SMC dự kiến có lãi quý I nhờ bán tài sản

CTCP Đầu tư Thương mại SMC (Mã: SMC) vừa có công văn giải trình và đưa ra biện pháp, lộ trình khắc phục tình trạng chứng khoán bị cảnh báo và kiểm soát. 

Trước đó, vào ngày 8/4, SMC nhận được quyết định của Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM (HOSE) về việc đưa cổ phiếu SMC vào diện bị cảnh báo và kiểm soát từ ngày 10/4. Lý do công ty ghi nhận lỗ lũy kế trên Báo cáo kiểm toán năm 2023 và đã lỗ ròng 2 năm liên tiếp. 

Lãnh đạo SMC nói rằng giai đoạn 2022-2023 chứng kiến nền kinh tế suy yếu, giá cả nguyên vật liệu diễn biến phức tạp, thị trường bất động sản đóng băng và các ngành công nghiệp sử dụng thép hạ nhiệt, làm sụt giảm mạnh về nhu cầu tiêu thụ thép.

Thêm vào đó, giá bán đi xuống và các chi phí tài chính tăng cao (bao gồm lãi vay và tỷ giá biến động mạnh) và trích lập dự phòng lớn càng làm ảnh hưởng tiêu cực đến hiệu quả kinh doanh của công ty. 

"Thực hiện chuyển nhượng, thanh lý các tài sản, các khoản đầu tư tài chính để mang lại hiệu quả cho hoạt động chung", SMC nói về lộ trình khắc phục. 

Thêm vào đó, công ty sẽ tối ưu hóa sản xuất để chống lãng phí tất cả các chi phí hoạt động, quản trị hàng tồn kho theo diễn biến thị trường, tăng cường kiểm soát các khoản phải thu và rủi ro công nợ.

Theo đó, lãnh đạo doanh nghiệp dự kiến kết quả kinh doanh quý I sẽ có lợi nhuận sau thuế trở lại, chủ yếu đến từ việc thanh lý các khoản đầu tư tài chính và thanh lý tài sản.

Kế hoạch quý II tiếp tục bám sát tình hình thực tế để có những giải pháp điều hành và vận hành hiệu quả. Công ty tin tưởng trong 6 tháng đầu năm sẽ khắc phục tình trạng cổ phiếu bị cảnh báo, kiểm soát.

 Nguồn: HK tổng hợp. 

Theo kế hoạch kinh doanh năm 2024 mới công bố gần đây, SMC đặt mục tiêu doanh thu 13.500 tỷ đồng, giảm 2% so với cùng kỳ. Kế hoạch lợi nhuận sau thuế dự kiến đạt 80 tỷ đồng, trong khi năm ngoái lỗ 925 tỷ đồng. 

Chỉ tiêu tổng sản lượng thép tiêu thụ của Thép SMC năm nay là 900.000 tấn, giảm nhẹ 1% so với năm ngoái. Trong đó, thép dài là 350.000 tấn (tăng 10% so với cùng kỳ) còn thép dẹt là 550.000 tấn (giảm 7%).

Doanh nghiệp nhận định 2024 tiếp tục là năm khó khăn khi thị trường bất động sản gần như chưa thể hồi phục tích cực trong khi các vấn đề về tín dụng vẫn đang là một áp lực không nhỏ. Đầu tư công trong được kỳ vọng sẽ là một trong những nhân tố chính thúc đẩy tăng trưởng cho ngành thép nội địa. Thép SMC sẽ tiếp tục chương trình tái cơ cấu toàn hệ thống trên tinh thần tinh gọn, đa nhiệm.

Về nguồn vốn, SMC dự kiến trình phương án phát hành riêng lẻ 73 triệu cổ phiếu cho tối đa 20 nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp, tương đương 99% số cổ phần đang lưu hành và tăng vốn điều lệ lên 1.467 tỷ đồng. 

Giá phát hành là 10.000 đồng/cổ phiếu, tương ứng với thu về khoảng 730 tỷ đồng. Nguồn tiền này dự kiến dùng để thanh toán các khoản nợ vay của công ty, thanh toán các khoản nợ nhà cung cấp và bổ sung vốn lưu động.

Xem thêm tại vietnambiz.vn