Siêu cảng quốc tế hơn 113.000 tỷ đồng được ví là "mỏ vàng" của Việt Nam trước cơ hội sắp thành hiện thực, sánh vai với loạt "ông lớn" Hồng Kông, Singapore
Ngày 6/12, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã có tờ trình gửi Thủ tướng về báo cáo thẩm định hồ sơ đề nghị chấp thuận chủ trương dự án trung chuyển quốc tế Cần Giờ, TP.HCM.
Dự án do liên danh nhà đầu tư gồm Công ty cổ phần Cảng Sài Gòn và Terminal Investment Limited Holding S.A (công ty thành viên Hãng tàu MSC) đề xuất đầu tư.
Theo tờ trình, Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị Thủ tướng phê duyệt chủ trương đầu tư dự án cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ với quy mô diện tích 571ha.
Ngày 29/12, ông Trần Quang Lâm - Giám đốc Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TP.HCM cho biết, ngày 23/12 vừa qua, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã chủ trì cuộc họp để xem xét phê duyệt chủ trương đầu tư dự án cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ.
Theo lãnh đạo Sở GTVT TPHCM, sau khi được thông qua, TPHCM sẽ đẩy nhanh các bước triển khai, phấn đấu khởi công dự án trong năm 2025, nhân kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025).
Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ sẽ được xây dựng trên diện tích 571ha, tổng mức đầu tư khoảng 113.531 tỉ đồng (tương đương 4,8 tỉ USD).
Theo dự kiến, dự án này cũng tạo ra việc làm cho khoảng 6.000 - 8.000 lao động trực tiếp tại cảng hàng chục nghìn lao động trong các lĩnh vực hậu cần, logistics và các ngành nghề liên quan.
Trên cơ sở nhu cầu hàng hóa thông qua, dự kiến cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ được phân kỳ đầu tư 2 giai đoạn.
Tổ chức thực hiện đầu tư xây dựng, khai thác cảng giai đoạn 1 trước năm 2030 (đầu tư 2 khu bến chính/7 khu bến chính).
Giai đoạn 2 (sau năm 2030 - 2045) sẽ tiếp tục đầu tư hoàn thành toàn bộ các khu bến chính còn lại.
Dự án liên danh giữa Công ty Cổ phần Cảng Sài Gòn và Terminal Investment Limited Holding S.A (công ty thành viên của hãng tàu lớn nhất thế giới MSC) đề xuất đầu tư.
Vị trí cảng nằm tại cửa sông Cái Mép - Thị Vải, trong vịnh Gành Rái, gần các tuyến hàng hải quốc tế trên Biển Đông, tạo điều kiện thuận lợi để phát triển cảng trung chuyển quốc tế.
Niềm hy vọng vươn ra biển lớn
Cảng Cần Giờ đã có từ lâu trong ý tưởng, quy hoạch và xuyên suốt trong chiến lược phát triển kinh tế biển. Cảng được đánh giá là một công trình mang tầm vóc, mang lại lợi ích lớn cho đất nước. Việc xây dựng cảng trung chuyển Cần Giờ là để hiện thực hoá các nghị quyết của Đảng và Nhà nước về phát triển vùng Đông Nam Bộ và TP.HCM.
Theo đó, Cảng không chỉ rút ngắn quá trình vận chuyển và giảm mạnh chi phí logistics của hàng hoá nội địa, mà còn mở ra cơ hội lớn cho Việt Nam trong việc tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
Tại hội nghị tổng kết của Bộ Giao thông Vận tải vừa qua, Ông Nguyễn Cảnh Tĩnh - Tổng Giám đốc Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam (VIMC) cho biết, sự gia tăng không ngừng về kích thước tàu biển và sản lượng hàng hoá đã tạo áp lực lớn lên hệ thống cơ sở hạ tầng hàng hải của Việt Nam.
Hiện nay, sản lượng hàng hóa qua các cảng biển Việt Nam đã đạt 30 triệu TEU, vượt xa dự báo cách đây 10 năm; trong khi đó, Singapore - cảng trung chuyển lớn nhất khu vực đang xử lý khoảng 37 triệu TEU.
Đặc biệt, với sự tham gia của hãng tàu MSC cũng được đánh giá là lợi thế lớn của dự án này, bởi đây là hãng tàu lớn nhất thế giới có trụ sở chính tại Geneva, Thụy Sĩ. MSC có năng lực chuyên chở của đội tàu đạt trên 23 triệu TEU/năm, chiếm 18% tổng năng lực vận tải đội tàu thế giới cùng các tuyến dịch vụ kết nối tới hơn 500 cảng biển toàn cầu.
Cụm cảng này cũng giúp hàng hoá Việt Nam giảm sự phụ thuộc vào trung chuyển qua Singapore, tạo ra những tuyến hàng đi thẳng quốc tế từ Việt Nam và gia tăng đáng kể năng lực cạnh tranh của hàng hoá nội địa trên thị trường quốc tế.
Đồng thời, cảnh Cần Giờ cũng được các chuyên gia kỳ vọng sẽ trở thành "mỏ vàng" chiến lược, mở ra cánh cửa đưa Cảng Sài Gòn tiến ra biển lớn. Dự án này không chỉ củng cố vị thế của TP. HCM – một trong những đô thị giàu có nhất Việt Nam – mà còn nâng tầm thành phố, giúp giữ vững vai trò trung tâm logistics hàng đầu khu vực và châu Á, sánh vai với những "ông lớn" như Hồng Kông (Trung Quốc) hay Singapore.
Khi đi vào hoạt động, cảng Cần Giờ cùng với cụm Cái Mép - Thị Vải sẽ trở thành 1 tổ hợp cảng giúp nâng cao tính cạnh tranh của ngành Hàng hải Việt Nam, tái định tuyến lại bản đồ hàng hải của khu vực hiện tại và tương lai là châu Á.
Xem thêm tại cafef.vn