SCIC công bố danh sách thoái vốn năm 2025, FPT, NTP tiếp tục có tên
Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) vừa công bố danh sách doanh nghiệp dự kiến bán vốn đợt 1 năm 2025 với 31 doanh nghiệp được liệt kê.
Hàng loạt doanh nghiệp niêm yết trên sàn tiếp tục xuất hiện trong danh sách bán vốn năm 2025 của SCIC, như: Công ty Cổ phần Nhiệt điện Hải Phòng (UPCoM: HND), Tổng công ty Thuỷ sản Việt Nam (UPCoM: SEA), Công ty Cổ phần Nhiệt điện Quảng Ninh (UPCoM: QTP), Tổng công ty Đầu tư Nước và Môi trường Việt Nam (UPCoM: VIW);
Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Y tế DOMESCO (HoSE: DMC), Công ty Cổ phần Nhựa Thiếu Niên Tiền Phong (HNX: NTP), Công ty Cổ phần Sách Việt Nam (UPCoM: VNB), Công ty Cổ phần Nhựa Việt Nam (UPCoM: VNP), Công ty Cổ phần FPT (HoSE: FPT)…
Trong đó, giá trị vốn góp của SCIC đạt giá trị lớn nhất tại FPT (gần 840 tỷ đồng), SEA (792 tỷ đồng), VIW (569 tỷ đồng), NTP (528 tỷ đồng), QTP (514 tỷ đồng), HND (450 tỷ đồng)…
Có thể thấy danh sách bán vốn năm 2025 của SCIC vẫn tương tự như năm trước đó, với nhiều cái tên quen thuộc.
Năm 2024 vừa qua, SCIC đã tiến hành bán vốn nhiều doanh nghiệp trong danh sách này nhưng số lượng thương vụ thành công không nhiều. 4 thương vụ được hoàn tất trong năm vừa qua bao gồm Công ty Cổ phần Dược Khoa, Công ty Cổ phần Mía đường Thanh Hóa, Công ty Cổ phần Xây lắp Điện Quảng Nam và Tổng công ty Thăng Long (HNX: TTL).

Trong danh sách bán vốn của SCIC, 2 thương vụ được các nhà đầu tư quan tâm nhất có thể kể đến như FPT và NTP. Tuy nhiên, dù đã bổ sung 2 doanh nghiệp này vào danh sách thoái vốn từ năm 2024, SCIC lại chưa có động thái gì cho các thương vụ được mong đợi nhất này.
Mặt khác, Tổng công ty lại miệt mài thoái vốn tại DOMESCO, Cienco8… liên tục phát đi thông báo bán đấu giá cổ phần dù đã không ít lần thất bại trong năm qua. Vào ngày 12/5 tới đây, SCIC sẽ tiếp tục đấu giá lô 12 triệu cổ phần DMC với giá khởi điểm hơn 1.531 tỷ đồng.
Với nhiều phiên đấu giá bất thành, giới phân tích cho rằng mức giá cao mà phía SCIC cũng như một số doanh nghiệp, cơ quan nhà nước đưa ra là một trong những nguyên nhân chính. Nói riêng về giá khởi điểm cho lô hơn 12 triệu cổ phần DMC, mức giá mà SCIC đưa ra cao gấp đôi thị giá của cổ phiếu này trên thị trường chứng khoán, dẫn tới việc không hấp dẫn được nhà đầu tư tham gia.
Bà Nguyễn Thị Mai Thanh, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Cơ điên lạnh (HoSE: REE) cho biết mức định giá mà nhà nước đưa ra thường cao hơn thực tế, khiến suất sinh lời nội bộ (IRR) chỉ đạt khoảng 5% – 6%, thấp hơn kỳ vọng của các nhà đầu tư.
Giới phân tích từng kỳ vọng REE sẽ tham gia vào phiên chào bán cổ phần của Công ty Cổ phần Thuỷ điện Miền Trung (HoSE: CHP) do Tổng công ty Điện lực Miền Nam (EVNSPC) và Công ty Cổ phần Tư vấn Xây dựng Điện 3 (TV3) sở hữu, bởi đây là một trong những doanh nghiệp trong hệ sinh thái của REE. Tuy nhiên, phiên chào bán bị huỷ do không có nhà đầu tư tham gia.
Theo báo cáo của Bộ Tài chính, trong giai đoạn 2021 – 2024, nhà nước đã thoái vốn tại 15 doanh nghiệp, với giá trị sổ sách đạt 405,2 tỷ đồng, thu về 656,9 tỷ đồng. Sang năm 2025, kế hoạch đặt ra là tiếp tục thoái vốn tại 131 doanh nghiệp nhà nước với kỳ vọng thu về khoảng 10.040 tỷ đồng.
Danh sách bán vốn của SCIC mới chỉ là những doanh nghiệp trong đợt 1, nhiều khả năng tổng công ty sẽ bổ sung thêm nhiều doanh nghiệp khác sau khi lên kế hoạch chi tiết.
Xem thêm tại vietnamfinance.vn