SCIC lên kế hoạch thoái vốn tại FPT, Seaprodex và 30 doanh nghiệp khác
Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) vừa công bố danh sách doanh nghiệp dự kiến bán vốn đợt 1 năm 2025 với tổng cộng 31 doanh nghiệp xuất hiện trong danh sách.
Đáng chú ý nhất trong danh sách này là thương vụ thoái 5,7% vốn của SCIC tại Công ty CP FPT với giá trị vốn là gần 840 tỷ đồng. Hiện, SCIC đang là cổ đông lớn thứ 2 của FPT sau Chủ tịch Trương Gia Bình. Tạm tính theo thị giá hiện tại của cổ phiếu FPT, dự kiến SCIC sẽ thu về hơn 9.100 tỷ đồng từ đợt thoái vốn này.
Ngoài FPT, SCIC cũng dự kiến tiến hành thoái vốn tại nhiều doanh nghiệp lớn khác như: Tổng công ty Thủy sản Việt Nam (Seaprodex, MCK: SEA), Công ty CP Nhựa Thiếu Niên Tiền Phong (NTP), Công ty CP Xuất nhập khẩu Y tế Domesco (DMC), Công ty CP Nhiệt điện Hải Phòng (HND), Công ty CP Nhiệt điện Quảng Ninh (QTP), Công ty CP Cơ khí và khoáng sản Hà Giang (HGM), Tổng Công ty Đầu tư Nước và Môi trường Việt Nam - CTCP (VIW), Tổng công ty cổ phần Điện tử và Tin học Việt Nam (VEC)…

Nguồn: SCIC
Trong danh sách này, hiện SCIC đã thực hiện bán thành công vốn tại Tổng công ty Thăng Long, thời gian thực hiện vào cuối tháng 12/2024 thông qua hình thức đấu giá trên Sở giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX).
Hiện SCIC cũng đang chào bán cạnh tranh cổ phần tại Domesco. Phiên đấu giá dự kiến diễn ra vào ngày 12/05/2025 với trọn lô hơn 12 triệu cổ phần Domesco, giá khởi điểm là hơn 1.531 tỷ đồng. Nếu so với thị giá hiện hành của DMC, mức giá mà SCIC đưa ra cao gần gấp đôi giá thị trường.
Đáng chú ý, trước đó, SCIC đã nhiều lần thông báo chào bán lô cổ phần này nhưng đều không thành công do không có nhà đầu tư tham gia đăng ký đấu giá.
Năm 2025, Bộ Tài chính đặt mục tiêu hoàn thành việc sắp xếp lại doanh nghiệp nhà nước, thực hiện thoái vốn xong tại các doanh nghiệp mà nhà nước không nắm giữ, tham gia góp vốn.
Vì vậy, đẩy mạnh công tác thoái vốn là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của SCIC trong năm 2025, nhằm phấn đấu hoàn thành danh mục thoái vốn theo Quyết định số 690/QĐ-TTg ngày 17/7/2024 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt "Kế hoạch sắp xếp lại và Đề án cơ cấu lại Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước đến hết năm 2025".
Trong giai đoạn 2021-2024, Nhà nước đã thực hiện thoái vốn tại 15 doanh nghiệp, với giá trị sổ sách 405,2 tỷ đồng, thu về 656,9 tỷ đồng. Sang năm 2025, kế hoạch đặt ra là tiếp tục thoái vốn tại 131 doanh nghiệp nhà nước, dự kiến thu về khoảng 10.040 tỷ đồng.
Mai Linh (t/h)
Xem thêm tại antt.nguoiduatin.vn