Sắp có dịch vụ thanh toán xuyên biên giới qua mã QR giữa Việt Nam và Trung Quốc

Trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Việt Nam của Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường, 10 văn kiện hợp tác giữa hai nước đã được trảo đổi, trong đó có Bản ghi nhớ giữa Công ty Cổ phần thanh toán quốc gia Việt Nam (NAPAS) với Công ty UnionPay International về việc triển khai dịch vụ thanh toán xuyên biên giới qua mã QR giữa Việt Nam - Trung Quốc.

Với sự hợp tác giữa NAPAS và UnionPay International, việc thanh toán quốc tế sẽ trở nên tiện lợi hơn bao giờ hết, giúp mở rộng thị trường và thúc đẩy du lịch, mua sắm quốc tế giữa hai quốc gia.

Theo nhiều ngân hàng, Trung Quốc có lượng khách tiềm năng lớn, vì vậy việc triển khai thanh toán song phương qua QR code với thị trường tỷ dân này sẽ tạo cơ hội cho doanh nghiệp mở rộng thị trường và thu hút khách hàng quốc tế thông qua việc chấp nhận thanh toán QR từ nhiều quốc gia khác nhau.

Thanh toán QR xuyên biên giới đang là giải pháp tiện lợi cho các doanh nghiệp và người tiêu dùng trong việc thực hiện các giao dịch thanh toán quốc tế. Với công nghệ QR Code, người dùng có thể dễ dàng quét mã để thực hiện thanh toán mà không cần sử dụng tiền mặt hoặc thẻ tín dụng. Sản phẩm này giúp tăng cường tính tiện lợi, an toàn và tốc độ cho các giao dịch mua bán, du lịch và dịch vụ khác nhau trên phạm vi quốc tế.

-3885-1728879932.png

Khách hàng quét mã QR để thanh toán mua sắm.

Tính đến nay, Việt Nam đã hoàn tất kết nối hệ thống thanh toán xuyên biên giới qua QR Code với Thái Lan, Campuchia (đang triển khai tiếp với Lào), cho phép người dân mỗi nước quét QR Code để trả tiền hàng hóa, dịch vụ an toàn, tiện lợi tại các nước này ngay trên ứng dụng di động ngân hàng Việt Nam và ngược lại.

Theo các ngân hàng, lợi ích lớn nhất của kênh thanh toán mới này là tạo thuận lợi cho khách hàng khi đi du lịch và công tác ở Thái Lan, Lào, Campuchia và Trung Quốc. Như vậy, người Việt thanh toán trên điện thoại thông minh ở nước ngoài sẽ tiện lợi hơn so với trả tiền mặt, không lo bị mất thẻ hay giảm thiểu rủi ro gian lận giao dịch khi thực hiện thanh toán. Bên cạnh đó, việc đẩy mạnh thanh toán xuyên biên giới còn giúp các ngành bán lẻ được hưởng lợi trong bối cảnh chi tiêu của người tiêu dùng dự kiến sẽ tăng, từ đó có thể thúc đẩy ngành du lịch.

Hiện Việt Nam có hơn 87% người trưởng thành đã có tài khoản thanh toán tại ngân hàng và nhiều ngân hàng đã có trên 95% số lượng giao dịch được xử lý trên kênh số. Tăng trưởng về số lượng giao dịch thanh toán qua di động (Mobile) và QR code bình quân qua các năm từ 2017-2023 đạt trên 100%/năm. Trong 7 tháng đầu năm nay, giao dịch qua QR Code đạt 151,7 triệu giao dịch, tăng gần 107% so với cùng kỳ năm ngoái.

Ông Nguyễn Hưng, Tổng Giám đốc TPBank cho biết, TPBank là ngân hàng tiên phong cho phép thanh toán xuyên biên giới giữa Thái Lan, Campuchia, Trung Quốc và Việt Nam thông qua quét mã QR. Hàng triệu khách hàng của TPBank có thể chi tiêu, thanh toán hàng hóa, dịch vụ bằng quét mã QR trên App TPBank tại hàng chục triệu điểm chấp nhận thanh toán QRCode của những ngân hàng 3 nước một cách nhanh chóng và thuận tiện. Ngược lại, khách hàng sử dụng dịch vụ của các ngân hàng tại Thái Lan, Campuchia cũng có thể thanh toán qua mã QR tại các điểm chấp nhận thanh toán QR Code của TPBank tại Việt Nam.

VietinBank cũng là ngân hàng tiên phong triển khai các dịch vụ thanh toán xuyên biên giới. Theo đại diện VietinBank, mới đây, VietinBank đã cho ra mắt sản phẩm thanh toán xuyên biên giới bằng mã QR Pay, giúp khách hàng dễ dàng chi tiêu, mua sắm tại Thái Lan. Theo đó, khách hàng chỉ cần có tài khoản VND mở tại VietinBank và cài ứng dụng ngân hàng số dành cho khách hàng cá nhân VietinBank iPay là có thể thanh toán tại 5 triệu điểm chấp nhận thanh toán bằng mã QR Pay tại Thái Lan.

Tuy nhiên, các ngân hàng cho biết, hiện nay chỉ thực hiện tốt ở chiều đi, nghĩa là khách hàng là người Việt Nam khi sang Thái Lan, Campuchia mua hàng hóa dễ dàng quét QR Code để trả tiền nhưng ở chiều ngược lại, việc thanh toán của khách du lịch từ Thái Lan hoặc Campuchia tại Việt Nam gần như không có...

Đại diện Vụ Thanh toán, Ngân hàng Nhà nước cho hay, có một số nguyên nhân chủ yếu dẫn đến vấn đề trên là: Mức độ nhận diện thương hiệu tại các điểm chấp nhận thanh toán song phương của ngân hàng và mạng lưới chấp nhận thanh toán tại Việt Nam còn chưa đồng bộ, dễ gây nhầm lẫn giữa mã QR thanh toán nội địa và mã QR thanh toán song phương: Các ngân hàng khi tham gia dịch vụ đều ưu tiên triển khai chiều Việt Nam thực hiện thanh toán tại đơn vị chấp nhận thanh toán ở nước ngoài…

Được biết, sau Trung Quốc, Ngân hàng Nhà nước đã thực hiện khảo sát thực tế, đánh giá tiềm năng thị trường và cơ hội thúc đẩy hợp tác thanh toán xuyên biên giới song phương hiệu quả giữa Việt Nam và Nhật Bản tại Tokyo.

Thanh Hoa

Xem thêm tại vnbusiness.vn