Kết thúc 3 quý đầu năm 2024, có tới 18 quỹ cổ phiếu đạt lợi nhuận cao hơn mức tăng trưởng 13,98% của chỉ số VN-Index, 12 quỹ trong đó đạt lợi nhuận trên 20%, theo số liệu của Fmarket.
Các quỹ đầu tư chiến thắng chỉ số VN-Index trong 9 tháng đầu năm |
Nhìn vào danh mục đầu tư của các quỹ chiến thắng thị trường, dễ nhận thấy sự xuất hiện của một số cổ phiếu ít ỏi đóng vai trò “công thần”.
Top 5 cổ phiếu chiếm tỷ trọng lớn nhất danh mục đầu tư của các quỹ (Tính tới ngày 30/9/2024)
Top 5 | VMEEF | SSISCA | VLGF | BVPF | VCBF-BCF | MAGEF | DCDS | VEOF | MAFEQI | VESAF |
1 | FOX | FPT | ACB | FPT | FPT | FPT | FPT | FPT | FPT | FPT |
2 | ACB | ACB | FPT | ACB | MBB | MWG | MWG | VCB | CTG | MBB |
3 | VCB | MWG | MWG | QTP | STB | FUEKIVFS | CTG | MBB | VCB | GMD |
4 | FPT | CTG | MBB | MBB | MWG | HPG | ACB | CTG | ACB | ACB |
5 | VIB | MBB | KDH | TCB | HPG | MBB | MBB | MWG | MBB | VIB |
“Công thức” chung của các quỹ đầu tư đạt hiệu suất cao hơn đà tăng của VN-Index trong thời gian qua là nắm giữ một số cổ phiếu vốn hoá lớn, trong đó có sự xuất hiện của FPT ở vị trí Top 1 trong danh mục đầu tư lớn nhất của một loạt quỹ.
Từ đầu năm 2024, cổ phiếu FPT đã có đến 35 lần lập đỉnh. So với đầu năm, giá cổ phiếu đã tăng gần 70%, đưa vốn hóa thị trường của tập đoàn công nghệ lớn nhất Việt Nam lên tới gần 207.000 tỷ đồng (khoảng 8,4 tỷ USD).
Diễn biến giá cổ phiếu theo sát kết quả kinh doanh tích cực của FPT. Cụ thể, theo kết quả kinh doanh quý III/2024 mới được công bố ngày 18/10, luỹ kế 9 tháng đầu năm, FPT ghi nhận doanh thu đạt 45.241 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế đạt 8.111 tỷ đồng, lần lượt tăng 19,3% và 19,8% so với cùng kỳ năm trước.
Năm 2024, FPT lập kế hoạch kinh doanh cao kỷ lục với mục tiêu doanh thu 61.850 tỷ đồng (khoảng 2,5 tỷ USD) và lợi nhuận trước thuế 10.875 tỷ đồng, đều tăng khoảng 18% so với kết quả thực hiện năm 2023. Như vậy, sau 9 tháng, tập đoàn này đã hoàn thành 73% mục tiêu doanh thu và 75% mục tiêu lợi nhuận cả năm.
Đáng chú ý, doanh thu ký mới của Tập đoàn FPT đã cán mốc 1 tỷ USD, đạt 25.121 tỷ đồng, tương ứng mức tăng 20% so với cùng kỳ năm ngoái, tập trung chủ yếu tại thị trường Nhật Bản và APAC.
Tập đoàn FPT cho biết đang tiếp tục ghi nhận nhiều đơn hàng lớn từ thị trường nước ngoài, thắng thầu 33 dự án lớn với quy mô trên 5 triệu USD, tăng 65% so với cùng kỳ năm trước.
Ngoài tâm điểm FPT, một số cổ phiếu, nhóm cổ phiếu khác cũng có đóng góp nhiều cho kết quả đầu tư của các quỹ như MWG, các mã ngân hàng.
Cập nhật hoạt động Quỹ VESAF mới nhất (ngày 16/10), VinaCapital cho biết, các công ty trong danh mục đầu tư của Quỹ tiếp tục cho thấy sự cải thiện trong hoạt động. Hiệu suất kinh doanh tháng 8 của cả FPT và Thế giới Di động (MWG) đạt kỳ vọng, trong khi ước tính sơ bộ cho thấy kết quả tháng 9 là tích cực đối với Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ).
“Chúng tôi nhận thấy rằng hiện tại đã có nhiều yếu tố thuận lợi hơn cho thị trường chứng khoán so với vài tháng trước đây, cụ thể là hầu hết các số liệu kinh tế của Việt Nam đều tốt hơn kỳ vọng, áp lực về lãi suất và tỷ giá đã giảm đáng kể với việc Fed bắt đầu vào chu kỳ giảm lãi suất, nền kinh tế Mỹ được hầu hết các chuyên gia dự báo sẽ không xảy ra suy thoái và TTCK Việt Nam được kỳ vọng sẽ nâng hạng trong năm 2025. Chỉ số VN-Index đang được giao dịch ở mức định giá hợp lý cho đầu tư dài hạn (P/E năm 2024 khoảng 12 lần) và chúng tôi vẫn giữ dự báo tăng trưởng lợi nhuận trung bình của các doanh nghiệp niêm yết ở mức quanh 20% cho cả năm 2024 và 2025”, VinaCapital nhận định.
Ngành ngân hàng cũng là nhóm cổ phiếu đóng góp nhiều nhất cho kết quả đầu tư của các quỹ trong 9 tháng đầu năm. Trong đó, các cổ phiếu được quỹ đầu tư ưu ái bao gồm: ACB, MBB, VCB…
Theo VinaCapital: “Ngành ngân hàng vẫn chiếm một tỷ trọng lớn trong danh mục của quỹ do chúng tôi thấy rằng nền kinh tế đang hồi phục tích cực từ những khó khăn trong năm 2022 - 2023, đồng thời hầu hết các cổ phiếu ngân hàng vẫn đang giao dịch ở mức thị giá trên giá trị sổ sách (P/B) thấp hơn mức trung bình trong quá khứ”.
Trong khi đó, theo Dragon Capital, kết thúc tháng 9, Quỹ DCDS tăng 0,56% so với tháng trước, nhờ vào mức tăng tích cực từ các cổ phiếu ngành Ngân hàng như STB (+9,2%), CTG (+5,4%) và ACB (+3,8%). Tâm lý nhà đầu tư đối với ngành dần cải thiện nhờ nhu cầu tín dụng gia tăng, phản ánh sự phục hồi rõ rệt của các hoạt động kinh tế so với những năm trước.
“Trong thời gian tới, Quỹ sẽ tiếp tục ưu tiên lựa chọn các ngành có định giá hấp dẫn và tiềm năng tăng trưởng rõ rệt như Ngân hàng, Bán lẻ và Chứng khoán”, Dragon Capital cho biết.
Một đại diện nhóm bán lẻ cũng xuất hiện dày đặc trong danh mục đầu tư lớn của các quỹ là MWG. Theo VinaCapital, MWG đang duy trì mức doanh thu từng cửa hàng như kỳ vọng trong những tháng gần đây.
Bên cạnh đó, theo cập nhật mới đây của Chứng khoán Rồng Việt, lợi nhuận sau thuế của Thế giới Di động (MWG) trong quý III/2024 dự báo đạt tới 941 tỷ đồng, tăng gấp hơn 24 lần so với cùng kỳ năm 2023. Mức tăng ấn tượng này chủ yếu đến từ mức nền so sánh thấp của năm 2023.
Dựa trên điều kiện thị trường hiện tại, Chứng khoán Rồng Việt dự phóng lợi nhuận sau thuế quý IV/2024 của Thế giới Di động đạt khoảng 987 tỷ đồng, tăng gấp gần 10 lần so với cùng kỳ năm 2023.
Như vậy, lãi ròng cả năm của Thế giới Di động có thể đạt tới 4.003 tỷ đồng, tăng gấp 24 lần so với năm 2023, và gần tương đương với mức lãi ròng của năm 2022 (4.100 tỷ đồng). Năm nay, Thế giới Di động đặt mục tiêu lãi ròng chỉ ở mức 2.400 tỷ đồng.
Đáng chú ý, ngày 22/10/2024, Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM (HOSE) vừa công bố kết quả cơ cấu danh mục VNDiamond kỳ tháng 10/2024. Theo đó, cổ phiếu MWG được thêm vào danh mục VNDiamond sau 6 tháng bị loại ra.