Sinh lời cao, quỹ mở lên ngôi
Nửa đầu năm nay, chứng khoán Việt Nam cho thấy đây là kênh đầu tư hấp dẫn khi chỉ số VNIndex đã tăng hơn 10% trong sáu tháng đầu năm, từ mức 1.130 điểm đầu năm lên quanh mức 1.300 điểm, kéo theo nhiều cổ phiếu tăng giá mạnh.
Thị trường tăng trưởng tạo cơ hội cho nhiều quỹ đầu tư mở bứt phá. Thống kê nửa đầu năm nay cho thấy, không ít quỹ mở có lợi suất vượt trội, thậm chí gấp 2 – 3 lần so với thị trường.
Dẫn đầu là quỹ đầu tư VMEEF của VinaCapital với mức tăng khoảng 30,2%, gấp ba lần mặt bằng chung của VNIndex. Đây là một quỹ trẻ tuổi khi mới thành lập tháng 5/2023 với hiệu suất đến cuối năm ngoái khoảng 12,5%, tương đương so với thị trường
VMEEF đầu tư chủ yếu vào các ngành gắn liền với xu hướng đô thị hóa, sự gia tăng của tầng lớp trung lưu và nền kinh tế số.
Ở vị trí thứ hai, quỹ đầu tư SCA của SSI có hiệu suất hơn 27%. Xếp thứ ba là quỹ đầu tư MAGEF của Mirae Assets với mức tăng gần 23,9%.
Hai quỹ theo sau có hiệu suất gấp đôi VNIndex là quỹ đầu tư DCDS của Dragon Capital và BVPF của Bảo Việt, với mức tăng lần lượt là 21,9% và 20,4%.
Ngoài bốn quỹ kể trên có hiệu suất hơn 20%, thị trường ghi nhận thêm khoảng 12 quỹ mở đạt mức tăng trưởng vượt VNIndex.
Quỹ mở bứt phá
Quỹ mở là quỹ được góp vốn bởi nhiều nhà đầu tư có cùng mục tiêu đầu tư. Các quỹ được quản lý bởi công ty chuyên nghiệp, sẽ dùng tiền đầu tư vào cổ phiếu hoặc trái phiếu, kỳ vọng giúp nhà đầu tư có lợi nhuận trong trung và dài hạn.
Có một câu nói nổi tiếng trên thị trường chứng khoán là 95% nhà đầu tư đều thua lỗ, chỉ 5% chiến thắng với hàm ý thị trường chứng khoán không phải sân chơi của tất cả, thậm chí gần như không có ai đủ khả năng kiếm lợi nhuận trên thị trường trong thời gian dài.
Con số này hoàn toàn trái ngược đối với các quỹ mở. Thống kê cho thấy 95% quỹ mở trên thị trường đều có lợi nhuận và sinh lời trong thời gian thống kê.
Những năm gần đây, các quỹ mở bắt đầu hoạt động tích cực hơn, đặc biệt là sau “cú sập” của thị trường vào năm 2022, khiến các nhà đầu tư cá nhân thua lỗ nặng nề.
Sau giai đoạn này, hiệu suất của các quỹ thể hiện rất ấn tượng. Chẳng hạn, giá chứng chỉ quỹ DCDS của Dragon Capital hiện ở mức 83.000 đồng, vượt qua mức 77.000 đồng giai đoạn đầu năm 2022, thời điểm chỉ số VNIndex quanh mức 1.500 điểm.
Dữ liệu từ Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam (VSDC) cho hay, tính đến cuối tháng 10/2023, VSDC cung cấp dịch vụ đại lý chuyển nhượng cho 53 quỹ mở, tăng 12 quỹ so với cuối năm 2022.
Cơ cấu 53 quỹ mở bao gồm 25 quỹ đầu tư cổ phiếu, 23 quỹ đầu tư trái phiếu và năm quỹ đầu tư cân bằng. Số lượng tài khoản giao dịch chứng chỉ quỹ mở tính tới cuối tháng 9/2023 đạt gần 1,2 triệu tài khoản, tăng khoảng 30% so với cuối năm 2022.
Có thể thấy sự dịch chuyển về cơ cấu nhà đầu tư chứng khoán. Dù nhà đầu tư cá nhân hiện vẫn đóng vai trò chủ đạo trên thị trường, nhưng vai trò của các quỹ đầu tư chuyên nghiệp hơn cũng dần được cải thiện.
Theo Dragon Capital, tính chuyên nghiệp của các quỹ mở, đầu tiên nằm ở yếu tố thời gian, công sức theo dõi thị trường.
Tiếp theo là yếu tố kinh nghiệm, kiến thức chuyên môn khi các quỹ nói chung có đội ngũ chuyên gia dành toàn thời gian theo dõi các thông tin và biến động, kịp thời đưa ra những đánh giá phân tích và kế hoạch hành động phù hợp nhất để quản trị rủi ro.
Cơ sở nữa để nhà đầu tư này đặt niềm tin vào chứng chỉ quỹ là, theo quy định của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, một cổ phiếu không chiếm quá 20% giá trị quỹ, nên rủi ro phân tán.
Quan trọng hơn, quan điểm của nhà đầu tư cá nhân trên thị trường hiện nay cũng đang dần thay đổi. Nếu trước đây, thị trường chứng khoán được xem là nơi đầu tư ngắn hạn, “lướt sóng” thì trong vài năm trở lại đây, đã có sự xuất hiện của dòng tiền đầu tư định kỳ.
“Theo tôi đó là dòng tiền quan trọng nhất, bước đột phá lớn nhất của thị trường tài chính đầu tư tại Việt Nam trong năm năm tới. Chỉ có dòng tiền đầu tư định kỳ với những hiệu suất đúng, kỳ vọng đúng mới là xương sống của thị trường, chứ không phải dòng tiền ra, tiền vào ngắn hạn”, ông Lê Anh Tuấn, Phó tổng giám đốc Dragon Capital Việt Nam nhận định.
Đại diện quỹ đầu tư lớn nhất Việt Nam hiện nay chia sẻ thêm, đầu tư định kỳ đã khẳng định trong cả trăm năm qua đã chứng minh là cách đầu tư hiệu quả nhất cho những nhà đầu tư không có tám tiếng mỗi ngày nghiên cứu về thị trường.
Khi nhà đầu tư cá nhân bắt đầu quan tâm tới lợi suất trong trung và dài hạn nhiều hơn, các quỹ mở dần có điều kiện phát triển.
Đặc thù của sản phẩm này đòi hỏi khách hàng nắm giữ thời gian dài để có hiệu suất tối đa. Nguyên nhân đến từ việc các biến động ngắn hạn không phản ánh được mức độ tăng trưởng của chứng chỉ quỹ và các quỹ khó thay đổi cơ cấu tài sản nhanh chóng như các nhà đầu tư nhỏ lẻ.
Các quỹ mở cũng thường đưa ra mức phí giao dịch cao hơn cho những nhà đầu tư thích “lướt sóng”. Chẳng hạn, với chứng chỉ quỹ của VCBF, phí bán ra sẽ là 3% giá trị tài sản ròng nếu nhà đầu tư chỉ nắm giữ dưới 1 tháng, giảm dần theo thời gian nắm giữ và còn 0% đối với nhà đầu tư nắm giữ chứng chỉ quỹ trên 2 năm.
Ngân hàng tham gia cuộc chơi
Thực tế, các quỹ mở đã có mặt tại Việt Nam gần như tương đương với sự ra đời của thị trường chứng khoán. Mặc dù vậy, suốt một thời gian dài các quỹ mở không thu hút được sự quan tâm của nhà đầu tư.
Bên cạnh nhận thức, quan điểm khác biệt giữa đầu tư ngắn hạn và dài hạn, hay hiệu suất, một điểm quan trọng khiến sản phẩm quỹ mở kém thu hút nằm ở việc thiếu hụt kênh phân phối.
Vấn đề này đang dần được giải quyết khi hiện nay, rất nhiều ngân hàng đã tham gia vào hoạt động phân phối chứng chỉ quỹ.
Nhìn lại trong khoảng gần một thập kỷ qua, thị trường tài chính Việt Nam chứng kiến sự bùng nổ của sản phẩm trái phiếu doanh nghiệp và sản phẩm bảo hiểm nhân thọ qua kênh ngân hàng.
Dù có xuất hiện một số vụ việc tiêu cực trong việc phân phối hai sản phẩm tài chính trên, nhưng không thể phủ nhận kênh ngân hàng với mạng lưới khách hàng rộng khắp có lợi thế rất lớn trong việc phân phối các sản phẩm tài chính.
Chính ngân hàng đã đẩy nhanh quá trình phát triển của các sản phẩm trái phiếu doanh nghiệp và bảo hiểm nhân thọ, đưa đến tay các nhà đầu tư và khách hàng nhanh hơn rất nhiều so với cách làm truyền thống.
Qua đó, ngân hàng không chỉ đóng vai trò là nơi gửi tiết kiệm, mà còn là một trung tâm tư vấn đầu tư, nâng cao giá trị dịch vụ về sản phẩm tài chính cho khách hàng.
Với chứng chỉ quỹ, đây là sản phẩm tài chính tiếp theo đang được các ngân hàng đẩy mạnh. Đến nay, hầu hết các ứng dụng ngân hàng đếu đã phân phối sản phẩm này. Chẳng hạn, Digi Trading trên ứng dụng của MB cho phép người dùng mua chứng chỉ quỹ chỉ 10.000 đồng.
Các sản phẩm phân phối cũng rất đa dạng, đến từ các quỹ lớn nhất Việt Nam như MB Capital, Dragon Capital Vietnam, VinaCapital, SSIAM, Techcom Capital...
Các ứng dụng khác của Vietcombank, VPBank, Techcombank… cũng đang cung cấp những sản phẩm tương tự. Ngay cả các ví điện tử hiện nay như Momo, Timo... cũng có đầy đủ những sản phẩm chứng chỉ quỹ đa dạng để người dùng lựa chọn.
Đây là một phàn trong chiến lược đẩy mạnh mảng ngân hàng đầu tư, ngân hàng cá nhân của các ngân hàng. Nền kinh tế phát triển đòi hỏi nhiều sản phẩm đầu tư đa dạng hơn để đáp ứng nhu cầu của khách hàng, và chứng chỉ quỹ là một trong số những đó.
Trong bối cảnh những yếu tố tích cực như tăng trưởng kinh tế đang dần hồi phục, mặt bằng lãi suất vẫn giữ ở mức thấp và dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tìm đến Việt Nam, thị trường chứng khoán đang có đầy đủ điều kiện cần thiết để trở thành một kênh đầu tư hấp dẫn trong trung và dài hạn.
Xem thêm tại theleader.vn