Sợ lỗ luỹ kế, Cảng Sài Gòn cắt 63% quỹ đầu tư phát triển

Công ty CP Cảng Sài Gòn (UPCoM: SGP) đã công bố kế hoạch lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản về chủ trương điều chỉnh giảm khoản trích lập quỹ đầu tư phát triển từ lợi nhuận lũy kế.

Thay vì trích lập gần 490,7 tỷ đồng như dự kiến, doanh nghiệp muốn giảm con số này xuống còn 180 tỷ đồng, tương đương cắt giảm 310,7 tỷ đồng.

Theo kế hoạch, hạn cuối cùng để Cảng Sài Gòn thu thập ý kiến cổ đông bằng văn bản là trước 12 giờ trưa ngày 31/12/2024.

Doanh nghiệp cho hay, việc giảm trích lập quỹ đầu tư phát triển được giải thích nhằm bảo toàn lợi ích cổ đông. Nếu thực hiện theo kế hoạch ban đầu, lợi nhuận sau thuế chưa phân phối có thể trở thành số âm do ảnh hưởng từ kết quả kinh doanh của các công ty liên doanh, liên kết. Khi lỗ lũy kế xuất hiện, giá trị cổ phiếu trên thị trường chứng khoán có nguy cơ giảm, ảnh hưởng trực tiếp đến lợi ích của các nhà đầu tư.

Tại ngày 30/9/2024, Cảng Sài Gòn chỉ còn lãi lũy kế chưa phân phối khoảng 320,2 tỷ đồng, thấp hơn nhiều so với mức 490,7 tỷ đồng dự kiến trích lập ban đầu. Do đó, giảm trích lập là một giải pháp phù hợp để giữ cho bảng cân đối kế toán ở trạng thái cân bằng, duy trì sự ổn định về giá cổ phiếu và củng cố niềm tin của cổ đông.

Cảng Sài Gòn có lịch sử 160 năm, tiền thân là Thương cảng Sài Gòn - một trong những cảng biển lớn nhất Đông Dương thời Pháp thuộc. Ngày 1/10/2015, Cảng Sài Gòn chính thức hoạt động theo mô hình công ty cổ phần sau khi được cổ phần hóa từ Công ty TNHH Một thành viên Cảng Sài Gòn do Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) nắm giữ 100% vốn ban đầu.

Tính tới cuối năm 2023, cơ cấu cổ đông của Cảng Sài Gòn khá tập trung. Cổ đông lớn nhất là Tổng công ty Hàng hải Việt Nam – Công ty TNHH MTV (VIMC) nắm 65,45% vốn điều lệ. Bên cạnh đó, hai ngân hàng thương mại lớn là Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank, HoSE CTG) và Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank, HoSE: VPB) lần lượt sở hữu 9,07% và 7,44%. Ngoài ra, Công ty TNHH Phát triển Dịch vụ Thương mại Toàn Thắng giữ 9,83% và còn lại 8,21% thuộc về các cổ đông nhỏ lẻ dưới 5%.

Về hoạt động kinh doanh, kết thúc 9 tháng năm 2024, Cảng Sài Gòn ghi nhận doanh thu đạt 813,9 tỷ đồng, tăng 20,8% so với cùng kỳ năm 2023. Tuy nhiên, lợi nhuận sau thuế lại giảm mạnh 43,7% so với cùng kỳ, chỉ còn 127,4 tỷ đồng.

Nguyên nhân chủ yếu đến từ biên lợi nhuận gộp giảm từ 34,7% xuống 28,6% và đặc biệt là chi phí quản lý doanh nghiệp tăng đột biến, gấp hơn 11 lần so với cùng kỳ, lên tới 155,6 tỷ đồng. Dù doanh thu tài chính tăng và chi phí tài chính giảm, đồng thời lãi từ công ty liên doanh, liên kết tăng đáng kể, nhưng mức tăng này không đủ bù đắp cho sự gia tăng chi phí quản lý.

Năm 2024, Cảng Sài Gòn đặt mục tiêu doanh thu đạt 1.100,3 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế đạt 237,3 tỷ đồng. Như vậy, sau 9 tháng, doanh nghiệp đã hoàn thành khoảng 73,9% kế hoạch lợi nhuận trước thuế với 175,5 tỷ đồng.

Tính đến 30/9/2024, quy mô tổng tài sản của Cảng Sài Gòn đạt 5.460,7 tỷ đồng, tăng nhẹ 1,8% so với đầu năm. Trong đó, tiền mặt lên tới 773,5 tỷ đồng, chiếm 14,2% tổng tài sản.

Ở bên kia bảng cân đối kế toán, tổng nợ phải trả của Cảng Sài Gòn còn hơn 2.677 tỷ đồng, tăng 6,1% so với đầu năm. Tỷ trọng lớn nhất trong cơ cấu nợ là các khoản phải trả dài hạn khác (1.781 tỷ đồng).

Tại phiên giao dịch ngày 17/12, cổ phiếu SGP đang có đà lao dốc trở lại, giảm 1,53% xuống vùng 25.800 đồng/cp.

Xem thêm tại vietnamfinance.vn