Sắp thu được 10.720 tỷ đồng từ thoái vốn nhà nước
Theo kế hoạch xác định giai đoạn 2023 - 2025, việc thoái vốn nhà nước hàng loạt doanh nghiệp trực thuộc các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và các địa phương trên cả nước sẽ đóng góp giá trị lớn cho ngân sách nhà nước.
Riêng khối doanh nghiệp thuộc bộ, cơ quan ngang bộ và Chính phủ dự kiến mang lại nguồn thu hơn 7 nghìn tỷ đồng cho ngân sách.
Trong đó, Bộ Quốc phòng ghi nhận 16 doanh nghiệp với tổng vốn điều lệ khoảng 441 tỷ đồng. Một số tên tuổi lớn có thể kể đến như Công ty CP 389, Công ty CP Elinco, Công ty CP An Bình, Tổng công ty 36, Công ty CP Trường An.
Do Bộ Xây dựng làm đại diện sở hữu, bốn doanh nghiệp gồm Tổng công ty cơ khí xây dựng Coma, Tổng công ty lắp máy Việt Nam Lilama, Tổng công ty CP Sông Hồng và Tổng công ty Viglacera sẽ đóng góp khoảng 6.550 tỷ đồng cho ngân sách nếu thoái vốn thành công theo kế hoạch.
Trong đó, từng trường hợp lại có phương án tương ứng riêng. Coma sẽ thoái toàn bộ vốn nhà nước giai đoạn 2024 - 2025. Lilama sẽ thoái vốn đến 51%.
Đối với Viglacera, theo Quyết định 1479 năm 2022 của Thủ tướng, sẽ thoái toàn bộ vốn nhà nước giai đoạn 2022 - 2023. Tuy nhiên, Viglacera báo cáo dự kiến hoàn thành thoái vốn trong năm nay.
Tại một số địa phương, không ít trường hợp vẫn đang chờ xử lý các vướng mắc về đất đai, dự án liên quan.
Đơn cử, Công ty CP Du lịch Quốc tế tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã đầu tư khoảng 272 tỷ đồng vào Công ty liên doanh Vũng Tàu Paradise theo báo cáo tài chính năm 2022. Tuy nhiên, hiện khu đất dự án khu du lịch Vũng Tàu Paradise đang trong quá trình xử lý do hết thời hạn sử dụng đất.
UBND tỉnh cho biết sẽ báo cáo cụ thể Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và đầu tư về cho phép thoái vốn Nhà nước tại công ty này sau khi Thủ tướng cho ý kiến giải quyết xong dự án.
Lý do là việc xác định giá trị phần vốn nhà nước đầu tư tại công ty chịu ảnh hưởng trực tiếp bởi phương án xử lý dự án khu du lịch Vũng Tàu Paradise.
Được biết, dự án Vũng Tàu - Paradise có diện tích 220ha tại khu vực Bãi Sau, TP. Vũng Tàu, được cấp phép cho liên doanh Công ty Du lịch quốc tế Vũng Tàu và Công ty Paradise Development and Investment (Đài Loan) vào năm 1991, với thời hạn hoạt động 25 năm. Dự án đã hết thời hạn hoạt động từ cuối năm 2015.
Ba năm trước, tỉnh vẫn loay hoay phương án xử lý triệt để dự án này nhằm sớm đưa khu đất vào khai thác, tránh lãng phí nguồn lực đất đai, không để phát sinh thêm nợ đọng tài chính.
Vướng mắc chính của dự án là đã hết hạn hoạt động, chưa thực hiện đăng ký lại thời hạn sử dụng đất. Bên phía Việt Nam trước đây là doanh nghiệp nhà nước đã cổ phần hóa vào năm 2020.
Tại Hà Nội, trong 22 doanh nghiệp dự kiến thoái vốn thời gian này ghi nhận một số đơn vị như Công ty CP Cơ điện Trần Phú, Công ty CP Dệt 19/5 Hà Nội, Công ty CP Thống Nhất Hà Nội – chủ thương hiệu Xe đạp Thống Nhất, Công ty CP Giày Thượng Đình, Công ty cơ điện công trình.
Trong đó, một số trường hợp đang chờ xử lý vướng mắc các dự án khó khăn kéo dài thời gian qua.
Tiền thân là Xí nghiệp cơ khí Trần Phú được thành lập từ những năm 1965, cổ phần hóa năm 2010, Công ty CP Cơ điện Trần Phú đang là một trong những doanh nghiệp hàng đầu trong sản xuất dây cáp điện với dấu ấn đậm nét của doanh nhân Đặng Quốc Chính.
Mới đây, Cơ điện Trần Phú đã thoái bớt vốn và không còn là cổ đông lớn của Công ty CP Điện lực Gelex (GEE - thuộc hệ sinh thái của Tập đoàn Gelex) sau khi bán ra 7,95 triệu cổ phiếu, giảm sở hữu còn 4,46% vốn điều lệ GEE.
Tính đến giữa 2021, Cơ điện Trần Phú có vốn điều lệ khoảng 157 tỷ đồng. Là một doanh nghiệp chủ lực của Hà Nội, công ty sở hữu dự án nhà ở trên diện tích khoảng 1,6ha tại quận Thanh Xuân nằm trong danh mục hàng trăm dự án vướng mắc kéo dài, chờ xử lý.
Tương tự, Công ty CP Địa chính Hà Nội với dự án xây dựng trụ sở làm việc kết hợp văn phòng cho thuê diện tích khoảng 3.000m2 tại quận Cầu Giấy.
Công ty Cơ điện công trình nay là Công ty CP Tứ Hiệp Hồng Hà Dầu khí với dự án khu đô thị Tứ Hiệp khoảng 17ha tại huyện Thanh Trì.
Xem thêm tại theleader.vn