Sabeco (SAB) báo lãi cao nhất 7 quý nhờ chiến lược 'khiêu vũ trong mưa'

Trong quý II, Sabeco (SAB) đạt 8.086 tỷ đồng doanh thu thuần - giảm so với mức 8.312 tỷ của cùng kỳ năm trước (YoY). Tốc độ tăng chi phí giá vốn không thay đổi nhiều giúp công ty thu về 2.440 tỷ đồng lợi nhuận gộp. Biên lãi gộp ở mức 30,2%.

Doanh thu tài chính quý II giảm 25% YoY còn 266,3 tỷ đồng; phần lợi nhuận từ công ty liên doanh liên kết giảm mạnh 64% còn 27,9 tỷ.

Ở chiều ngược lại, chi phí hoạt động được tiết giảm hàng trăm tỷ đồng, còn 1.087 tỷ đồng (chi phí tài chính chỉ vỏn vẹn 8,2 tỷ).

sabeco.jpg
ThaiBev - Tập đoàn đến từ Thái Lan đang là công ty mẹ của Sabeco

Sau trừ thuế phí, Sabeco báo lãi 1.319 tỷ đồng trong quý II - tăng gần 110 tỷ so với cùng kỳ năm trước. Đây là mức lãi quý cao nhất kể từ con số gần 1.400 tỷ đạt được hồi quý III/2022.

Tại ĐHCĐ thường niên 2024, ông Lester Tan Teck Chuan - Tổng Giám đốc SAB từng chia sẻ: "Chúng ta không thể đợi mưa ngừng, gió lặng, thay vào đó hãy có hành động ứng phó. Phải học cách khiêu vũ ngay trong cơn mưa".

Tổng Giám đốc Sabeco nhận định, ngành bia Việt Nam vốn đang gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng nặng nề của đại dịch COVID-19 cũng như tác động từ một số cơ chế chính sách liên quan như Luật phòng chống tác hại rượu bia, Nghị định 100 khiến kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp trong ngành chưa như kỳ vọng.

Ngoài ra, việc người dân thắt chặt chi tiêu với việc thị hiếu và yêu cầu của người tiêu dùng ngày càng khắt khe hơn đối với thiết kế bao bì, chất lượng,.. cũng là một áp lực đối với các doanh nghiệp, đòi hỏi phải chi mạnh trong các chiến dịch quảng cáo và khuyến mãi để tăng sức cạnh tranh và đẩy mạnh tiêu thụ.

Nghị định 100 được Sabeco dự đoán sẽ tiếp tục là một rào cản lớn kim hãm sự phục hồi của ngành bia trong năm nay, chưa kể đến các yếu tố như chi phí sản xuất kinh doanh như bao bì, nguyên vật liệu, chi phí vận chuyển vẫn ở mức cao, biến động bất thường và dự kiến tiếp tục tăng mạnh, ảnh hưởng đến lợi nhuận của các doanh nghiệp trong ngành.

Ngoài ra, Bộ Tài chính còn đề xuất điều chỉnh mức thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt đối với một số mặt hàng có hại cho sức khỏe, trong đó có rượu, bia trong dự thảo mới nhất về Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt sẽ tiếp tục là một sức ép đến các doanh nghiệp ngành bia.

Dù vậy, theo lãnh đạo Sabeco, năm 2024 tiếp tục mang đến các cơ hội "vàng" cho ngành bia Việt Nam như cơ cấu dân số vàng, thu nhập tăng nhanh, tiềm năng lớn của phân khúc "bia không cồn" và tiềm năng về thị trường xuất khẩu. Sự cạnh tranh tiếp tục diễn ra gay gắt giữa các công ty sản xuất bia nhằm giành thị phần cao hơn.

Nhìn vào khoản lợi nhuận cao nhất 7 quý, có vẻ như Sabeco đang đi đúng lộ trình (?) như ban lãnh đạo công ty đã đề xuất, đó là thay đổi để bứt phá.

Nắm hơn 23.300 tỷ đồng tiền mặt

Lũy kế 6 tháng đầu năm, ông lớn ngành đồ uống đạt doanh số 15.270 tỷ đồng, lãi sau thuế 2.343 tỷ, lần lượt tăng 5,2% và 5,8% so với bán niên 2023.

Không có nhiều dấu ấn về nguồn thu sau 6 tháng trong đó biên lợi nhuận gần như đi ngang còn doanh thu tài chính thu "hụt" gần 170 tỷ đồng. Ngược lại, dấu ấn giúp lợi nhuận sau thuế được cải thiện đến từ việc tiết giảm khoảng 300 tỷ đồng chi phí hoạt động.

So với kế hoạch 34.400 tỷ đồng doanh thu và 4.580 tỷ đồng lãi sau thuế, Sabeco đã thực hiện được 44,4% và 51,2%.

Tại thời điểm cuối tháng 6, tổng tài sản của doanh nghiệp VN30 này đạt hơn 34.150 tỷ đồng - gần như đi ngang so với thời điểm đầu năm. Cấu phần tài sản có hơn 6.000 tỷ đồng tiền mặt và tương đương tiền cùng với hơn 17.300 tỷ đồng khoản đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn. Hàng tồn kho giữ ổn định ở mức hơn 2.300 tỷ đồng.

Bên kia bảng cân đối kế toán, nợ phải trả tăng nhẹ, vượt 9.000 tỷ đồng trong đó phần nợ đi vay chỉ khoảng 630 tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu của công ty ở mức 25.130 tỷ (bao gồm hơn 9.800 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế).

Xem thêm tại nguoiquansat.vn