“So găng” các ông lớn dẫn đầu doanh thu bảo hiểm xe cơ giới
Doanh thu bảo hiểm xe cơ giới lớn nhưng có xu hướng giảm
Thị trường bảo hiểm xe cơ giới tại Việt Nam đang chứng kiến sự tham gia của nhiều công ty lớn như Tổng Công ty CP Bảo hiểm Bưu Điện (PTI), Tổng Công ty CP Bảo Minh (BMI), Tổng Công ty Bảo hiểm BIDV (BIC), Tổng Công ty Bảo hiểm Hàng không (AIC), Bảo hiểm Quân đội (MIC), Tổng Công ty Bảo hiểm PVI (PVI), và Công ty CP Bảo hiểm Pjico (PJICO). Đây đều là những tên tuổi đang chiếm lĩnh thị trường bảo hiểm phương tiện giao thông.
Số liệu từ các báo cáo tài chính cho thấy bảo hiểm xe cơ giới đóng góp đáng kể vào tổng doanh thu của các doanh nghiệp này.
Báo cáo tài chính đã soát xét 6 tháng đầu năm 2024 của Tổng Công ty cổ phần Bảo hiểm Bưu điện (HNX: PTI) cho thấy, doanh thu phí bảo hiểm gốc cho loại hình bảo hiểm xe cơ giới đạt 859,5, giảm 28,7% so với cùng kỳ và chiếm 40% tổng doanh thu phí bảo hiểm gốc. Ở chiều ngược lại, PTI đã chi bồi thường bảo hiểm gốc cho loại hình xe cơ giới là 482,7 tỷ đồng, tương ứng 56% doanh thu mang về.
Tại Tổng Công ty Bảo hiểm Hàng không (AIC), với 891,5 đồng, phí bảo hiểm xe cơ giới, chiếm đến 64,4% tổng doanh thu phí bảo hiểm của doanh nghiệp 6 tháng đầu năm 2024 (1.385 tỷ đồng), tăng 8,3% so với cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, AIC cũng đã chi 390 tỷ đồng (khoảng 43,7% doanh thu) bồi thường cho bảo hiểm xe cơ giới.
Tương tự, loại hình bảo hiểm xe cơ giới đưa về cho Tổng Công ty Bảo hiểm BIDV (BIC) 483 tỷ đồng trong nửa bán niên 2024, tăng 10,5% so với cùng kỳ và góp khoảng 17,3% trong tổng số 2.779 tỷ đồng doanh thu phí bảo hiểm công ty đưa về trong kỳ. Thuyết minh báo cáo tài chính đã soát xét của BIC cũng cho biết, với 483 đồng doanh thu từ bảo hiểm xe cơ giới, doanh nghiệp đã chi 206 tỷ đồng (42,6% doanh thu) cho chi phí bồi thường bảo hiểm xe cơ giới.
Đối với Bảo hiểm Quân đội (MIC), 6 tháng đầu năm 2024, doanh thu phí bảo hiểm xe cơ giới đạt 890 tỷ đồng, góp 35% vào tổng doanh thu phí bảo hiểm MIC trong kỳ. Phía MIC thông tin, đã dành 471 đồng chi bồi thường bảo hiểm xe cơ giới, tương ứng 53% doanh thu cho loại hình này.
Thách thức của nghiệp vụ bảo hiểm xe cơ giới
Theo số liệu thống kê của Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam (IAV), tính đến cuối tháng 6/2024, bảo hiểm xe cơ giới với doanh thu đạt 8.931 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 22,9% tổng doanh thu toàn thị trường. Trong đó, doanh thu bảo hiểm trách nhiệm dân sự bắt buộc (CCLI) của chủ xe cơ giới đạt 2.264 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 5,8% và tăng 2,9%; doanh thu bảo hiểm xe cơ giới tự nguyện đạt 6.667 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 17,1% và tăng 0,7%.
Nghiệp vụ bảo hiểm xe cơ giới hiện vẫn đóng vai trò trụ cột tại nhiều doanh nghiệp bảo hiểm, chiếm hơn 40% doanh thu bảo hiểm gốc. Tuy nhiên, sự suy giảm mạnh mẽ trong sức mua của thị trường ô tô, từ lượng xe bán ra cho đến giá trị xe mới và cũ, đã dẫn đến việc sụt giảm đáng kể về số tiền bảo hiểm và phí bảo hiểm trong năm 2023 so với năm trước.
Một đại diện của doanh nghiệp bảo hiểm thuộc Top 10 thị phần trong lĩnh vực phi nhân thọ chia sẻ, doanh thu từ bảo hiểm xe cơ giới chỉ đạt 90% kế hoạch cả năm và tăng trưởng 4% - một con số khá khiêm tốn nếu so với mức tăng trưởng hai chữ số trong những năm trước. Tuy vậy, mức tăng này vẫn vượt trội so với tăng trưởng chung của thị trường, khi bảo hiểm xe cơ giới ghi nhận sự sụt giảm 2% trong năm qua.
Năm 2023 cũng đánh dấu lần đầu tiên sau nhiều năm bảo hiểm xe cơ giới không ghi nhận tăng trưởng. Trong năm 2022, nghiệp vụ này từng tăng trưởng tới 12,45%. Bên cạnh sự suy yếu của thị trường ô tô, một nguyên nhân khác ảnh hưởng đến doanh thu bảo hiểm xe cơ giới là quá trình tái cơ cấu sản phẩm và dịch vụ tại nhiều doanh nghiệp bảo hiểm, nhằm giảm thiểu tỷ lệ bồi thường cao. Một số công ty đã chủ động cắt giảm các sản phẩm có lợi nhuận thấp và tỷ lệ bồi thường cao để tối ưu hóa hoạt động kinh doanh.
Theo một đại diện của doanh nghiệp bảo hiểm thuộc Top 6 thị phần, các hợp đồng bảo hiểm cũ được tái tục đã góp phần giúp doanh thu phí không giảm quá mạnh, dù doanh số bán bảo hiểm mới có sụt giảm. Tuy nhiên, sự suy giảm chung của doanh thu bảo hiểm xe cơ giới trong năm 2023 vẫn chịu ảnh hưởng lớn từ chiến lược tái cơ cấu của các doanh nghiệp trong ngành.
Tỷ lệ bồi thường cao trong năm 2022 đã buộc nhiều doanh nghiệp bảo hiểm phải thay đổi chiến lược, tập trung vào việc cân đối thu chi và bồi thường. Một số công ty thậm chí đã tăng phí bảo hiểm và chọn lọc khách hàng kỹ càng hơn, thay vì theo đuổi doanh thu bằng mọi giá như trước đây. Đây là một trong những nguyên nhân chính khiến doanh thu từ bảo hiểm xe cơ giới giảm mạnh trong năm qua.
Tổng Công ty CP Bảo hiểm Bưu điện (PTI), từng nằm trong Top 3 về doanh thu phí bảo hiểm phi nhân thọ tại Việt Nam, đã dẫn đầu thị phần bảo hiểm xe cơ giới trong thời gian dài. Tuy nhiên, năm 2023, PTI đã phải tái cơ cấu mạnh mẽ các nghiệp vụ mang lại doanh thu cao nhưng không mang lại lợi nhuận tương xứng, đặc biệt là bảo hiểm sức khỏe và xe cơ giới. Trong quý I/2023, doanh thu bảo hiểm xe cơ giới của PTI đã giảm 10% so với cùng kỳ năm trước.
Theo đại diện một doanh nghiệp trong Top 10 thị phần, thúc đẩy tăng trưởng bằng nghiệp vụ bảo hiểm xe cơ giới từng là chiến lược phổ biến của nhiều công ty bảo hiểm phi nhân thọ. Tuy nhiên, chiến lược này chỉ mang lại hiệu quả ngắn hạn và đến một thời điểm nhất định, các doanh nghiệp buộc phải dừng lại để tái cơ cấu.
Dự báo về thị trường bảo hiểm xe cơ giới trong năm 2024 vẫn còn nhiều thách thức. Quá trình tái cơ cấu các mảng nghiệp vụ có lợi nhuận thấp và tỷ lệ bồi thường cao vẫn đang diễn ra, trong khi thị trường tiêu thụ xe ô tô chưa cho thấy dấu hiệu khởi sắc. Đặc biệt, Nghị định số 67/2023/NĐ-CP quy định cho phép doanh nghiệp bảo hiểm giảm phí bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc tới 25% sẽ làm gia tăng cạnh tranh trên thị trường bảo hiểm phi nhân thọ, khiến lĩnh vực bảo hiểm xe cơ giới vốn đã khốc liệt trở nên thách thức hơn.
Xem thêm tại nguoiquansat.vn