Sau FLC, Louis, APEC, điểm mặt 5 vụ thao túng giá cổ phiếu không bị truy cứu hình sự trong năm 2023

Trả lời câu hỏi về vụ án FLC và Tân Hoàng Minh tại Họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 2 diễn ra chiều 2/3, Trung tướng Tô Ân Xô, Người phát ngôn Bộ Công an cho biết vụ án này đã gióng lên lời cảnh tỉnh về tình trạng thao túng trên thị trường chứng khoán.

Sau FLC, Louis, APEC, điểm mặt 5 vụ thao túng giá cổ phiếu không bị truy cứu hình sự trong năm 2023
Trung tướng Tô Ân Xô (Ảnh: Tuổi trẻ)

Thông qua các sự việc trên, câu hỏi đặt ra là làm sao để thị trường chứng khoán phát triển lành mạnh.

Theo đó, các cơ quan chức năng đã rút ra được 6 thiếu sót trong khâu quản lý và đang phối hợp để bịt các lỗ hổng đó. Hai trong số những lỗ hổng được chỉ ra gồm: Chế tài xử lý còn nhẹ, chưa đủ sức răn đe đối với các hành vi vi phạm và thiếu kiểm soát mạng xã hội dẫn đến một số đối tượng lợi dụng các hội nhóm kín để hô hào, điều kiển và thao túng chứng khoán.

Theo thống kê, trong năm 2023, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) đã ban hành 145 quyết định xử phạt vi phạm hành chính trên thị trường chứng khoán (tăng 8 quyết định so với năm trước đó), tổng số tiền phạt hơn 34,4 tỷ đồng. Vi phạm phổ biến nhất là lỗi công bố thông tin, các vụ thao túng giá cổ phiếu hay sai phạm liên quan trái phiếu.

Cụ thể, có 27 quyết định xử phạt đối với cá nhân và 118 quyết định xử phạt đối với tổ chức; một số vụ việc được áp dụng hình thức xử phạt bổ sung, biện pháp khắc phục hậu quả.

Bình quân, mỗi quyết định chịu mức xử phạt hành chính khoảng 240 triệu đồng - cao hơn 18% YoY.

Án phạt nặng nhất trong năm là mức 3 tỷ đồng và đình chỉ hoạt động giao dịch chứng khoán 4 tháng đối với Công đoàn Ngân hàng TMCP Á Châu (Mã ACB - HoSE) được UBCKNN ban hành hồi tháng 1. Lý do bởi Công đoàn ACB, sau khi mua tổng cộng hơn 10,3 triệu cổ phiếu ACB từ ngày 10 - 19/10/2022 đã không báo cáo về việc dự kiến giao dịch.

Một vụ việc xử phạt cá nhân điển hình liên quan đến thao túng giá cổ phiếu là ngày 8/11/2023 khi UBCKNN ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với ông Nguyễn Hữu Đức (địa chỉ: Số 30 Thanh Lương 9, phường Hòa Xuân, quận Cẩm Lệ, TP. Đà Nẵng) số tiền 1,5 tỷ đồng.

Cụ thể, trong khoảng thời gian từ ngày 4/1-17/6/2022, ông Đức đã sử dụng tài khoản chứng khoán của chính mình và 75 tài khoản của 21 nhà đầu tư để liên tục mua, bán, giao dịch cổ phiếu của CTCP Địa ốc First Real (Mã FIR - HoSE) nhằm tạo ra cung, cầu giả tạo, thao túng giá cổ phiếu FIR.

Tuy nhiên theo kết quả kiểm tra, tính toán hành vi vi phạm ông Nguyễn Hữu Đức không ghi nhận có khoản thu trái pháp luật.

Với lỗi vi phạm nghiệp trọng, cá nhân này bị cấm giao dịch chứng khoán có thời hạn 2 năm; cấm đảm nhiệm chức vụ tại công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán, chi nhánh công ty chứng khoán và công ty quản lý quỹ nước ngoài tại Việt Nam, công ty đầu tư chứng khoán có thời hạn 2 năm.

Cũng tại vụ việc này, tiếp tục mở rộng điều tra, ngày 12/1/2024, UBCKNN ban hành thêm quyết định xử phạt vi phạm hành chính với 2 cá nhân và 19 người có liên quan đến việc thao túng giá cổ phiếu của FIR.

Sau FLC, Louis, APEC, điểm mặt 5 vụ thao túng giá cổ phiếu không bị truy cứu hình sự trong năm 2023
Cổ phiếu FIR (Xanh) tại thời điểm lập đỉnh giá hồi đầu năm 2023

Thời điểm bị thao túng giá, cổ phiếu FIR tăng hàng trăm % và ngược chiều xu hướng lao dốc mạnh của thị trường chứng khoán.

Cùng với các quyết định xử phạt tại Địa ốc First Real, thêm 4 vụ thao túng chứng khoán trong quá khứ đã bị xử phạt trong năm 2023 bao gồm: Vụ thao túng cổ phiếu C69 do cá nhân Đoàn Bá Hồng (dùng 24 tài khoản), vụ thao túng giá cổ phiếu APG do cá nhân Lê Thị Hải Bình thực hiện (dùng 46 tài khoản); vụ thao túng cổ phiếu FRM và ABR do cá nhân Trần Việt Thắng; vụ thao túng giá cổ phiếu GKM do cá nhân Nguyễn Việt Hà (dùng 23 tài khoản) thực hiện.

Các trường hợp này chịu mức phạt hành chính 550 triệu đồng đến 1,5 tỷ đồng cùng một số hình phạt bổ sung. Tuy nhiên cả 5 vụ việc đều chưa đủ căn cứ để xác định vi phạm luật hình sự.

Xét về quy mô, mức độ tác động của các vụ việc trên là tương đối khu biệt. Điều này khác hoàn toàn so với những vụ việc đã và sắp được đưa ra ánh sáng công lý như nhóm FLC, Louis hay nhóm cổ phiếu họ APEC. Tuy vậy, việc các quy định kiểm soát, pháp lý răn đe, xử phạt còn chưa đủ quyết liệt đang là một trong những vấn đề đáng lưu tâm và cầm cải thiện để thị trường chứng khoán phát triển bền vững hơn, trở thành kênh đầu tư an toàn và minh bạch.

>> Trong "nước mắt" thị trường chứng khoán, một cổ phiếu bất động sản đã tăng gần 1.000%

Xem thêm tại nguoiquansat.vn