Nhìn lại thị trường trái phiếu doanh nghiệp năm 2024, Công ty Cổ phần FiinRatings cho rằng, thị trường trái phiếu doanh nghiệp sơ cấp Việt Nam ghi nhận sự bứt phá mạnh mẽ với tổng giá trị phát hành đạt 443 nghìn tỷ đồng. Đây là tín hiệu tích cực, cho thấy niềm tin của nhà đầu tư vào triển vọng của nền kinh tế và khả năng huy động vốn của các doanh nghiệp trong bối cảnh phục hồi.

Ngân hàng rầm rộ phát hành, tăng 130% cùng kỳ

Năm 2024 là một dấu mốc ấn tượng đối với thị trường trái phiếu doanh nghiệp, với tổng giá trị phát hành ghi nhận mức tăng trưởng đáng kể. Điều này không chỉ phản ánh sự phục hồi mạnh mẽ của thị trường mà còn tạo ra nhiều cơ hội hấp dẫn cho các doanh nghiệp và nhà đầu tư. Giá trị phát hành mới trong năm 2024 bật tăng mạnh so với hai năm trước đây, tương ứng tăng khoảng 30% so với năm 2023 và 65% so với năm 2022.

Ngành ngân hàng giữ ngôi vương phát hành trái phiếu doanh nghiệp

Trong đó, ngành ngân hàng tiếp tục giữ vị trí chủ lực với giá trị phát hành gần 300 nghìn tỷ đồng, chiếm tới 67,1% tổng giá trị phát hành. Sự thống trị của ngân hàng không chỉ thể hiện sức mạnh tài chính mà còn là động lực quan trọng thúc đẩy nền kinh tế phục hồi.

"Mặc dù tỷ lệ chậm trả trái phiếu doanh nghiệp vẫn cao và áp lực đáo hạn vẫn lớn nhưng chúng tôi đánh giá các vấn đề cũ cơ bản đã được tái cơ cấu hoặc thẩm thấu vào chất lượng tín dụng ngân hàng qua tỷ lệ nợ xấu gộp tăng khá cao. Chất lượng tín dụng các tổ chức phát hành mới năm 2024 cơ bản tốt hơn các doanh nghiệp phát hành ở giai đoạn trước kia" - ông Nguyễn Quang Thuân - Chủ tịch Công ty cổ phần FiinRatings nhận định.

Ông Nguyễn Quang Thuân - Chủ tịch Công ty cổ phần FiinRatings cho rằng, đây là mức tăng trưởng mạnh mẽ và chỉ sau năm đỉnh cao 2020-2021 trước khi xảy ra nhiều sự kiện lùm xùm, tiêu cực và suy giảm sau đó.

Số liệu của Công ty cổ phần Chứng khoán MB (MBS) cũng cho thấy, ngân hàng là nhóm ngành có giá trị phát hành cao nhất, tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ lên tới 130% cùng kỳ. Trong đó, một số ngân hàng có giá trị phát hành trái phiếu doanh nghiệp lớn nhất từ đầu năm đến nay là: ACB (36,1 nghìn tỷ đồng), HDBank (30,9 nghìn tỷ đồng), Techcombank (26,9 nghìn tỷ đồng)...

Nhóm phân tích từ MBS cho rằng, ngân hàng sẽ tiếp tục đẩy mạnh phát hành trái phiếu nhằm bổ sung vốn để đáp ứng nhu cầu cho vay. Trong năm 2024, tín dụng toàn ngành tăng 15,08%, cao hơn so với mức 13,71% cùng kỳ năm ngoái nhờ sự phục hồi mạnh mẽ của hoạt động sản xuất, xuất khẩu và dịch vụ.

Trong tháng cuối cùng của năm, nhiều ngân hàng phát hành trái phiếu thành công và huy động được hàng ngàn tỷ đồng. Chẳng hạn, ACB phát hành thành công lô trái phiếu thứ 16 trong năm 2024, thu về 250 tỷ đồng, với lãi suất 6,1%/năm. Với kỳ hạn 5 năm, lô trái phiếu này dự kiến đáo hạn vào ngày 18/12/2029.

Tương tự, MB là một trong những nhà băng có nhiều đợt huy động trái phiếu trong tháng 12/2024 khi phát hành cấp tập 6 đợt trái phiếu và huy động được 2.200 tỷ đồng.

Tương tự, Ngân hàng VIB công bố phát hành thành công ba lô trái phiếu với giá trị 6.000 tỷ đồng cuối năm 2024, trong đó có hai đợt có lãi suất 5,3%/năm kỳ hạn 3 năm.

Ngân hàng OCB phát hành 3 lô trái phiếu có cùng kỳ hạn 3 năm, lãi suất dao động 5,5-5,6%/năm, tổng cộng huy động được 3.700 tỷ đồng.

Bất động sản khó phát hành, lãi suất đẩy lên cao

Trong khi đó, theo FiinRatings, ngành bất động sản chứng kiến sự sụt giảm đáng kể 18,7%, với kỳ hạn phát hành rút ngắn còn 2,65 năm (so với 3,72 năm 2023) và lãi suất tăng lên 11,13% so với 10,93% năm trước.

"Số liệu này phản ánh khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn dài hạn và áp lực tài chính lớn trong bối cảnh thị trường chưa phục hồi mạnh mẽ. Tuy nhiên, năm 2025 được dự báo sẽ khởi sắc nhờ những cải cách chính sách và nhu cầu đầu tư tăng cao. Đây sẽ là cơ hội lớn cho các doanh nghiệp bất động sản bứt phá và trở lại đường đua" - nhóm phân tích FiinRatings đánh giá.

Dù thị trường bất động sản chưa có dấu hiệu phục hồi rõ nét trên diện rộng, vẫn có 27 doanh nghiệp thành công huy động vốn qua trái phiếu doanh nghiệp. Một số doanh nghiệp phát hành giá trị lớn nhất bao gồm: Vinhomes (16,5 nghìn tỷ đồng), Tập đoàn Vingroup (10 nghìn tỷ đồng) và Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển bất động sản Hải Đăng (5,4 nghìn tỷ đồng).

Những con số này cho thấy nhà đầu tư vẫn thận trọng trước rủi ro của trái phiếu bất động sản, thể hiện qua kỳ hạn ngắn hơn và lãi suất cao hơn, dù lãi suất tín dụng cơ bản đã ổn định trong hai năm qua.

Tuy nhiên, với sự quyết liệt của Chính phủ và các bộ, ngành trong việc tháo gỡ vướng mắc pháp lý cho các dự án bất động sản, cùng với kỳ vọng từ các chính sách mới bao gồm Luật Đất Đai, Luật Kinh doanh Bất động sản và cải thiện môi trường tín dụng, ngành bất động sản dân cư có triển vọng hồi phục tích cực từ nửa cuối năm 2025.

Rầm rộ phát hành trái phiếu doanh nghiệp, ngân hàng nào giữ ngôi vương?
Rầm rộ phát hành trái phiếu doanh nghiệp, ngân hàng nào giữ ngôi vương?

Đặc biệt, giới phân tích nhận thấy các doanh nghiệp ngày càng chú trọng đến minh bạch thông tin và quản trị rủi ro thông qua việc tham gia xếp hạng tín nhiệm. Điều này không chỉ nâng cao chất lượng hàng hóa trên thị trường mà còn thu hút sự quan tâm lớn từ các nhà đầu tư định chế trong nước và quốc tế, góp phần cải thiện dòng vốn cho doanh nghiệp.

Ngoài việc duy trì xếp hạng tín nhiệm tổ chức phát hành, sự tham gia chủ động của một số doanh nghiệp trong xếp hạng từng lô trái phiếu, có lô trái phiếu được xếp hạng tín nhiệm cao nhờ bảo lãnh thanh toán của một số tổ chức quốc tế cũng góp phần vào thành công của các giao dịch, cung cấp cơ sở cho thẩm định, quyết định đầu tư và quản trị rủi ro cho các định chế tài chính sở hữu trái phiếu. Điều này cũng phù hợp với xu hướng của thị trường vốn trong khu vực, nơi tỷ lệ bao phủ xếp hạng tín nhiệm trái phiếu ở 6 quốc gia ASEAN đạt 51% vào năm 2022./.

Thống kê của FiinRatings cho thấy, tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp lưu hành năm 2024 đạt 1,26 triệu tỷ đồng, tương đương 11,2% GDP, đây là một bước tiến đáng ghi nhận, dù vẫn còn khiêm tốn so với các nước trong khu vực. Trong đó, trái phiếu ngành ngân hàng chiếm tỷ trọng 44,1%, tiếp tục giữ vai trò chủ đạo trong khi trái phiếu bất động sản chiếm 29%./.