Số lượng cửa hàng gần bằng một nửa, mở 'vỏn vẹn' 3 điểm bán mới trong năm 2024, tại sao doanh thu của Bách Hóa Xanh vẫn vượt WinCommerce?
6 tháng đầu năm, Winmart/WinCommerce mở 40 mới điểm bán, gấp hơn 13 lần số điểm bán của Bách Hóa Xanh. Tổng số điểm bán của "ông lớn" trực thuộc Masan cũng hơn gấp đôi, 3.673 siêu thị Winmart và cửa hàng Winmart so với 1.701 điểm bán Bách Hóa Xanh. Tuy nhiên, doanh thu lại là câu chuyện khác.
Cụ thể, Bách Hóa Xanh – "át chủ bài" có thể gánh tăng trưởng của Thế giới di động (MWG), ghi nhận doanh thu doanh thu 19.400 tỷ đồng, tăng 42% so với cùng kỳ năm trước. Riêng tháng 6, chuỗi bán lẻ thực phẩm và hàng tiêu dùng của Thế giới di động mang về cho công ty mẹ 3.600 tỷ đồng, tăng gần 5% so với tháng trước. Bình quân mỗi cửa hàng Bách Hóa Xanh thu 2,1 tỷ đồng một tháng.
Trong khi đó, đối thủ cạnh tranh trực tiếp của chuỗi này là WinCommerce tăng 9,2% doanh thu so với cùng kỳ, vượt 7.800 tỷ đồng.
Nhóm phân tích của Công ty Chứng khoán SSI đánh giá, nửa đầu năm, tốc độ doanh thu của Bách Hóa Xanh đạt 41%, cao hơn so với Wincommerce dù tốc độ mở cửa hàng chậm.
"Quý II, doanh thu trên tháng tại một cửa hàng này tiếp tục tăng trưởng nhờ cơ cấu sản phẩm tốt, nhiều rau hơn ở các cửa hàng khu vực thành phố, nhiều trái cây nhập khẩu hơn ở các cửa hàng nông thôn, nhiều thịt/hải sản có thương hiệu hơn", báo cáo của SSI viết.
Theo phân tích của SSI, cửa hàng Bách Hóa Xanh cung cấp cho khách hàng đa dạng các sản phẩm hơn so với đối thủ Winmart, nhờ đó thu hút khách hàng mới từ chợ truyền thống hiệu quả hơn.
Tương tự, báo cáo của Công ty Chứng khoán FPT (FPTS) cho biết, so với các chuỗi siêu thị mini khác (WinMart , Satrafoods, Co.op Food), danh mục sản phẩm của Bách Hóa Xanh đa dạng hơn ở cả mặt hàng tươi sống và hàng tiêu dùng nhanh (FMCG). Lợi thế cạnh tranh này giúp Bách Hóa Xanh thu hút khách hàng mới và gia tăng tần suất mua hàng của khách hàng hiện hữu. Bên cạnh đó, các sản phẩm tươi sống cũng đóng vai trò là kênh dẫn truyền để khách hàng mua thêm các sản phẩm FMCG với biên lãi gộp cao hơn.
Trong tương lai, với mô hình cửa hàng hiện tại, Bách Hoá Xanh khó có thể tăng doanh thu hơn nữa. Khi doanh thu /cửa hàng đi vào ổn định (2,1-2,2 tỷ đồng), do đó, SSI Research kỳ vọng MWG sẽ tối ưu hóa chi phí (tự động hóa hoạt động vận hành để giảm chi phí lao động và logistics) để nâng cao biên lợi nhuận trước thuế.
SSI dự báo, doanh thu Bách Hóa Xanh có thể đạt 40.000 tỷ đồng, trong năm nay và 45.000 tỷ đồng trong năm sau. Số lượng cửa hàng của chuỗi "cơn cưng" của tỷ phú Nguyễn Đức Tài có thể vượt số lượng cửa hàng điện thoại điện máy (khoảng 3.200 cửa hàng) trong trung hạn.
Còn FPTS cho rằng, Bách Hóa Xanh định hướng sẽ mở dày thay vì mở rộng để tối ưu công suất hoạt động của trung tâm phân phối. Dự phóng chuỗi bán lẻ thực phẩm thuộc MWG sẽ nâng số lượng cửa hàng lên 1.740 cửa hàng vào cuối năm 2024, trước khi mở mới thêm 100 cửa hàng/năm trong giai đoạn 2025-2029. Doanh thu trung bình/cửa hàng có thể chạm ngưỡng 2,65 tỷ đồng/tháng trong năm 2029.
Trước đó, tại Đại hội cổ đông thường niên 2024, ông Nguyễn Đức Tài – Chủ tịch Thế giới di động cho biết, doanh nghiệp thận trọng với việc mở cửa hàng mới và chưa đặt ra số lượng cụ thể.
"Việc mở ào ạt theo chỉ tiêu được giao là bài học chúng tôi đã học được từ quá khứ. Những chuyện như vậy sẽ không diễn ra nữa. Bây giờ, mở cửa hàng nào phải thẳng thì mới mở, không thì thôi", ông Tài nói.
Nói về kế hoạch Bắc tiến, Trung tiến, người đứng đầu MWG cho biết, khi có những đồng lãi đầu tiên, việc mường tượng kế hoạch Bách tiến, Trung tiến sẽ được thực thi. Còn khi chưa có lãi, kế hoạch này buộc phải thận trọng, chậm lại.
Xem thêm tại cafef.vn