Sau 20 năm 'dấn thân', FPT đặt mục tiêu 1 tỷ USD doanh thu từ phần mềm cho ô tô
Ngày 14/12/2023, CTCP tập đoàn FPT (mã chứng khoán: FPT) công bố thành lập công ty FPT Automotive có trụ sở tại Texas, Mỹ với mục tiêu chinh phục thị trường phần mềm ô tô quy mô hàng trăm tỷ USD. FPT Automotive đặt mục tiêu trở thành nhà cung cấp dịch vụ và sản phẩm phần mềm cho ngành công nghiệp ô tô thế giới với doanh thu 1 tỷ USD vào năm 2030.
Trong sự kiện "Hành trình 1 tỷ USD" của FPT diễn ra vào ngày 11/1, ông Tạ Trần Minh - Giám đốc điều hành của FPT Automotive đã có những chia sẻ về cơ hội cũng như thách thức của công ty này.
CEO của FPT Automative chia sẻ rằng ông Trương Gia Bình, nhà sáng lập cũng như Chủ tịch HĐQT FPT chính là động lực lớn nhất để tập đoàn này "dấn thân" vào ngành công nghiệp ô tô và thành lập lên FPT Automative. Ông Trương Gia Bình cũng chính là vị "mentor" - người dẫn dắt, định hướng cho doanh nghiệp này trong suốt thời gian qua và các năm sắp tới.
FPT đã tham gia vào thị trường phần mềm cho ô tô gần 20 năm nay, cụ thể là từ năm 2006. Ông Tạ Trần Minh cho biết tại thời điểm đó rất ít công ty tại Việt Nam làm phần mềm nhúng, đặc biệt là phần mềm cho ô tô. Vì vậy, người FPT lúc đó cảm thấy ngành công nghiệp này rất khó, nhiều thách thức.
"Lúc đó chúng tôi đang loay hoay với việc làm ra một phần mềm có thể đảm bảo an toàn, an ninh cho ô tô. Thực sự lúc đó chúng tôi chưa hiểu nhiều về lĩnh vực này. Sau đó chúng tôi đã có bước tiến mới là làm việc với một khách hàng đến từ Nhật Bản", ông Tạ Trần Minh chia sẻ về những ngày đầu khi FPT tham gia thị trường ô tô.
Theo ông Tạ Trần Minh, quy mô của ngành công nghiệp ô tô đang tăng trưởng rất nhanh. Riêng mảng phần mềm ô tô có thể đạt 116 tỷ USD vào năm 2032, mức tăng trưởng có thể vào khoảng 16-17% mỗi năm từ nay cho đến 2032. Ngoài ra, các công ty trong ngành ô tô cũng đang không ngừng "đốt tiền" vào công cuộc nghiên cứu và phát triển sản phẩm. Dự kiến mức đầu tư cho đến năm 2030 đạt khoảng 238 tỷ USD/năm.
CEO của FPT Automative cho biết nguyên nhân dẫn đến sự đầu tư lớn đến vật trong ngành công nghiệp ô tô là xuất phát từ ba cuộc cách mạng lớn. "Đầu tiên phải nói đến là cuộc cách mạng xe điện. Thứ hai là xe tự hành và cuối cùng là việc kết nối trong xe ô tô. Ba cuộc cách mạng này đã tạo ra động lực lớn và mục tiêu sống còn để tồn tại trong ngành ô tô. Tôi cho rằng những gì đang diễn ra giống như cuộc chạy đua smartphone ở thập kỷ trước. Công ty nào đi chậm thì sẽ bị bỏ rơi ngay lập tức và đánh mất vị thế của mình", ông Tạ Trần Minh chia sẻ.
"Thế giới có bài toán lớn cần giải là chống lại biến đổi khí hậu. Trong đó, việc sử dụng xe điện đang là bài toán khả thi nhất" - Ông Minh đánh giá. Tuy nhiên ông Minh cũng cho rằng để tạo ra một chiếc xe điện có thể thay thế hoàn toàn cho xe xăng vẫn đang là một thách thức lớn. Đảm bảo tốc độ sạc nhanh, quãng đường di chuyển xa, đầu ra hạ tầng lớn là bài toán khó. Một doanh nghiệp khó có thể làm được việc này mà cần sự giúp đỡ của cả một quốc gia.
Với cuộc cách mạng xe tự hành, ông Minh cho biết chủ đề này đã được thảo luận cách đây 10 năm.
"Tôi vẫn nhớ rằng nhiều người khẳng định năm 2020 có xe tự hành chạy đầy đường. Tuy nhiên đến nay xe tự hành chỉ tiệm cận cấp độ 3, theo đuổi mục tiêu cấp độ 4 và chưa có công ty nào tuyên bố là có thể lên được cấp độ 5. Vì vậy, cuộc đua xe tự hành còn dài và nhiều cơ hội cho công ty công nghệ muốn đầu tư vào lĩnh vực này", CEO FPT Automative chia sẻ.
Cuộc cách mạng thứ ba được ông Tạ Trần Minh đề cập là việc kết nối cho xe ô tô. Ở khâu này thì dữ liệu rất quan trọng vì nếu một chiếc xe tự hành mà không có dữ liệu sẽ dễ xảy ra sự cố. Bên cạnh đó, bảo đảm an toàn cũng rất quan trọng nên cuộc đua về kết nối này đang trở nên cấp thiết với các hãng xe. Không chỉ đảm bảo an toàn, an ninh, cuộc cạnh tranh về các tính năng, các cách giải trí cũng khốc liệt không kém.
Ông Tạ Trần Minh cũng khẳng định ba cuộc cách mạng này đang diễn ra cùng một lúc và trên toàn cầu. Năm năm trở lại đây ông thấy rằng việc thiếu hụt nguồn đang diễn ra trầm trọng, đặc biệt là thiếu hụt kỹ sư chất lượng cao.
Ấn Độ dù đông dân nhưng cũng đang thiếu và khát khao có đội ngũ năng lực cao như ở Việt Nam nên cơ hội FPT là rất lớn. Khi xây dựng ra chuyên ngành tỷ đô thì đây là bước đi đúng đắn của FPT. Tập đoàn cũng đang có 4.000 kỹ sư liên quan đến ngành điện tử và công nghệ ô tô và có tập khách hàng chắc chắn ở thị trường Nhật Bản. Nhiều công ty hàng đầu của Châu Âu, Mỹ, Hàn Quốc, Trung Quốc... cũng đang là khách hàng của FPT.
Xem thêm tại cafef.vn