Sau 1 tháng báo khó, nhận tối hậu thư từ Thủ tướng, dự án lớn nhất Việt Nam nhận chỉ đạo nóng: 7.000 người và 3.000 thiết bị công nghệ tức tốc chạy đua
Theo tờ trình của Chính phủ đầu tháng 11, Chính phủ kiến nghị Quốc hội điều chỉnh thời gian hoàn thành, đưa vào khai thác sân bay Long Thành giai đoạn một, chậm nhất là cuối năm 2026 thay vì 2025. Lý do Chính phủ nêu là thời gian thi tuyển kiến trúc kéo dài; đại dịch ảnh hưởng đến tiến độ thiết kế kỹ thuật, huy động chuyên gia nước ngoài. Gói thầu xây dựng nhà ga hành khách phải qua hai lần đấu thầu. Một số công trình dịch vụ hàng không thuộc dự án thành phần 4 chậm triển khai do lần đầu đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư nên còn lúng túng, phải sửa đổi quy định pháp luật.
Tại Phiên bế mạc Kỳ họp thứ 8 cuối tháng 11/2024, Quốc hội đồng ý bổ sung 1 đường băng và lùi thời hạn hoàn thành Sân bay Long Thành đến cuối năm 2026. Thời gian thực hiện dự án được kéo dài chậm nhất đến ngày 31-12-2026 hoàn thành và đưa vào khai thác.
Sau đó, vào sáng 3/12/2024, tại Đồng Nai, Thủ tướng đã đi kiểm tra, đôn đốc tiến độ triển khai dự án sân bay Long Thành. Thủ tướng yêu cầu, sân bay Long Thành phải hoàn thành trong năm 2025, không thể chậm hơn và đưa sân bay vào khai thác trước 28/2/2026.
Mới đây, vào 7/1/2025, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải đã ký văn bản yêu cầu Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) về việc triển khai Dự án thành phần 3 - Dự án đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1.
Theo đó, Bộ trưởng Bộ GTVT yêu cầu ACV thực hiện nghiêm túc các ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng và chỉ đạo các Nhà thầu thi công tiếp tục bổ sung thiết bị, nhân lực và tài chính, tranh thủ thời tiết mùa khô, với tinh thần "làm việc 3 ca, 4 kíp", "xuyên lễ, xuyên tết, xuyên ngày nghỉ", đẩy nhanh tiến độ thi công, đưa các công trình về đích vượt tiến độ đề ra.
Đặc biệt, đối với gói thầu đường găng tiến độ như gói 4.7 sân đỗ máy bay, gói 4.8 cấp thoát nước, cấp điện, thông tin liên lạc, gói 4.9 thi công xây dựng và lắp đặt thiết bị hệ thống cung cấp nhiên liệu tàu bay và gói 5.10 thi công nhà ga hành khách, cần đảm bảo khoa học, tránh tối đa xung đột giữa các gói thầu trong quá trình triển khai để đảm bảo tiến độ Dự án.
Hiện nay, công trường sân bay Lòng Thành huy động hàng trăm mũi thi công. Cụ thể, khoảng 7.000 chuyên gia, kỹ sư, công nhân và gần 3.000 thiết bị chuyên dụng tăng tốc lao động với tinh thần “vượt nắng, thắng mưa”, “ăn tranh thủ, ngủ khẩn trương”, thi công “3 ca, 4 kíp”, “xuyên lễ, xuyên tết” nhằm đảm bảo tiến độ.
Trong 16 gói thầu xây lắp và thiết bị thuộc dự án thành phần 3 của sân bay Long Thành, có 3/16 gói đã cơ bản hoàn thành, 7/16 gói đang triển khai thi công, 3/16 gói đang lựa chọn nhà thầu xây lắp và 3/16 gói khác đang thẩm định thiết kế kỹ thuật.
Trong đó, gói thầu 4.6 với hạng mục đường cất/hạ cánh, đường lăn, sân đỗ tàu bay đã vượt tiến độ 3 tháng, dự kiến đến 30/4/2025 đã có thể bay hiệu chuẩn kỹ thuật.
Riêng gói thầu 5.10 – là trái tim và cũng là đường găng tiến độ chính của Dự án do liên danh VIETUR được khởi công vào tháng 7/2023, tiến độ hoàn thành theo hợp đồng là 31/11/2026.
Gói thầu này với hạng mục phức tạp, có tính chất kỹ thuật cao, được thiết kế với công nghệ tự động hóa tiên tiến, hiện đại đang được áp dụng tại các sân bay mới và lớn trên thế giới. Cụ thể, công trình nhà ga hành khách sân bay Long Thành sẽ sử dụng công nghệ 4.0 trong quá trình vận hành, 40 cửa lên máy bay, 72 quầy kiểm tra hộ chiếu sẽ được triển khai.
Cùng với đó, công trình nhà ga hành khách được thiết kế xây dựng và áp dụng các công nghệ hiện đại nhất trong lĩnh vực hàng không, lựa chọn chủng loại vật liệu theo xu hướng áp dụng cho các nhà ga hàng không hiện đại trên thế giới đảm bảo độ bền và tính thẩm mỹ.
Trong đó, công nghệ AI được áp dụng vào hệ thống làm thủ tục hành khách, hệ thống làm thủ tục xuất nhập cảnh sẽ hỗ trợ việc nhận dạng và xác định danh tính của hành khách thông qua dữ liệu sinh trắc học về khuôn mặt, dấu vân tay… được nhanh chóng, chính xác, rút ngắn được thời gian làm thủ tục hàng không.
Từ đó, AI sẽ giúp đơn vị khai thác phân tích các dữ liệu về chuyến bay, thời tiết, giám sát an ninh... để đơn vị khai thác xây dựng chương trình kiểm soát an ninh an toàn, quản lý rủi ro, dự đoán và lập kế hoạch bay, điều phối và phân chia khai thác.
Ngoài ra, lãnh đạo Bộ GTVT hiện cho biết, khối lượng công việc còn lại rất lớn, để thực hiện trong vòng một năm với khối lượng lớn như vậy là rất khó khả thi. Tuy nhiên, Chủ đầu tư, Ban quản lý dự án đang tích cực giải quyết những khó khăn trong quá trình thi công để giảm thiểu tối đa các ảnh hưởng.
Xem thêm tại cafef.vn