Quỹ ngoại "trầy trật" trên thị trường chứng khoán

VN-Index khởi đầu năm 2024 đầy tích cực với mức tăng 13,6% trong quý 1. Việc Quốc hội thông qua Luật Đất đai và Luật Các tổ chức tín dụng cũng như tăng trưởng lợi nhuận quý 1 của các công ty niêm yết đạt mức 11,3% so với cùng kỳ đã đưa VN-Index tiến gần đến mốc 1.300 điểm.

Tuy nhiên, thị trường trong quý 2 trở nên khó khăn hơn khi nhà đầu tư bắt đầu chờ đợi những thông tin về kết quả kinh doanh. Riêng tháng 6, VN-Index đóng cửa tháng 6/2024 tại 1.245,32 điểm, giảm 16,4 điểm tương đương giảm 1,3% so với cuối tháng 5/2024, với thanh khoản gần như đi ngang. 

QUỸ NGOẠI NGẬM NGÙI BÁO LỖ

Trong bối cảnh thị trường khó khăn, một vài quỹ chủ động và cả ETF ngậm ngùi báo hiệu suất chật vật đi ngang, thậm chí nhiều quỹ thua lỗ. 

Vietnam Holding cho biết hiệu suất của quỹ đi ngang do ảnh hưởng của tâm lý nhà đầu tư nội địa. Mặc dù vậy, theo quỹ này, thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn có định giá hấp dẫn hơn so với các thị trường trong khu vực.

Sự nhiệt tình của nhà đầu tư với lĩnh vực công nghệ vẫn tiếp tục diễn ra, không ít sau khi phái đoàn của NVIDIA đã đến thăm Việt Nam và công bố các thỏa thuận hợp tác với các công ty như FPT, công ty nắm giữ hàng đầu của quỹ. FPT có kết quả nổi trội khi các nhà đầu tư sẵn sàng trả một mức giá cao hơn cho ngành công nghệ thông tin đang phát triển nhanh chóng của Việt Nam. 

Quỹ Lumen Vietnam Fund (LVF) kết thúc tháng 6 năm 2024 cũng ghi nhận hiệu suất âm 0,49% so với tháng trước, đưa mức tăng trưởng lũy kế từ đầu năm đến nay lên 7,0%, mức này vẫn kém so với VNAS tăng 8,1% từ đầu năm.

Các ETF cũng báo hiệu suất âm nặng như Fubon FTSE âm 1,88%; VanEck Vectors âm 3,43%; Xtrackers FTSE âm 2,73%; Premia MSCI Vietnam ETF âm 2,60%. 

Ngược lại, quỹ ngoại đến từ Phần Lan - PYN Elite lại vượt trội hơn so với VN-Index khi ghi nhận mức tăng 1,8%. Một số ETF khác cũng tăng nhưng không đáng kể như DCVFMVN Diamond ETF tăng 2,36%; DCVFM VN30 ETF tăng 1,04%; KIM Growth VN30 ETF tăng 1,07%.

Nhận định về thị trường trong thời gian tới, theo Pyn Elite Fund, kết quả kinh doanh tốt hơn từ các công ty niêm yết trong năm nay và lãi suất sẽ vẫn ở mức vừa phải. Về cuối năm, có thể giả định rằng đồng Đô la Mỹ sẽ bắt đầu suy yếu, trong trường hợp đó, Đồng Việt Nam có thể tăng giá và ảnh hưởng tích cực đến tâm lý thị trường chứng khoán.

Những "yếu tố dữ dội" của thị trường chứng khoán cũng bao gồm việc giới thiệu hệ thống giao dịch mới KRX của sàn giao dịch và việc bỏ quy tắc thanh toán trước. Mục tiêu chỉ số VN-Index được các công ty chứng khoán Việt Nam công bố thấp hơn so với quỹ, ở mức 1.400-1.500 điểm, nhưng quỹ thấy mức 1.700 điểm cũng có thể đạt được vào cuối năm.

TIN TƯỞNG CHÍNH PHỦ TIẾP TỤC NỚI LỎNG CHÍNH SÁCH TÀI KHÓA VÀ TIỀN TỆ

Lumen Vietnam Fund cũng đưa ra một số yếu tố chính định hình sự tăng trưởng của thị trường những tháng cuối năm gồm: Khả năng giảm áp lực bán ra của nhà đầu tư nước ngoài là một yếu tố tích cực đáng kể cho thị trường. Khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thể giảm lãi suất, các thị trường mới nổi, bao gồm Việt Nam, được kỳ vọng sẽ thu hút sự quan tâm mới của nhà đầu tư nước ngoài.

Việc Việt Nam được nâng lên địa vị Thị trường Mới nổi bởi FTSE vào tháng 9 năm 2025 có thể sẽ thúc đẩy thêm các dòng vốn đầu tư nước ngoài, khi các thay đổi về quy định, như việc gỡ bỏ yêu cầu thanh toán trước, được kỳ vọng sẽ cải thiện khả năng tiếp cận thị trường.

Triển vọng phục hồi kinh tế của Việt Nam dự kiến sẽ tăng tốc, với dự báo tăng trưởng GDP trong năm tài chính 2024 được điều chỉnh tăng lên 6,4% từ mức dự báo trước đó là 6%. Sự tăng trưởng này được thúc đẩy bởi sự tăng trưởng mạnh mẽ trong tiêu dùng, sản xuất, xuất khẩu và đầu tư trực tiếp nước ngoài (FD), tạo nền tảng vững chắc cho sự tăng trưởng kinh tế liên tục.

Tương tự, Vietnam Holding cho rằng tăng trưởng GDP trong nửa đầu năm đạt +6,4% so với cùng kỳ nhờ sản xuất công nghiệp duy trì ổn định, các biện pháp kiểm soát lạm phát hiệu quả và sự gia tăng không ngừng của đầu tư nước ngoài. 

Việc giải ngân đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tại Việt Nam tiếp tục phát triển mạnh mẽ trong tháng 6, đạt 10,8 tỷ USD trong nửa đầu năm 2024, tăng 8,2% so với cùng kỳ, mức tăng cao nhất trong nửa đầu năm kể từ năm 2012. Hơn nữa, FDI được giải ngân dự kiến sẽ tăng 10% mỗi năm trong giai đoạn 2024 đến 2026 do ghi nhận các đăng ký lớn trong năm 2023.

Việt Nam vẫn đang ở vị trí ngày càng hấp dẫn về địa điểm, lực lượng lao động có trình độ và tầng lớp trung lưu đang phát triển, cùng với việc các công ty đa quốc gia tiếp tục đa dạng hóa chuỗi cung ứng từ Trung Quốc. Việc nâng cấp gần đây các mối quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Mỹ, Nhật Bản, Úc cũng đang tăng cường vai trò của Việt Nam trong thương mại toàn cầu.

Việt Nam tiếp tục ghi nhận doanh số bán lẻ lành mạnh trong tháng 6, tăng 9,1% so với tháng 5. Đầu tư công tăng 4,8% trong nửa đầu năm 2024 cũng đã đóng một vai trò then chốt trong câu chuyện tăng trưởng của đất nước. Theo Bộ Tài chính, trong 5 tháng đầu năm 2024 (5M2024) đã ghi nhận thặng dư ngân sách 9,5 tỷ USD, từ đó tạo điều kiện để chính phủ làm thêm nhiều việc để thúc đẩy phục hồi kinh tế.

"Chúng tôi kỳ vọng tăng trưởng tín dụng năm 2024 sẽ ở mức khoảng 13-15% và Chính phủ sẽ tiếp tục nới lỏng chính sách tiền tệ và tài khóa trong nửa cuối năm", Vietnam Holding nhấn mạnh. 

Xem thêm tại vneconomy.vn