng sử dụng hóa chất cho hoạt động sản xuất của các nông trường và 2 nhà máy của công ty trong những năm qua đều thấp hơn kế hoạch đề ra. Bên cạnh đó, công ty đã áp dụng những giải pháp tiết kiệm tối đa hóa chất như: thực hiện giám sát và quản lý đúng định mức kỹ thuật của công ty trong hoạt động sản xuất, giảm lượng NH3 để bảo quản mủ từ nông trường về nhà máy, giảm lượng Acid acetic đánh đông mủ chén…
Còn nữa với việc công ty áp dụng các giải pháp sử dụng biến tần, tái sử dụng nước thải trong sản xuất, sử dụng lò hơi tải nhiệt dùng biomass thay thế cho LPG trong việc sấy mủ nguyên liệu… giúp công ty mỗi năm tiết kiệm nhiều tỷ đồng, lại đảm bảo vệ sinh môi trường, góp phần nâng cao sức khỏe, chất lượng cuộc sống của người lao động và người dân địa phương.
Công nhân làm việc tại nhà máy Tân Lập, một trong hai nhà máy của Công ty CP Cao su Đồng Phú đã được áp dụng chuỗi hành trình sản phẩm PEFC-CoC
Ông Lưu Thế Doanh cho biết thêm, từ năm 2002 lãnh đạo công ty đã đặt ra mục tiêu “3 củng cố và 4 phát triển”, trong đó có củng cố vườn cây là nhiệm vụ trọng tâm. Từ đó, sản lượng khai thác hàng năm của công ty đạt từ 24.000 đến 28.000 tấn, vượt kế hoạch VRG giao từ 7 đến 10%/năm... Hiện công ty là một trong số ít đơn vị có 18 năm liền nằm trong câu lạc bộ 2 tấn của VRG. Cùng với đó, sản lượng cao su chế biết và tiêu thụ hàng năm của công ty đạt từ 33.000 – 36.000 tấn; doanh thu đạt từ trên 1.300 – 1.800 tỷ đồng, lợi nhuận đạt từ trên 300 – 600 tỷ đồng, nộp ngân sách hàng năm từ 130- 200 tỷ đồng.
Với những kết quả đạt được, góp phần tạo việc làm ổn định cho trên 5.000 cán bộ, viên chức và người lao động. Với mức thu nhập bình quân hàng năm nằm trong tốp cao nhất của VRG. Cụ thể, năm 2022 bình quân thu nhập của người lao động của Công ty Cao su Phú Riềng là 12 triệu đồng/người/tháng; năm 2023 tình hình thị trường khó khăn chung, giá mủ xuống thấp công ty vẫn đảm bảo mức thu nhập của người lao động trên 11,9 triệu đồng/người/tháng.
Chia tay Công ty Cao su Phú Riềng, đoàn chúng tôi tiếp tục tới nhà máy chế biến mủ cao su của Công ty Cổ phần (CP) Cao su Đồng Phú. Công ty này cũng là một trong nhiều đơn vị thuộc VRG đã thực tốt chiến lược phát triển bền vững trên cả ba phương diện kinh tế, môi trường và xã hội từ nhiều năm trước.
Đưa chúng tôi thăm dây truyền chế biến mủ tinh của nhà máy Thuận Phú, ông Hồ Cường, Tỉnh ủy viên tỉnh Bình Phước, Bí thư Đảng ủy, Tổng Giám đốc Công ty CP Cao su Đồng Phú cho biết, công ty đang quản lý hơn 9.300 ha đất cao su tại tỉnh Bình Phước, gần 6.500 ha tại Campuchia và khoảng 750 ha tại tỉnh Đắk Nông. Công suất chế biến của công ty đạt hơn 22.000 tấn mủ/năm, gồm: nhà máy Tân Lập chuyên sản xuất mủ Latex với công suất 6.000 tấn/năm và nhà máy Thuận Phú chuyên sản xuất mủ khối với công suất 16.000 tấn/năm.
Ông Hồ Cường cho biết thêm, thời gian qua công ty luôn thực tốt chiến lược phát triển bền vững trên cả ba phương diện kinh tế, môi trường và xã hội; duy trì quản lý rừng bền vững theo Hệ thống Chứng chỉ rừng Quốc gia VFCS/PEFC-FM và chuỗi hành trình sản phẩm PEFC-CoC cho các nhà máy chế biết mủ. Đồng thời, công ty luôn đổi mới quy trình, áp dụng các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất kinh doanh; phát động nhiều phong trào thi đua lao động sản xuất, tích cực nghiên cứu khoa học, qua đó đã có nhiều sáng kiến để nâng cao chất lượng sản phẩm, tiết kiệm trong sản xuất, tăng hiệu quả kinh doanh và bảo vệ môi trường.
Sản phẩm Nệm Đồng Phú được sản xuất từ cao su thiên nhiên
Đặc biệt, Lãnh đạo Công ty CP Cao su Đồng Phú luôn chủ động, linh hoạt trong lãnh đạo điều hành, triển khai đồng bộ các giải pháp sáng tạo trong sản xuất, kinh doanh, phát huy vai trò làm chủ thật sự của người lao động. Qua đó, thu được kết quả tốt trong sản xuất, năng suất, chất lượng sản phẩm không ngừng nâng cao; đời sống người lao động được cải thiện. Năm 2023, mặc dù gặp nhiều khó khăn do thời tiết và giá bán mủ cao su xuống thấp nhưng công ty vẫn bảo đảm mức thu nhập bình quân của người lao động trên 10,5 triệu đồng/người/tháng.
Sau hai ngày làm việc, đã thu hoạt đủ tài liệu, hiểu rõ về Net Zero và Chương trình “Tăng trưởng xanh, phát triển bền vững”, chúng tôi chia tay ông Hồ Cường và Ban Lãnh đạo Công ty CP Cao su Đồng Phú cùng những công nhân trực tiếp làm việc tại nhà máy chế biến mủ cao su Thuận Phú để trở lại thành phố mang tên Bác.
Xe của đoàn lượn quanh những lô cao su đang vào chính vụ thu hoạch “vàng trắng” của các doanh nghiệp thuộc VRG đã duy trì áp dụng quản lý rừng bền vững. Dưới tán rừng cao su xanh ngút ngàn, thấp thoáng bong một vài công nhân đang thu gom rác thải và vỏ chai, lọ nhựa đã sử dụng để vào nơi quy định làm tăng thêm vẻ đẹp cho bức tranh “Chiều thu tình đất đỏ miền Đông”./.
Xem thêm tại vnrubbergroup.com