'Quay xe' Chủ tịch Hoa Sen Lê Phước Vũ muốn chuyển cổ phần cho con gái út thay vì quỹ phi lợi nhuận
Tại ĐHCĐ thường niên niên độ 2020-2021, Chủ tịch Lê Phước Vũ đã chia sẻ về việc rút khỏi HSG để xuất gia vào năm 2026.
“Tôi sẽ ra đi trong trách nhiệm chứ không phải ra đi với một mớ tiền. Dù ở trên núi nhưng tôi vẫn chỉ đạo hoạt động”, ông Lê Phước Vũ chia sẻ tại thời điểm tháng 1/2021. Đến ĐHCĐ thường niên niên độ 2022-2023, Chủ tịch HSG tiếp tục nhắc lại về kế hoạch này, đồng thời tiết lộ sẽ chuyển tài sản cho quỹ phi lợi nhuận.
Đồng thời, tại ĐHĐCĐ năm 2023, ông Vũ cũng từng chia sẻ sẽ chuyển tài sản cho quỹ phi lợi nhuận sau khi chính thức xuất gia. "4 năm nữa, tôi sẽ là một ông sư. Tôi phải giữ đúng giới luật của Phật là vô sở hữu. Bởi vậy, 3 năm qua, tôi trăn trở giải quyết vấn đề thừa kế và chọn người lãnh đạo HSG trong tương lai".
Tuy nhiên, sáng nay (18/3), tại ĐHĐCĐ thường niên của Tập đoàn Hoa Sen (HSG) năm 2024, ông Lê Phước Vũ cho biết vẫn còn tính chuyện gắn bó với HSG trong vòng 5-10 năm nữa, thậm chí lâu hơn. Ông Vũ đánh giá tình hình kinh tế hiện nay đang trong giai đoạn phức tạp, còn nhiều thách thức và khó khăn, đòi hỏi ông phải dành nhiều thời gian quản trị hơn.
Ông Lê Phước Vũ - Chủ tịch Tập đoàn Hoa Sen |
>> Hoa Sen (HSG) thông tin về tỷ lệ chia cổ tức bằng tiền năm 2023
“Tôi đang xây dựng dự án Đại Tùng Lâm Hoa Sen, còn nhiều công trình chưa hoàn thiện nên tôi chưa thể nghỉ sớm được. Sau khi thảo luận với HĐQT HSG, các thành viên Ban quản trị đề nghị tôi lùi lại”, ông Vũ chia sẻ tại đại hội.
Chủ tịch HSG cho biết đã quyết định chọn một đại gia, tỷ phú để chuyển giao HSG. Tuy nhiên, sau khi tiếp xúc 3-4 lần cùng các thành viên HĐQT, kết quả không thể bàn giao được do Ban quản trị cảm thấy không phù hợp, không thể bán cổ phần HSG chỉ đổi lại lợi nhuận.
Về việc lập quỹ để chuyển giao toàn bộ tài sản, ông Trần Ngọc Chu - Phó Chủ tịch HĐQT HSG - cho biết đã gặp gỡ với luật sư, tuy nhiên kết quả không phù hợp với yêu cầu của ông Lê Phước Vũ do quỹ sẽ vẫn hoạt động tương tự một công ty. Do đó, Ban quản trị đã đề nghị Chủ tịch HSG giao tài sản cho các con thừa kế sau khi xuất gia.
Theo đó, người dự kiến sẽ kế tục sự nghiệp của ông Lê Phước Vũ tại HSG là con gái út sinh năm 2001 của ông, hiện đang học tập ở Australia.
Đại diện ban chủ tọa cũng lưu ý cổ đông việc này không phải xảy ra ngay năm sau mà ít nhất 7-10 năm nữa, khi con gái Chủ tịch vững vàng thì ông Vũ mới xuất gia, lùi thời gian xuất gia thêm vài năm.
“Tôi không hề muốn con gái thay mình bởi điều hành tập đoàn phải dấn thân. Nó là con gái, tôi không muốn nó mang gánh nặng. Tôi cũng không muốn con mình là thiếu gia, tiền bạc nhiều nhưng không kiểm soát được lòng tham thì chỉ mang họa.
Nhưng thắp đuốc giữa ban ngày tìm không ra một người doanh nhân để tôi chuyển giao. Ngoài năng lực còn đạo đức, tinh thần trách nhiệm với cộng đồng. Tôi muốn rút mà không biết rút như thế nào. Nếu tôi bán thì Hoa Sen sẽ nát ngay, nát ở tính trung thực, chính trực, trách nhiệm.
Muốn thay đổi gì thì cũng gần 10 năm nữa. Con gái tôi nó không thích nhận đâu, nó khóc và nói con sợ trách nhiệm. Tôi động viên nó, con có thể khởi đầu bằng công việc của một nhân viên, xuống nhà máy để biết công việc ở nhà máy. 10 năm nữa, nếu con sẵn sàng thì làm, nếu không thì ba tính bài khác.
Hôm nay, tôi thông báo để cổ đông nắm thông tin và tôi có trách nhiệm phải thông báo khi đã có sự thay đổi so với thông báo ban đầu” - ông Lê Phước Vũ chia sẻ.
Được biết, ông Lê Phước Vũ có 3 người con là ông Lê Hoàng Vũ Trí, bà Lê Hoàng Diệu Tâm và bà Lê Hoàng Diệu Thiện. Tỷ lệ sở hữu của ông Vũ là 17,02% vốn, tương ứng hơn 104,8 triệu cổ phiếu. Số cổ phần này tương ứng khoảng 2.200 tỷ đồng (theo giá cổ phiếu ngày 18/3).
Ông Nguyễn Văn Luân, thành viên HĐQT HSG cho biết các thành viên ban quản trị cho biết đã tiếp xúc và trao đổi với con gái út của ông Vũ. Theo đó, HĐQT cho rằng việc chuyển giao cho con gái của ông Vũ là hành động hợp lý, là tầm nhìn dài hạn để HSG tồn tại và phát triển bền vững.
Theo ông Nguyễn Văn Luân, khi con gái ông Vũ hoàn thành quá trình học tập và về nước, cùng với sự trợ giúp của ông Trần Ngọc Chu và ông Vũ Văn Thanh - Phó Tổng Giám đốc, HSG sẽ ổn định và phát triển bền vững.
Về phía ông Lê Phước Vũ, ông cho biết vẫn sẽ tìm hướng chuyển cổ phiếu vào một quỹ vì sau khi xuất gia sẽ không còn sở hữu tài sản. “Tôi không lấy tiền công đức, tiền ăn, mặc, ở, bệnh, chết tôi sẽ tự lo bằng tiền cổ tức”, Chủ tịch HSG chia sẻ.
Về kết quả kinh doanh của Tập đoàn Hoa Sen, ông Vũ nhận định năm 2023 là một năm tình hình kinh tế, địa chính trị biến động nhanh, phức tạp, lộ rõ nhiều thách thức không chỉ riêng ngành thép mà tất cả các ngành nghề sản xuất, ảnh hưởng mạnh đến doanh thu, lợi nhuận của hầu hết doanh nghiệp.
Trong bối cảnh các doanh nghiệp tìm cách tồn tại, vượt qua khó khăn, Tập đoàn Hoa Sen đã nỗ lực đạt lãi sau thuế 30 tỷ đồng. Hoạt động tái cấu trúc bước đầu đạt được kết quả khi CTCP Nhựa Hoa Sen ghi nhận lợi nhuận thuần trong hai niên độ liên tiếp.
Chia sẻ về kế hoạch kinh doanh niên độ 2023-2024, tập đoàn tiếp tục đặt kế hoạch kinh doanh với 2 kịch bản. Kịch bản 1, doanh thu dự kiến 34.000 tỷ đồng, tăng 7% và lợi nhuận sau thuế dự kiến 400 tỷ đồng, gấp 13 lần so với thực hiện niên độ trước, dự kiến niêm yết 2 công ty con. Kịch bản 2 là doanh thu dự kiến 36.000 tỷ đồng, tăng 14% và lợi nhuận sau thuế dự kiến 500 tỷ đồng, gấp 17 lần so với thực hiện niên độ trước.
2 kịch bản kế hoạch kinh doanh của Tập đoàn |
Ông Vũ tiết lộ lãi vay bình quân của Tập đoàn hiện nay chỉ 2,1%/năm. Hạn mức tín dụng 18.000 tỷ đồng, dư nợ hiện hơn 5.000 tỷ đồng. Dự nợ lên cao do tính thời điểm đáp ứng đơn hàng, tồn kho tăng cao, thông thường dư nợ chỉ khoảng 3.000 tỷ đồng. Hơn nữa, hoạt động kinh doanh ổn định, dòng tiền dương dự kiến 1.500-2.000 tỷ đồng mỗi năm.
Trong chiến lược 2024-2029, tập đoàn xem xét mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh sang các lĩnh vực như tài chính, ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, bất động sản, công nghệ, du lịch và nhiều lĩnh vực khác. Tổng mức đầu tư tối đa cho các ngành nghề mở rộng không quá 5.000 tỷ đồng.
Trước kỳ họp Đại hội, HĐQT đã thông qua việc thành lập Công ty cổ phần Hoa Sen Sài Gòn có vốn điều lệ 100 tỷ đồng. Tập đoàn Hoa Sen sẽ sở hữu 40% vốn điều lệ, còn lại 60% là các cổ đông sáng lập khác.
Công ty mới thành lập sẽ hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản, thực hiện nhiệm vụ tìm kiếm bất động sản trị giá 1.000-3.000 tỷ đồng để phát triển dự án văn phòng - trung tâm thương mại - nhà ở, bố trí văn phòng làm việc cho tập đoàn, cho thuê hoặc xem xét chuyển nhượng nếu điều kiện phù hợp.
>> Hoa Sen (HSG) muốn đầu tư thêm lĩnh vực ngân hàng, chứng khoán, công nghệ bán dẫn tối đa 5.000 tỷ đồng
Xem thêm tại nguoiquansat.vn